Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:
1. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Đối chiếu với quy định nêu trên, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định vào năm 2022 có mức hưởng lương hưu hằng tháng tối đa là 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng, với 35 năm đóng bảo hiểm xã hội nếu là lao động nam.
Trường hợp chú của bạn nếu đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu vào tháng 8/2022 và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội được 39 năm thì được hưởng trợ cấp một lần bằng hai tháng bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với bốn năm đóng bảo hiểm xã hội.
Cho người khác mượn hồ sơ đi làm: Quyền lợi bảo hiểm xã hội có được giải quyết?
Cách đây mấy năm, do nghĩ đơn giản cho nên tôi đã cho một người quen mượn hồ sơ của mình để xin vào làm việc tại một doanh nghiệp ở tỉnh khác. Sau khi được nhận, doanh nghiệp này có tham gia bảo hiểm xã hội cho người quen của tôi (theo thông tin cá nhân của tôi). Trong khi đó, tôi cũng đi làm và có tham gia bảo hiểm xã hội. Vậy sau này việc thụ hưởng quyền lợi của tôi và người mượn hồ sơ của tôi có bị ảnh hưởng gì không?
(Một bạn đọc đề nghị không nêu tên)
Trả lời:
Việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để đi làm là hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội và khoản 20 Điều 1 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong trường hợp này, bạn phải yêu cầu người mượn hồ sơ làm thủ tục thay đổi thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội của người đó (đang mang tên bạn) về đúng thông tin của họ để cơ quan Bảo hiểm xã hội gửi hồ sơ sang Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Sau khi có kết luận của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội mới có căn cứ thực hiện điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội của người mượn hồ sơ đi làm để làm căn cứ giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội sau này cho cả bạn và người trước đây đã mượn hồ sơ của bạn.