Những ngày qua, các lực lượng của Quân khu 4 gồm hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Công binh 414 thuộc Sư đoàn 968, Lữ đoàn Thông tin 80 và các lực lượng chức năng tại tỉnh Thừa Thiên Huế cùng phương tiện, trang bị kỹ thuật được huy động đến xã Phong Xuân, nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai nhiệm vụ tìm kiếm đoàn công tác mất liên lạc và các nạn nhân khác ở thủy điện Rào Trăng 3.
Bộ Quốc phòng đã điều động và tăng cường lực lượng thực hiện tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn như Binh chủng Thông tin liên lạc, Quân chủng Phòng không - Không quân cùng nhiều lực lượng chức năng khác với các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất, ưu tiên cho công tác tìm kiếm người bị nạn.
Chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường cứu hộ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay: Quân khu 4 phải đáp ứng mọi điều kiện cần thiết để tổ chức tìm kiếm, cứu nạn, kịp thời cấp cứu các nạn nhân bị vùi lấp. Trong quá trình tìm kiếm phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, phương tiện. Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết, bằng mọi biện pháp nắm tình hình, tiếp cận nhanh nhất khu vực có người bị nạn. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đưa lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương tập trung khắc phục sạt lở, thông tuyến giao thông để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.
Thượng tá Mai Văn Thanh, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 414 cho biết: “Lữ đoàn đã điều động 60 cán bộ, chiến sĩ, cùng phương tiện đầy đủ vào ngay hiện trường. Khi xác định đúng vị trí cần cứu nạn, chúng tôi quyết tâm tìm kiếm bằng tấm lòng người chiến sĩ đối với các đồng chí, đồng đội bị mất tích”. Đại úy Nguyễn Đình Vũ, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 - Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 nói: “Đơn vị đã nhanh chóng triển khai công tác tổ chức, chuẩn bị trang bị, khí tài với thời gian sớm nhất. Sau khi đến vị trí, đơn vị phân công các tổ đài, bảo đảm thông tin liên lạc, quyết tâm phấn đấu sẽ tìm và đưa đồng đội về với gia đình, về với đơn vị trong thời gian sớm nhất”.
Có mặt tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, ông Lê Văn Hoan (62 tuổi), ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh), bố của anh Lê Văn Sáng (một trong số 17 công nhân đang làm việc tại thủy điện Rào Trăng 3 bị mất tích) bần thần kể trong tiếng nấc nghẹn: “Con trai tôi có một con gái 11 tuổi và con trai 4 tuổi. Vợ nó làm nông nghiệp, sau khi mất liên lạc với chồng đã ngã bệnh. Con tôi mới vào Huế chưa được một tuần. Trời mưa, lũ lớn, bố con vẫn điện thoại hỏi thăm nhau. Nó nói con lên công trường rồi sẽ về. Thế mà mãi không thấy về...”.
Trong số 13 người trong đoàn công tác có ông P.V.H, phóng viên công tác tại Cơ quan thông tin điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo thông tin từ gia đình, ngày 15-10 là sinh nhật lần thứ 54 của ông. Nhưng cả nhà phải tưởng nhớ lần sinh nhật này bằng những lời cầu nguyện.
Ngay trong sáng 15-10, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã xác định được vị trí đoàn cứu hộ gồm 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích tại tiểu khu 67. Đơn vị cứu hộ đã huy động 642 người, 93 phương tiện, 43 ô-tô, hai xe công nông, 45 máy xúc, máy ủi, hai máy bay trực thăng cứu nạn với mục tiêu nhanh chóng tìm được người bị nạn. Cán bộ, chiến sĩ công binh tranh thủ từng giờ, từng phút, chạy đua với thời gian tìm kiếm các nạn nhân tại vị trí nhà kiểm lâm ở tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Đến 11 giờ trưa 15-10, lực lượng cứu hộ tìm kiếm được bốn thi thể đầu tiên. Tiếp đó, từng thi thể được tìm thấy. Đến 19 giờ 20 phút tối 15-10, thi thể cuối cùng trong tổng số 13 người của đoàn công tác được tìm thấy và đưa về Bệnh viện Quân y 268 ở TP Huế.
Trời bắt đầu tối, thời tiết diễn biến xấu. Nhiều bóng đèn đã được thắp lên ở ven đường trong quá trình đưa các nạn nhân về bệnh viện. Với gần hai triệu mét khối đất mềm vùi lấp toàn bộ tiểu khu 67, cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu nạn phải khẩn trương, chạy đua với thời gian vì dự báo khu vực này sắp có mưa. Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 nói: “Quá trình vừa tìm kiếm, chúng tôi tiếp tục phối hợp với ngành giao thông mở đường vào tiểu khu thủy điện Rào Trăng 3, 4. Bộ Quốc phòng đã điều trực thăng để trinh sát các khu vực. Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ đổ quân cùng một lúc vào bốn vị trí để tranh thủ từng giờ, từng phút cứu những nạn nhân còn sống sót”.
Ngoài 13 người của đoàn công tác mất tích tại trạm kiểm lâm thuộc tiểu khu 67, hiện vẫn còn 16 công nhân ở nhà điều hành của Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 chưa thể liên lạc được. Công tác tìm kiếm các nạn nhân còn lại đang được triển khai với quyết tâm tiếp cận và đưa các nạn nhân ra khỏi vùng sạt lở một cách nhanh nhất, trước khi dự báo mưa lớn lại sắp ập đến.