Chạy đua với... thời gian

Ðầu năm 2020, thạc sĩ Mạc Văn Trọng được Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cử đi đào tạo tại Trường đại học Bristol (Vương quốc Anh).

TS Đỗ Tuấn Đạt miệt mài nghiên cứu trong “100 ngày thử thách”.
TS Đỗ Tuấn Đạt miệt mài nghiên cứu trong “100 ngày thử thách”.

Những tưởng, Trọng sang đó sẽ triển khai nghiên cứu vắc-xin các loại cúm đại dịch điển hình tại các nước nhiệt đới theo đề tài đăng ký với trường, không ai ngờ chuyến xuất ngoại ấy biến anh thành người Việt Nam đầu tiên tiếp cận và nghiên cứu mã gien vi-rút của Covid-19.

"Trận chiến" tại nước Anh

Khi ấy vào khoảng cuối tháng 2. Chủ tịch Công ty Vabiotech, tiến sĩ Ðỗ Tuấn Ðạt, ngay khi nhận được thông tin về các ca bệnh đầu tiên bùng lên ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã lập tức gửi thư điện tử tới vị giáo sư đối tác tại Anh, đề nghị: Có thể đổi sang nghiên cứu vi-rút SARS-CoV-2 này không? Và phía đối tác không ngần ngại đồng ý, nhưng với suy nghĩ: Chỉ Việt Nam cần quan tâm thôi, vì là nước láng giềng Trung Quốc!

Mọi chuyện có vẻ thuận lợi, bởi khi thử lần đầu, Trọng đã phân tách và dựng được mẫu gien. Nhưng chưa kịp mừng, Vương quốc Anh cũng bắt đầu xuất hiện những ca bệnh đầu tiên và nhanh chóng lây lan. Lệnh giãn cách xã hội chuẩn bị được đưa ra như một giải pháp bắt buộc. Áp lực thời gian bỗng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Cả anh Ðạt và Trọng đều thống nhất với nhau rằng phải nhanh chóng hoàn thiện mẫu gien trước khi trường đóng cửa. Có điều, khối lượng công việc là quá lớn đối với một mình Trọng.

Không để mất thời gian, anh Ðạt cương quyết đề nghị với đối tác bên Trường đại học Bristol, cho cử thêm một nghiên cứu viên sang hỗ trợ. Và người được chọn mặt gửi vàng là một cô gái: Ðỗ Thuận Thiên.

Chưa đầy hai tháng, Trọng đã thành công hoàn thiện mẫu gien vi-rút. Giáo sư hướng dẫn tại Anh đề nghị: Hai người cứ về nước trước, mẫu sẽ được gửi về sau. Vậy nhưng cả nhóm ở nhà, lẫn nhóm nơi đất khách đều nhất trí phải tận mắt chứng kiến "hàng" được đóng gói, bảo quản cẩn thận, lên máy bay thì mới có thể yên tâm mà về!

Ðợi "hàng" an toàn lên được máy bay, Thiên mới đặt vé cho hai anh em. Không may Vietnam Airlines khi ấy đã không còn vé. Ngồi đợi ở sân bay Heathrow từ sớm, nguy cơ lây nhiễm cao, nói không lo lắng chắc chắn là nói dối, nhưng Thiên và Trọng vẫn luôn cảm thấy cả hai không hề đơn độc. Tất cả mọi người đều đang nỗ lực tìm cách đưa hai nhà nghiên cứu về với quê hương. Cuối cùng, may mắn đã đến. Tìm hiểu trên mạng, Thiên phát hiện chỉ còn Hồng Công (Trung Quốc) là cho phép hành khách quá cảnh mà không cần phiếu xét nghiệm. Nhưng lúc đó, bên Anh đã là 10 giờ đêm, cổng bán vé đã không còn mở. Anh Ðạt biết tin, bèn liên hệ ngay với đại lý bán vé của hãng tại Việt Nam để mua vé.

Guồng quay chóng mặt ba tuần của Thiên đã kết thúc như thế.

100 ngày thử thách

Công nghệ mà Vabiotech sử dụng trong sản xuất vắc-xin phòng, chống đại dịch toàn cầu Covid-19 là công nghệ vector vi-rút, thay vì các công nghệ vắc-xin bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Lựa chọn hướng đi này, anh Ðạt cùng nhóm nghiên cứu đã phải đắn đo rất nhiều: "Công nghệ hiện đại như Pfizer hay các công ty dược lớn trên thế giới thì chúng ta chưa thể tiếp cận được, đi theo truyền thống thì sợ rằng không hiệu quả. Vậy nên chúng tôi chọn hướng đi cho mình ở tầm trung, không quá hiện đại nhưng cũng không cổ điển, mặc dù là lần đầu chúng tôi tiếp cận!".

Khi đã "chốt" được công nghệ, anh Ðạt ngay lập tức thành lập đội sản xuất vắc-xin Covid-19 với các nhóm chính: nhóm nghiên cứu, nhóm hồ sơ, nhóm thử nghiệm động vật, nhóm sản xuất, nhóm kiểm định. Các nhóm sẽ hoạt động song song, chứ không phải lần lượt như với các dự án nghiên cứu vắc-xin khác, bởi lần này điều quan trọng nhất là phải tranh thủ thời gian. Mục tiêu chung của cả nhóm luôn là làm sao để có thể hoàn thiện vắc-xin trong thời gian ngắn nhất, trong khi đó dịch bệnh lại tiếp tục trở nên tồi tệ, nhanh chóng xuất hiện biến thể mới, lây lan nhanh hơn, bởi vậy mà họ càng phải cẩn trọng…

Tôi hỏi Thiên: "Ði lâu như thế, lại trở về từ vùng dịch, khi trở về rồi lại suốt ngày bận rộn với nghiên cứu, gia đình chắc phải lo lắng lắm?". Thiên chỉ bảo: "Cả nhà mình đều làm bác sĩ. Ngành y là truyền thống gia đình. Với lại, chung quanh mình mọi người đều chẳng ai dứt được công việc".

Hóa ra, "cống hiến thầm lặng" cũng có thể di truyền và lan tỏa. Và chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về sự lan tỏa ấy, ở Việt Nam!

NGUYỄN HÀ - HOÀNG NAM