THẾ GIỚI NĂM 2020

Lửa thử vàng

Ðại dịch Covid-19 thật sự là cú sốc tiến công hệ thống quản trị toàn cầu và làm xói mòn chủ nghĩa đa phương vốn chịu nhiều thách thức. Kể từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt năm 1989, chưa bao giờ chính trị quốc tế bị đe dọa bởi một kẻ thù nhỏ bé, đáng sợ và cũng chưa khi nào thế giới chứng kiến sự ngờ vực và cả nỗi sợ hãi, làm tan biến nhiều mối quan hệ quốc tế truyền thống.

Thời điểm Covid-19 xuất hiện cuối năm 2019, không ai nghĩ, đại dịch trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu có hệ thống, có khả năng tạo tiền đề cho cuộc đối đầu địa chính trị nguy hiểm nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Vài tuần sau khi bùng phát, đại dịch đã đóng cửa một phần ba nền kinh tế toàn cầu, gây ra cú sốc kinh tế lớn nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 1929. Khi dịch mới bùng phát, việc thiếu chia sẻ thông tin cần thiết về mối nguy hiểm chết người do Covid-19 dẫn đến tình trạng nghi kỵ. Thay phiên buộc tội lẫn nhau là thủ phạm gây đại dịch, Mỹ và Trung Quốc tự đánh mất vai trò lãnh đạo toàn cầu. Cú sốc tiếp theo là việc nước Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Cuộc chạy đua điều chế và sở hữu vắc-xin ngừa Covid-19 diễn ra gay gắt, quyết liệt. Những điều này khiến chủ nghĩa đa phương bị thách thức, bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo giới chuyên gia về chính trị quốc tế, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chính trị toàn cầu chính là khủng hoảng lãnh đạo tập thể. Và để tái thiết hợp tác toàn cầu, cần làm rõ ba điều được coi là "bí ẩn" có tác động đến chính trị quốc tế năm 2020.

Bí ẩn thứ nhất, thế giới sẽ đối mặt rủi ro có tính hệ thống do các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, kiểu vi-rút gây Covid-19. Ðại dịch Covid-19 chỉ là giọt nước tràn ly của quá trình biến đổi khí hậu do chính con người gây ra, khi chúng ta để nhiệt độ Trái đất tăng hơn 2 độ C so mức thời tiền công nghiệp.

Bí ẩn thứ hai, Covid-19 làm xấu hình ảnh của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, toàn cầu hóa vẫn là chất xúc tác mạnh mẽ, biểu hiện rõ nhất là sự hình thành cộng đồng các nhà khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu và phát hiện để tìm kiếm ra loại vắc-xin chống Covid-19. Chưa bao giờ có nhiều nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia hợp tác trong một dự án lớn như vậy.

Bí ẩn thứ ba, các công cụ chính sách hiện thời, các thể chế của thế giới khó có thể giúp vượt qua khủng hoảng, mà chỉ huy động được nguồn lực nhỏ bé cần thiết để ngăn chặn đại dịch và các tác động kinh tế - xã hội do Covid-19 gây ra. Trừ phi, cách thức hoạt động của các tổ chức quốc tế được thay đổi, nguồn lực khu vực tư nhân được tận dụng hơn nữa.

Ðại dịch Covid-19 xảy ra trúng thời điểm khủng hoảng trong hợp tác toàn cầu. Ðể đạt được trạng thái ổn định và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo đảm phúc lợi xã hội là bài toán hóc búa, đòi hỏi thế giới đổi mới và nỗ lực hợp tác rất lớn. Sự thay đổi phải là củng cố, tăng cường chủ nghĩa đa phương, đã suy yếu và bị xói mòn sâu sắc trong đại dịch.

Trước hết, cần khôi phục sự lãnh đạo toàn diện hơn, ở cấp độ toàn cầu. Tiến trình điều chế và phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 cần được bảo đảm diễn ra suôn sẻ. Trong đó, các thành viên G20 duy trì cam kết với các tổ chức quốc tế liên quan, các đối tác khu vực tư nhân sẵn sàng tạo nền tảng để cung cấp vắc-xin một cách nhanh chóng và công bằng. Ðây thật sự là thách thức chưa từng có, cho nên đòi hỏi sự liên kết chưa từng có.

Thế giới cần thêm sức mạnh để hợp tác ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tài chính đang rình rập ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Các chủ nợ quốc tế cần thêm thiện chí, mở rộng diện hỗ trợ và hợp tác giải quyết khủng hoảng nợ xấu gia tăng tại các quốc gia vay nợ. Cộng đồng quốc tế bắt tay để xây dựng các liên minh cần thiết nhằm bảo đảm thành công cho các cơ chế đa phương, các sự kiện quốc tế quan trọng. Liên hợp quốc cần được duy trì là diễn đàn toàn cầu thống nhất và mạnh mẽ, cam kết để loài người vĩnh viễn không bao giờ phải lựa chọn chiến tranh như là sự bắt buộc. Thế giới luôn có những sự lựa chọn khác nhau, song thay vì chấp nhận sự sụp đổ của hệ thống đa phương, cần tìm kiếm, phác thảo và thiết lập những cơ chế đoàn kết mới, lấp những khoảng trống chia rẽ mà Covid-19 đã tạo ra.

Ðại dịch Covid-19 là hồi chuông cảnh tỉnh cho chủ nghĩa đa phương. Cuộc chiến chống Covid-19 đòi hỏi hợp tác toàn cầu, minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học. Các phản ứng phải mang tính tổng thể, lấy con người làm trung tâm.

Như lửa thử vàng, đại dịch Covid-19 là cơ hội để thế giới nhìn nhận lại cách thức hợp tác để ứng phó thách thức, chống chọi các mối đe dọa trong tương lai. Khi con người được đặt ở vị trí trung tâm, hợp tác là kim chỉ nam cho mọi hành động, thì chủ nghĩa đa phương nhất định sẽ chiến thắng.

GS, TS PHẠM QUANG MINH