Sau mấy tháng hè "hạ nhiệt", dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đã bùng phát trở lại tại châu Âu. Số ca mắc mới tính theo ngày của nhiều nước châu Âu những tuần gần đây liên tục vượt xa mức đỉnh dịch trong đợt bùng phát đầu năm 2020. Số ca bệnh mới được ghi nhận hằng ngày của châu Âu cũng cao hơn con số này của châu Mỹ và châu Á. Nguyên nhân nào khiến tình hình dịch bệnh tại châu Âu xấu đi và "lục địa già" sẽ xoay xở ra sao khi đối mặt với một làn sóng dữ dội hơn trước?
Từ tháng 6-2020, số người nhập viện và tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại châu Âu có chiều hướng giảm mạnh. Nhiều người trong đó có cả các chuyên gia y tế đã hy vọng dịch bắt đầu rút dần, và nếu có tái bùng phát thì cũng phải đến lúc thời tiết lạnh hơn. Vậy nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh và phức tạp hơn so với dự đoán ban đầu khi đợt dịch thứ hai xuất hiện từ giữa tháng 8 vừa qua. Sau 1-2 tuần, số ca nhiễm mới ở những nước như Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Bỉ hay Italy đều tăng rất nhanh. Từ tháng 9, mức độ lây lan tăng dần, số ca mắc mới tính theo ngày ở một số nước không dừng lại ở mức hàng trăm mà lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn.
Trong cuộc họp báo ngày 15-10, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hans Henri P. Kluge cho biết, diễn tiến tình hình dịch tễ tại châu Âu làm dấy lên quan ngại rất lớn: số ca mắc tính theo ngày tăng, người nhập viện tăng, Covid-19 đang là nguyên nhân đứng thứ năm gây ra các ca tử vong và châu Âu đã chạm mức 1.000 ca tử vong/ngày. Chỉ trong vòng 10 ngày, số ca bệnh tăng từ sáu triệu lên bảy triệu. Dù hiện nay số ca bệnh tính theo ngày tăng gấp 2-3 lần so với con số này trong giai đoạn đỉnh dịch vào tháng 4 vừa qua, nhưng số ca tử vong hằng ngày lại thấp hơn năm lần.
Tương tự các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), đại dịch tại Nga chỉ tạm lắng dịu trong khoảng thời gian mùa hè ngắn ngủi và tái bùng phát vào trung tuần tháng 9 vừa qua. Các bệnh viện chật cứng người bệnh, không ít bác sĩ phải làm việc đến kiệt sức. Từ ngày 4-10 đến nay, mỗi ngày nước Nga có thêm hơn 10 nghìn ca bệnh. Các nhà chức trách cảnh báo, con số 20 nghìn ca mới/ngày có thể không còn là viễn cảnh nữa. Hiện Nga xếp thứ tư trong bảng xếp hạng Covid-19 của thế giới và đứng đầu bảng xếp hạng của châu Âu.
Trong khu vực EU, Tây Ban Nha là một trong những nước đầu tiên chứng kiến đà tăng mạnh của dịch Covid-19. Nước này có số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 7.000 vào ngày 14-8, thời điểm kỳ nghỉ hè chưa kết thúc. Kể từ đó, mỗi ngày Tây Ban Nha liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao, dao động từ 5.000 đến 21 nghìn ca nhiễm/ngày.
Pháp cũng ghi nhận đà tăng tốc của dịch bệnh từ giữa tháng 8. Số ca bệnh nặng tại quốc gia này cao hơn so với các nước khác trong khu vực, lên tới hơn 2.000 ca tính tới ngày 19-10. Vùng thủ đô của Pháp đang ở mức rất đáng lo ngại, khi hơn 50% số giường hồi sức cấp cứu dành cho người bệnh Covid-19.
Số ca nhiễm mới tăng vọt trong mấy tuần qua ở Pháp có liên quan việc khó xác định các ổ dịch. Dịch lây lan dữ dội cho nên các đội phản ứng nhanh không có đủ khả năng xử lý tất cả các ổ dịch để có biện pháp ngăn chặn chuỗi lây nhiễm và cách ly kịp thời. Ngoài ra, Pháp đã rút ngắn thời gian tự cách ly từ 14 xuống còn 7 ngày, do đó người mắc bệnh không có triệu chứng có thể lây bệnh sang nhiều người khác.
Tại Anh, dịch bệnh bắt đầu gia tăng rõ rệt từ đầu tháng 9, rồi vượt ngưỡng 10 nghìn ca/ngày từ cuối tháng 9. Ngày 21-9, các quan chức y tế Anh đánh giá tình hình dịch bệnh "tăng mạnh" đến gần ngưỡng cao nhất để đưa ra biện pháp phong tỏa các khu vực dân cư có sự lây lan đáng báo động. Rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, Chính phủ Anh đã hành động ngay, ra lệnh đóng cửa quán bar và nhà hàng từ 22 giờ, hạn chế số người tại các sự kiện như đám cưới, bắt buộc đeo khẩu trang ở địa điểm công cộng trong không gian kín.
Là quốc gia đầu tiên tại châu Âu chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Italy không tránh được làn sóng dịch thứ hai. Tình hình thay đổi nhanh chóng sau ngày 1-10, khi số ca mắc mới tại Italy tăng không ngừng. Đỉnh dịch trong đợt bùng phát đầu tiên của nước này rơi vào ngày 21-3 với hơn 6.500 ca mới, thấp hơn nhiều so với 16 nghìn ca vào ngày 22-10.
Từ giữa tháng 5, do tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm mạnh cả về số ca nhiễm, ca nhập viện cũng như ca tử vong, các nước châu Âu dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đầu tháng 9, số ca nhiễm hằng tuần đã vượt quá 300 nghìn, cao hơn hẳn so với mức hơn 240 nghìn trong đợt đỉnh dịch đầu tiên. Ngay từ lúc đó, giới chức y tế EU cảnh báo rằng, tình hình ở một số nước thành viên đã tồi tệ hơn so với đợt dịch trước. Vậy nguyên nhân nào khiến tình hình ở khu vực này nghiêm trọng trở lại?
Giám đốc WHO khu vực châu Âu lý giải, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh cao hơn là do các nước tăng cường làm xét nghiệm, trong đó có làm xét nghiệm cho người trẻ tuổi.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế của châu Âu cũng như của WHO cho rằng, dịch bệnh tăng tốc rất nhanh từ tháng 9 là do việc nới lỏng biện pháp hạn chế trên quy mô toàn quốc, cách thức truy tìm những người tiếp xúc với người bệnh hay phương án cách ly không triệt để, sự lơ là của người dân trong dịp hè, sự gia tăng số người nhiễm bệnh không có triệu chứng,...
Tỷ lệ người mắc bệnh không có triệu chứng trong độ tuổi 20-30 ngày càng cao. Đây là vấn đề được giới chức y tế Pháp cảnh báo nhiều lần. Họ cho rằng những người trẻ tuổi hay tụ tập, di chuyển và từ đó lây lan bệnh cho người thân trong gia đình, bạn bè. Mức độ lây lan phải được tính theo cấp số nhân, nhất là trong những tháng mùa hè, biên giới giữa các nước trong khu vực mở cửa hoàn toàn.
Tiếp đó là cách xử lý khi phát hiện ca nhiễm hay ổ dịch. Cho tới nay, các nước châu Âu chưa áp dụng biện pháp cách ly tập trung hay tự nguyện có kiểm soát. Ứng dụng phát hiện và cảnh báo nguy cơ tiếp xúc với người bệnh đã được đưa ra nhưng không mang tính bắt buộc đối với người dân do quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân. Chính phủ Pháp cho biết, chỉ có hơn 2,6 triệu người cài đặt ứng dụng StopCovid kể từ đầu tháng 6-2020, thấp hơn rất nhiều so với các nước chung quanh như Đức (18 triệu lượt) và Anh (16 triệu lượt).
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, dư luận nước này không khỏi lo ngại trước mối nguy đại dịch. Nhiều người dân và cả giới chuyên gia y tế cho rằng, các biện pháp do chính phủ đưa ra chưa thật sự hiệu quả và quyết liệt như một số nước châu Á. Báo chí Pháp cũng đã đăng nhiều bài viết, trong đó so sánh cách thức chống dịch ở châu Âu với các khu vực khác.
Trong đợt dịch thứ nhất, nhiều tờ báo ở Pháp cũng như một số nước châu Âu đánh giá cách thức phòng, chống dịch ở Việt Nam giúp hạn chế tối đa thiệt hại về người cũng như kinh tế. Ngày 19-10, tờ Le Monde tiếp tục đăng bài viết về những bài học phòng, chống dịch ở châu Á, trong đó có cách thức truy tìm dấu vết và cách ly triệt để những người mắc bệnh. Dù vậy, biện pháp này rất khó thực hiện ở châu Âu vì liên quan đến quyền tự do cá nhân.
Bên trái: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại TP Lille, Pháp - Nguồn: Reuters (ảnh trên). Người dân Nga đeo khẩu trang tại Hội chợ mật ong toàn Nga 2020 - Ảnh: Thanh Thể (ảnh dưới).
Giữa: Tại Quảng trường Đỏ ở Nga, một số người đeo khẩu trang không đúng quy định - Ảnh: Thanh Thể.
Bên phải: Một góc phố tại thủ đô Paris của Pháp, ngày 14-10 - Ảnh: Getty (ảnh trên). Các em học sinh tại Đức tuân thủ giãn cách xã hội khi đến trường - Ảnh: AP (ảnh dưới).
Đeo khẩu trang để phòng, chống dịch cũng là một vấn đề gây tranh cãi và không dễ được chấp nhận ở châu Âu. Đến khi chính phủ ban hành tình trạng khẩn cấp về y tế, khẩu trang mới được sử dụng rộng rãi nhưng cũng chỉ ở những nơi công cộng nhất định. Trong đợt dịch đầu tiên, một số thị trưởng ở Pháp ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang nhưng sau đó lại bị tòa án địa phương bác bỏ. Tới ngày 1-8, quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng bắt đầu có hiệu lực tại Pháp vì chính quyền nhận thấy dịch có nguy cơ tái bùng phát.
Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Liên bang Nga, người dân ở xứ sở bạch dương không thật sự tin vào "lá chắn vạn năng" của chiếc khẩu trang cũng như sự nguy hiểm của chủng virus mới. Số tiền phạt lên tới 5.000 rúp (khoảng 70 USD) đối với người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng cũng không khiến một bộ phận người dân "mặn mà" hơn với chiếc khẩu trang. Thậm chí, mức án lên tới 5 năm tù cho những ai vi phạm các quy định cách ly vẫn chưa đủ sức răn đe.
Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm cao cũng một phần xuất phát từ tâm lý chủ quan của người dân trong những tháng hè. Các quan chức ở Pháp, Đức hay Italy cho rằng nhiều ổ dịch xuất hiện từ các cuộc tụ họp gia đình hay tụ tập đông người mà không duy trì các biện pháp rào cản. Tại Pháp, chính phủ liên tục kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời hạn chế các cuộc tụ tập với người thân, bạn bè ở không gian riêng. Nhiều ổ dịch mới xuất hiện ở các trường học, nhất là đại học, vì thanh niên không tuân thủ quy định đeo khẩu trang, tham dự các cuộc liên hoan...
Còn tại Italy, ngày 16-10, Cơ quan Y tế cao cấp (ISS) cho biết, có hơn 80% ca nhiễm mới "xảy ra trong môi trường gia đình" so với 4,2% ở các nơi giải trí hay trường học. Những thống kê ở các nước châu Âu về số ca nhiễm mới trong mấy tuần vừa qua cho thấy, sự chủ quan của những người trẻ tuổi đang là nguyên nhân đáng lo ngại dẫn tới sự tăng tốc của dịch bệnh.
Tại Nga, chính phủ đã dùng mọi phương cách để khống chế đại dịch Covid-19, từ khuyến nghị người dân tránh ra đường nếu không cần thiết cho đến áp đặt chế tài xử phạt nặng hành vi vi phạm giãn cách xã hội, dùng camera an ninh giám sát các ca dương tính thể nhẹ điều trị tại nhà, cấm xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế... Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố với người dân cả nước về tuần không làm việc, hưởng nguyên lương (từ ngày 28-3 đến 5-4) với hy vọng chín ngày nghỉ liên tiếp có thể giúp giãn cách xã hội, làm đứt gãy bước xâm lấn như vũ bão của virus corona. Tuy nhiên, chính sách này dù được kéo dài đến tận ngày 11-5 nhưng vẫn không thể chặn đứng làn sóng lây lan.
So với các khu vực khác, châu Âu hiện là nơi dịch bệnh hoành hành mạnh nhất. Ủy ban châu Âu cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo các nước thành viên về tỷ lệ lây nhiễm tăng ngày càng nhanh trên khắp khu vực. WHO đánh giá đại dịch Covid-19 tại châu Âu đã đến mức "rất đáng lo ngại", do vậy, chính phủ các nước buộc phải tăng cường biện pháp cứng rắn để ứng phó tình hình hiện nay.
Pháp là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch thứ hai tính về số ca nhiễm mới cũng như số người nhập viện. Số người nhập viện tăng mạnh, buộc bệnh viện ở các điểm nóng phải lùi thời hạn phẫu thuật cho người bệnh khác. Do số khu vực nằm trong "mức báo động tối đa" tăng nhanh chỉ trong vòng hai tuần, chính phủ đã ban hành lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối tới 6 sáng giờ hôm sau tại vùng thủ đô và tám khu đô thị khác, có hiệu lực từ ngày 17-10.
Giữa tháng 10, Thủ tướng Pháp Jean Castex khẳng định, làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 đang tràn tới rất mạnh, nước Pháp phải có thêm biện pháp ứng phó nhằm ngăn chặn kịp thời sự lây lan, kể cả việc phong tỏa theo khu vực. Biện pháp hạn chế mới được tính toán kỹ, không làm ngưng trệ hoạt động kinh tế mà chỉ hạn chế sinh hoạt xã hội vào buổi tối, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng lây nhiễm. Khoảng 20 triệu người không được ra khỏi nhà từ 9 giờ tối trừ phi có việc thiết yếu. Các cửa hàng ăn uống, quán bar, nhà hát, hộp đêm... sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất nhưng sẽ được chính phủ hỗ trợ
Theo kết quả của các cuộc thăm dò do tờ Le Figaro và đài France Infor thực hiện, 64% người dân Pháp ủng hộ biện pháp giới nghiêm để hạn chế đà lây lan của dịch bệnh, đồng thời tránh nguy cơ quá tải cho các bệnh viện. Với chủ trương khoanh vùng dập dịch và duy trì hoạt động kinh tế cho những lĩnh vực quan trọng, trong đó có hàng không, Pháp đã tích cực triển khai công tác xét nghiệm ở các sân bay.
Quốc vụ khanh phụ trách giao thông vận tải, ông Jean-Baptiste Djebbari thông báo, xét nghiệm kháng nguyên sẽ được thực hiện ở sân bay quốc tế Charles de Gaulle và sân bay Nice vào cuối tháng 10, cho phép du khách nhận kết quả trong vòng 15-30 phút. Đây là giải pháp đã được tiến hành ở các sân bay trong khu vực như Berlin, Milan, Rome hay Frankfurt. Chính phủ Pháp hy vọng sự phối hợp giữa các nước sẽ hạn chế sự lây lan từ vùng có nguy cơ, đồng thời lấy lại niềm tin của du khách sau nhiều tháng trì hoãn việc di chuyển.
Các nước châu Âu khác cũng siết chặt biện pháp chống dịch. Tại Bỉ, lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ nửa đêm cho đến 5 giờ sáng, kể từ ngày 19-10. Các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa trong ít nhất một tháng. Trong khi đó, tại Anh, kể từ ngày 17-10, người dân ở London không được tiếp xúc với người ngoài trong nhà của mình.
Tại Đức, ngày 15-10, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã họp với các bộ trưởng và thủ hiến các bang để thảo luận và đưa ra các quyết sách ứng phó trước sự lây lan nhanh của dịch Covid-19. Các quy định chặt chẽ hơn đã được Chính phủ đưa ra như lệnh giới nghiêm, yêu cầu đeo khẩu trang mở rộng và giới hạn số lượng người tham gia lễ kỷ niệm.
Kêu gọi các bang nỗ lực chung trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, bà Merkel nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải thực hiện một bước đi táo bạo, hoặc chúng ta sẽ phải gặp nhau tuần này qua tuần khác như hồi đầu năm”. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Horst Seehofer cảnh báo: “Nếu chúng ta không thực hiện bất kỳ thay đổi rõ rệt, đợt phong tỏa tiếp theo là không thể tránh khỏi. Vì Đức ở cạnh các khu vực có nguy cơ cao".
Tại Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte đã khẳng định quyết tâm của chính phủ trong việc ngăn chặn kịp thời đà lây lan trước khi quá muộn vì có thể dẫn tới lệnh phong tỏa như đợt dịch trước. Theo đó, chính quyền địa phương có quyền đưa ra biện pháp cứng rắn để hạn chế các cuộc tụ tập đông người, nhất là vào buổi tối. Toàn bộ các lễ hội, hội chợ bị đình chỉ, còn các quán bar và nhà hàng không có bàn phải đóng cửa từ 6 giờ tối.
Đáng chú ý là quyết định của chính quyền Ireland áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc từ tối 21-10 và kéo dài sáu tuần. Đây là quốc gia đầu tiên ở khu vực EU tái áp đặt biện pháp cứng rắn như vậy. Chính phủ ra lệnh đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu, người dân chỉ được phép di chuyển trong vòng 5 km kể từ nơi cư trú. Các trường học vẫn mở cửa, còn các nhà hàng chỉ được phép bán đồ ăn uống mang đi.
Giám đốc Cơ quan giám sát, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng Nga, bà Anna Popova, cho rằng có thể ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 nếu tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết được thực hiện một cách nghiêm túc. Trong khi đó, Bác sĩ trưởng vệ sinh dịch tễ TP Moscow, bà Elena Andreeva, đề nghị chính quyền siết chặt kiểm soát việc tuân thủ các nguyên tắc an toàn vệ sinh dịch tễ, từ chối chở hành khách không đeo khẩu trang và găng tay trên các phương tiện giao thông công cộng.
Tại Nga, quá trình nghiên cứu, điều chế vaccine chống Covid-19 đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko mới đây cho biết, Nga có thể tiêm phòng đại trà vaccine ngừa Covid-19 vào cuối tháng 11. Nước này cũng có kế hoạch cung cấp vaccine "ồ ạt" cho những khu vực trong nước vào cuối tháng 11 và 12.
Phát biểu của ông Mikhail Murashko được đưa ra sau khi Nga cho biết vaccine thứ ba phòng Covid-19 do Viện Chumakov phát triển đang bước vào các vòng thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm lâm sàng của loại vaccine này dự kiến được thông báo sớm nhất vào tháng 12.
Giới chức y tế Nga nhấn mạnh, cả ba loại vaccine, hai trong số đó đã được đăng ký tại Nga, được tạo ra dựa trên các nền tảng khác nhau. Điều này cho phép Nga có nhiều công cụ hơn để sớm khống chế đại dịch Covid-19.
Mới đây, thị trưởng TP Moscow Sergei Sobyanin nhấn mạnh, chỉ có tiêm vaccine phòng Covid-19 hàng loạt mới giúp thành phố chiến thắng hoàn toàn đại dịch Covid-19. Thị trưởng cũng hy vọng Moscow sẽ nhận đủ vaccine để tiêm phòng đại trà vào cuối năm nay. Theo ông, đó là "lối thoát" duy nhất trước đại dịch.
Hàng loạt quốc gia ngay lập tức bày tỏ quan tâm đến "thành tựu y tế" nêu trên của Nga. Điện Kremlin nhiều lần khẳng định lập trường ủng hộ hợp tác quốc tế trong thời kỳ đại dịch, đồng thời chia sẻ thông tin về vaccine phòng Covid-19 đầu tiên. Nga cũng bày tỏ sẵn sàng sản xuất chung vaccine Sputnik V ở một số quốc gia.
Ủy ban châu Âu đã gióng hồi chuông cảnh báo các nước thành viên về tỷ lệ lây nhiễm tăng ngày càng mạnh và nhanh ở khắp châu lục. Các biện hạn chế liên tục được tăng cường ở những nước bị ảnh hưởng nhiều như Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Italy, Thụy Sĩ, Đức...
Một thách thức lớn đặt ra cho khu vực EU là tránh lặp lại sự phối hợp thiếu chặt chẽ và nhất quán khi kiểm soát sự di chuyển từ những vùng có nguy cơ lây nhiễm và đóng cửa biên giới theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Trước tình hình khẩn cấp hiện nay, các bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu đã nhất trí tiêu chí chung để điều phối các hạn chế đi lại trong EU.
Các quốc gia cũng cố gắng thực hiện biện pháp bổ sung để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch cũng như để bảo vệ nền kinh tế. Một trong những giải pháp tình thế đang được nhiều nước xem xét là triển khai chiến lược tiêm chủng quốc gia, ưu tiên tiêm phòng cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Diễn biến trong tuần qua cho thấy, chính phủ các nước châu Âu đã phản ứng nhanh và quyết liệt để kìm hãm đà lây lan của dịch bệnh và duy trì hoạt động của nền kinh tế. "Lục địa già" đang đối mặt với làn sóng dịch thứ hai dữ dội hơn đợt đầu năm, tiếp tục thách thức sự kiên nhẫn của người dân. Khó có thể dự báo khi nào đại dịch chấm dứt. Chỉ có sự ứng phó hiệu quả, kịp thời của chính quyền cùng với sự tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch của người dân mới có thể giúp sớm khống chế đại dịch.
Ngày xuất bản: 24-10-2020
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH - TRƯỜNG SƠN
Nội dung: KHẢI HOÀN - QUẾ ANH - THANH THỂ - HOÀNG HÀ
Trình bày: ĐỨC DUY