Chỉ tính riêng ở Pháp, khoảng 70% người được hỏi cho biết tỏ ra khó chịu với tiếng ồn môi trường. 83% người tham gia phỏng vấn vốn đã có những dấu hiệu nhạy cảm với tiếng ồn từ trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Và có tới 57% trong số đó xuất hiện triệu chứng nhạy cảm hơn với tiếng ồn gây hại kể từ sau thời điểm năm 2020.
Vùng thủ đô Île-de-France là một trong những khu vực đô thị lớn của nước Pháp, với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động sinh hoạt, di chuyển và sản xuất. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ở vùng thủ đô Île-de-France đến nay đã thực sự trở thành một vấn đề nhức nhối.
Trong bản báo cáo công bố chung vào tháng 5/2024 của Trung tâm đánh giá kỹ thuật mức độ ô nhiễm tiếng ồn vùng Île-de-France (Bruitparif) và Hiệp hội kiểm soát chất lượng không khí vùng Île-de-France (Airparif), có tới 80% cư dân tại khu vực này phải đối mặt với mức độ ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm không khí vượt quá mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Việc sửa chữa và nâng cấp các con đường, bảo đảm mặt đường bằng phẳng và phủ lớp chống ồn cũng là một yếu tố quan trọng công tác phòng chống ô nhiễm tiếng ồn. (Ảnh: MINH DUY) |
Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (AEE), khoảng 20% dân số châu Âu bị ảnh hưởng do tiếp xúc lâu dài với mức độ ồn từ 55 decibel (thang đo cường độ âm thanh - dB) trở lên, gây ra từ hoạt động giao thông cả ngày lẫn đêm. Mức độ ồn an toàn theo tiêu chuẩn WHO là dưới 55 dB trong 24 giờ và dưới 40db vào ban đêm.
Ngoài ra, 22 triệu người châu Âu bị ảnh hưởng từ mức độ ồn cao do các đoàn xe lửa, 4 triệu người bị tác động từ tiếng ồn của máy bay. Ngoài ra, gần 1 triệu người phải chịu đựng những nguồn âm thanh gây hại từ các ngành công nghiệp.
Thực trạng ô nhiễm tiếng ồn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm các bệnh tim mạch, rối loạn giấc ngủ và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Ước tính, việc tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn môi trường gây ra 12.000 ca tử vong sớm và góp phần gây ra 48.000 ca mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ mỗi năm ở châu Âu.
Các chuyên gia y tế cũng công bố: Có 22 triệu người bị rối loạn giấc ngủ trầm trọng và 6,5 triệu người phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến việc nghỉ ngơi.
Giới nghiên cứu của Cơ quan Môi trường châu Âu (AEE) cũng khẳng định: Tiếng ồn có tác động tiêu cực cả đến hệ thực vật và động vật, dù trên cạn hay dưới nước.
Ô nhiễm tiếng ồn có thể gây ra tình trạng căng thẳng tâm lý, khó giao tiếp giữa các cá thể động vật. Điều này dẫn đến hệ quả làm suy giảm khả năng sinh sản hoặc buộc các loại động vật phải rời bỏ môi trường sống của mình.
Việc kiểm soát tiếng ồn từ ống xả của mô-tô, xe gắn máy tại Pháp là một quy định quan trọng nhằm bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường. (Ảnh: MINH DUY) |
Cũng trong nghiên cứu của Cơ quan Môi trường châu Âu (AEE) được thực hiện tại 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu công bố ngày 2/12/2024, hơn 500.000 trẻ em bị suy giảm khả năng đọc do tiếng ồn giao thông từ đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Ngoài ra, gần 60.000 trẻ cũng có thể gặp khó khăn về kiểm soát hành vi khi phải tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn độc hại.
Theo một nghiên cứu được công bố ngày 22/7/2021 bởi Cơ quan chuyển đổi sinh thái Pháp (ADEME) và Hội đồng tiếng ồn quốc gia Pháp, chi phí xã hội cho tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại quốc gia này lên tới 156 tỷ euro, trong đó bao gồm chi phí y tế bồi thường do bệnh tật, tai nạn lao động, nhập viện chăm sóc và thuốc men. Con số này cao gấp gần ba lần so với 57 tỷ euro hồi năm 2016.
Một thực tế cho thấy, Paris là thành phố “ồn ào” nhất châu Âu, bởi lưu lượng khách du lịch khổng lồ và giao thông thường xuyên tắc nghẽn nhất khu vực. Đứng thứ hai là London, thủ đô của Vương quốc Anh, với lưu lượng hàng không được đánh giá là lớn nhất tại châu Âu. Tuy không “bám sát” về mức độ ô nhiễm tiếng ồn so với hai cái tên nêu trước đó, thành phố Rome (Italia) vẫn phải xếp ở vị trí thứ ba do mức độ tắc nghẽn đường bộ thường vượt quá 38%.
Việc giảm lưu lượng xe ô tô là một trong những giải pháp quan trọng để giảm tiếng ồn giao thông tại Pháp. (Ảnh: MINH DUY) |
Ở cấp độ quốc gia, Italia, Tây Ban Nha và Hy Lạp đứng đầu danh sách những nước ô nhiễm tiếng ồn nhất. Do điều kiện khí hậu nhiệt độ trung bình cao, cuộc sống thường xuyên diễn ra ở ngoài trời và lối sống về đêm.
Khá bất ngờ khi Pháp, Đức và Anh lại được xếp ở mức trung bình, là những quốc gia không quá yên tĩnh cũng chẳng quá ồn ào. Lý giải cho điều này là sự chênh lệch lớn về dân số, cũng như sự đa dạng của các loại hình đô thị, thị trấn và nông thôn.
Việc xếp loại Phần Lan, Na Uy và Iceland vào hạng mục “những quốc gia ít ồn ào nhất ở châu Âu” là điều hoàn toàn dễ hiểu. Sự yên tĩnh này một phần đến từ mật độ dân số thấp và do đó có nhiều không gian tự nhiên rộng lớn. Điều tương tự cũng được ghi nhận thấy ở hai quốc gia Slovenia và Estonia.
Hẳn nhiên, Thụy Sĩ đứng đầu danh sách những quốc gia yên tĩnh nhất châu Âu. Tất cả các vấn đề liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn đều được quy định chặt chẽ và cụ thể trong bất kỳ chính sách nào của quốc gia này.
Tàu điện là giải pháp hiệu quả và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc giảm thiểu tiếng ồn mà nó gây ra là một thách thức lớn, đặc biệt đối với những người dân sinh sống gần các tuyến đường sắt. (Ảnh: MINH DUY) |
Quay trở lại nước Pháp, thủ đô Paris có mật độ dân số cao thứ 8 thế giới. Trong khi đó, chất lượng môi trường âm thanh và không khí đang trở thành một trong những chỉ số phản ánh chất lượng cuộc sống đô thị. Để trở thành một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới, Paris buộc phải có những bước đi tính toán hơn.
Do vậy, ngày 24/9/2024, Chủ tịch Hội đồng vùng Île-de-France, bà Valérie Pécresse công bố kế hoạch trị giá 100 triệu euro gồm 23 biện pháp được áp dụng từ nay cho đến 2030. Mục tiêu là giảm tiếng ồn giao thông, cải thiện sự thoải mái về âm thanh và cung cấp dịch vụ phòng ngừa cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất, nhất là giới trẻ.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, chính quyền vùng sẽ tiến hành lắp đặt các bức tường chắn âm và lớp phủ chống ồn trên mặt đường. Hơn nữa, hệ thống xe buýt đô thị cần được đổi mới kể từ năm nay, bảo đảm hơn 90% loại hình phương tiện công cộng này hoạt động trong nội đô Paris phải chạy bằng điện và 50% tại các khu vực ngoại ô.
Xu hướng lên ngôi trong giai đoạn gần đây là sử dụng ô tô điện thay thế các loại phương tiện động cơ đốt trong truyền thống. Ô tô điện góp phần giảm đáng kể lượng phát thải tiếng ồn trong quá trình vận hành, không chỉ mang lại lợi ích cho người lái và hành khách mà còn cho cả người đi bộ, người đi xe đạp và cư dân.
Để giảm ô nhiễm tiếng ồn ở đô thị, một trong những giải pháp hữu hiệu là giảm số lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường, bằng cách khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp hay đi bộ.
Đến năm 2030, Paris dự kiến lắp đặt 100 radar âm thanh do Trung tâm đánh giá kỹ thuật mức độ ô nhiễm tiếng ồn vùng Île-de-France (Bruitparif) phát triển nhằm đo lường, phát hiện và xử phạt các phương tiện gắn máy hai bánh trang bị ống xả gây ồn.
Gần Paris, hai sân bay lớn đang khai thác hàng trăm chuyến nội địa và quốc tế mỗi ngày gồm Charles de Gaulle và Orly cũng buộc phải áp dụng các chính sách giảm thiểu tiếng ồn. Máy bay của hãng hàng không nào vượt quá mức quy định cũng sẽ chịu mức phạt gấp đôi so với thời điểm trước. Bên cạnh đó, nơi ở của người dân trong hai khu vực trên cũng sẽ được chính quyền thành phố hỗ trợ kinh phí lắp đặt công nghệ cách âm.
Tăng cường trồng thêm cây xanh tại các không gian đô thị, đóng vai trò là rào cản tự nhiên giúp hấp thụ một số tiếng ồn xung quanh, cũng là một giải pháp đầy hứa hẹn. Tạo ra các không gian xanh không chỉ có thể giảm ô nhiễm tiếng ồn mà còn nâng cao sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của người dân.
Các quốc gia Châu Âu đã đạt được những thành công nhất định trong việc cân bằng phát triển đô thị và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. (Ảnh: MINH DUY) |
Rõ ràng, việc phát thải tiếng ồn là điều không thể tránh khỏi và mục tiêu giảm tiếng ồn về “không” là điều không tưởng. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu vẫn đang nỗ lực bảo đảm giảm mức độ tiếng ồn nhiều nhất có thể, để ít gây hại cho môi trường và sức khỏe của người dân.
Vùng thủ đô Île-de-France của Pháp chỉ là một mô hình đô thị đang triển khai các giải pháp cần thiết và cấp thiết để giải quyết vấn đề ô nhiễm tiếng ồn. Mỗi quốc gia châu Âu, cùng việc cam kết chặt chẽ với các quy định chung mang tính khu vực với sự hỗ trợ bằng nhiều hình thức của Liên minh châu Âu, cũng đang dần từng bước tiến hành các biện pháp tương tự nhằm hướng tới phòng chống ô nhiễm tiếng ồn và phát triển bền vững.