Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới với 8.089.929 ca mắc và 220.841 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 7.237.082 ca mắc và 110.617 ca tử vong, Brazil với 5.114.823 ca mắc và 151.063 ca tử vong. Nga xếp thứ 4 khi ghi nhận 1.326.178 ca mắc, trong đó 22.966 người bệnh đã qua đời.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất (63.517 ca). Đáng chú ý, có sáu nước châu Âu nằm trong 10 nước có thêm nhiều ca bệnh nhất trên thế giới, gồm: Anh (17.234 ca), Nga (13.868 ca), Pháp (12.993 ca), CH Séc (8.326 ca), Hà Lan (7.378 ca) và Tây Ban Nha (7.118 ca).
Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục nóng lên ở châu Âu. Tại Đức, thủ đô Berlin ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ đầu dịch, với 706 ca trong 24 giờ qua. Trong bảy ngày qua, tỷ lệ mắc mới Covid-19 ở Berlin là 71,5, vượt xa mốc 50 ca/100.000 dân. Hiện, Berlin đã nằm trong danh sách những địa phương có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, với 8/12 quận là điểm nóng. Tính từ đầu dịch đến nay, Berlin đã có hơn 19 nghìn ca mắc, trong đó gần 14.900 ca đã khỏi bệnh và 236 ca tử vong.
Trên toàn nước Đức, số ca mắc mới Covid-19 trong ngày 13-10 cũng tiếp tục tăng, với hơn 4.500 ca, trong đó riêng bang Nordrhein-Westfalen ghi nhận hơn 1.200 ca. Tổng số ca mắc Covid-19 ở Đức tới nay tăng lên 332.300 ca.
Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, ngay cả khi đã có vaccine phòng bệnh vào năm tới. Dự kiến, trong ngày 14-10, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ họp với thủ hiến 16 bang của nước này nhằm đưa ra những biện pháp ứng phó với xu hướng số ca mắc mới tăng nhanh hiện nay.
Ngày 13-10, Bộ Y tế Nga đã cho phép thử nghiệm vaccine Sputnik V đối với 110 tình nguyện viên hơn 60 tuổi. Cuộc thử nghiệm sẽ được tiến hành song song với cuộc thử nghiệm giai đoạn ba (giai đoạn cuối) đang được thực hiện với 40 nghìn tình nguyện viên ở Moscow.
Tại châu Phi, Ai Cập đang thay đổi biện pháp ứng phó dịch, theo đó không tái áp đặt biện pháp phong tỏa toàn bộ hoặc một phần nếu tình trạng lây lan dịch Covid-19 lại gia tăng. Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp thứ 67 của Ủy ban khu vực Đông Địa Trung Hải thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed khẳng định các biện pháp y tế "vẫn cần được áp dụng trong giai đoạn sắp tới". Cũng theo bà, Ai Cập đang chuẩn bị cho làn sóng Covid-19 thứ hai có thể xảy ra.
Thời gian qua, Bộ Y tế Ai Cập đã nâng cao năng lực và công suất hoạt động của dịch vụ tư vấn y tế về Covid-19 qua đường dây nóng để tư vấn và giải đáp kịp thời những vấn đề liên quan đến dịch bệnh cho người dân. Chính phủ Ai Cập cũng thành lập một ủy ban xử lý khủng hoảng, kết nối với 27 chính quyền các tỉnh, thành ở nước này. Ngoài ra, Ai Cập thiết lập một kho dự trữ chiến lược về thuốc men và vật tư y tế, cùng với đó là hệ thống chăm sóc và điều trị với mạng lưới gồm 320 bệnh viện đa khoa cùng nhiều cơ sơ y tế chuyên khoa và cách ly khác được huy động để điều trị bệnh nhân Covid-19.
Ngoài ra, Ai Cập cũng áp dụng thêm một số biện pháp khác, như yêu cầu tất cả người nhập cảnh vào nước này tại mọi cửa khẩu phải xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Tính đến nay, Ai Cập đã ghi nhận tổng cộng 104.648 ca mắc, trong đó có 6.062 ca tử vong, trong khi số ca khỏi bệnh là 97.743 ca.
Liên quan đến cuộc chiến chống Covid-19, ngày 13-10, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết đã thông qua khoản ngân sách trị giá 12 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển mua và phân phối vaccine, cũng như tiến hành xét nghiệm và điều trị. Đây là một phần của gói tài chính của Tập đoàn Ngân hàng Thế giới (WBG) trị giá 160 tỷ USD có hiệu lực tới tháng 6-2021 nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển chống dịch Covid-19.
Theo Chủ tịch WBG David Malpass, việc tiếp cận an toàn và hiệu quả các loại vaccine và cải thiện hệ thống tiêm chủng là chìa khóa để thay đổi đường cong biểu đồ dịch bệnh và giúp các nước phục hồi từ các tác động kinh tế và tài chính.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ), ông Antonio Guterres kêu gọi thế giới rút ra các bài học từ đại dịch Covid-19 để tăng cường quản trị rủi ro thiên tai nhằm xây dựng một thế giới an toàn hơn và bền vững hơn. Lời kêu gọi trên được nhà lãnh đạo tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này đưa ra nhân Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13-10) và trong bối cảnh số trường hợp nhiễm Covid-19 trên toàn cầu vượt mốc 38 triệu người.
Theo ông Guterres, đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tăng cường giảm thiểu rủi ro thiên tai. Ông nói: "Covid-19 cho chúng ta thấy rằng rủi ro hệ thống đòi hỏi sự hợp tác quốc tế. Để xóa đói giảm nghèo và giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, chúng ta phải đặt lợi ích chung lên trên các vấn đề khác”.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 14-10:
Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 8.089.929 ca mắc, 220.841 ca tử vong
2. Ấn Độ: 7.237.082 ca mắc, 110.617 ca tử vong
3. Brazil: 5.114.823 ca mắc, 151.063 ca tử vong
4. Nga: 1.326.178 ca mắc, 22.966 ca tử vong
5. Tây Ban Nha: 925.341 ca mắc, 33.204 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Philippines: 344.713 ca mắc, 6.372 ca tử vong
2. Indonesia: 340.622 ca mắc, 12.027 ca tử vong
3. Singapore: 57.884 ca mắc, 28 ca tử vong
4. Myanmar: 30.437 ca mắc, 693 ca tử vong
5. Malaysia: 16.880 ca mắc, 163 ca tử vong
6. Thái Lan: 3.643 ca mắc, 59 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.113 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 283 ca mắc
9. Brunei: 146 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 23 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 12.019.977 ca mắc, 216.105 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 9.699.818 ca mắc, 328.193 ca tử vong
3. Nam Mỹ: 8.737.843 ca mắc, 273.303 ca tử vong
4. Châu Âu: 6.255.198 ca mắc, 233.000 ca tử vong
5. Châu Phi: 1.601.181 ca mắc, 38.633 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 33.066 ca mắc, 944 ca tử vong