Châu Á tiếp tục dẫn đầu thế giới về số ca mắc mới Covid-19

NDO -

Theo trang thống kê Worldometers, trong ngày 10/7, thế giới ghi nhận 421.904 ca mắc mới và 7.267 ca tử vong do Covid-19. Trong đó, riêng châu Á chiếm hơn 165.000 ca. Ấn Độ, Indonesia, Malaysia là những quốc gia báo cáo nhiều trường hợp mắc mới nhất.

Người bệnh nằm ở hành lang bệnh viện tại Đông Java, Indonesia, ngày 9/7. (Ảnh: AP)
Người bệnh nằm ở hành lang bệnh viện tại Đông Java, Indonesia, ngày 9/7. (Ảnh: AP)

Tại châu Á, Hàn Quốc công bố 1.324 ca mới, một ngày sau khi ghi nhận số ca mới trong ngày cao nhất từ đầu dịch với 1.378 ca. Tuy nhiên, số ca mới được công bố thường giảm vào cuối tuần do số lượng xét nghiệm ít hơn. Giới chức y tế cảnh báo số ca mới tại Hàn Quốc có thể tiếp tục tăng trong những ngày tới. Đến nay, nước này có tổng cộng 168.046 ca mắc với 2.043 ca tử vong.

Trong khi đó, Singapore lần đầu tiên không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng kể từ ngày 25/4. Theo thông báo của Bộ Y tế Singapore (MOH), với 6 ca mới được ghi nhận trong ngày 10/7 đều là các ca “nhập khẩu” đã được cách ly ngay sau khi đến Singapore, tổng số ca mắc Covid-19 tại Singapore là 62.684 người, trong đó có 36 ca tử vong. Tính đến hết ngày 10/7, Singapore đã triển khai tiêm 6.163.124 liều vaccine, trong đó 3.895.149 người đã được tiêm một mũi và 2.267.975 người đã được tiêm đủ 2 liều vaccine.

Bộ Y tế Singapore cũng thông báo sẽ lập tức hạn chế số người được phép nhập cảnh từ Indonesia, nếu không phải là công dân hoặc thường trú nhân của nước này. Đây là một phần trong các biện pháp siết chặt kiểm soát biên giới của Singapore do tình trạng tăng mạnh số ca Covid-19 ở Indonesia. 

Từ ngày 12/7, những người có lịch sử đi đến Indonesia trong vòng 21 ngày qua sẽ không được phép quá cảnh tại Singapore. Nếu nhập cảnh vào Singapore, những người này sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành. Những người đến Singapore mà không có kết quả xét nghiệm âm tính hợp lệ có thể bị từ chối nhập cảnh. Trong khi đó, thường trú nhân và người có thẻ cư trú dài hạn tại Singapore nếu không tuân thủ các yêu cầu mới có thể bị hủy bỏ thẻ.

Trong nỗ lực giải quyết lô vaccine sắp hết hạn vào cuối tháng 7, Israel đã tổ chức các chuyến xe lưu động tiêm chủng cho thanh thiếu niên tại các bãi biển vào dịp cuối tuần.

Israel đang đứng trước áp lực phải tiêm hết khoảng 300.000 mũi đầu tiên trước ngày 11/7 để bảo đảm những người này sẽ kịp thời tiêm mũi tiêm thứ 2 sau đó 3 tuần trước ngày 31/7 tới. Trước đó, hôm 6/7 Israel đã đạt được thỏa thuận trao đổi 700.000 liều vaccine Pfizer với Hàn Quốc và giữ lại 600.000 liều trong tổng số 1,3 triệu liều sẽ hết hạn vào cuối tháng 7 này. Số vaccine này được chính phủ Israel sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng cho thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-15 trước làn sóng lây lan nhanh của biến chủng Delta.

Ấn Độ vẫn đang phải chật vật ứng phó với dịch bệnh lây lan mạnh ở nước này. Tại bang Uttar Pradesh, các chuyên gia y tế đang cố gắng đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến thể Delta Plus của virus SARS-CoV-2, nay lại phải đối mặt với mối lo mới khi biến thể Kappa đã khiến một người tử vong ở bang này. 

Bang Uttar Pradesh đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm biến thể Kappa, trong đó một người đã tử vong. Bệnh nhân tử vong là nam giới (66 tuổi) không có lịch sử đi lại. Hai ca này được phát hiện sau khi các chuyên gia y tế tiến hành giải trình tự gien đối với 109 mẫu xét nghiệm tại bệnh viện Đại học Y King George ở thành phố Lucknow. Trong số này, 107 mẫu xét nghiệm nhiễm biến thể Delta và 2 mẫu nhiễm biến thể Kappa. Trước đó, bang Uttar Pradesh cũng đã ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Delta Plus.

Theo Tiến sĩ Amresh Kumar Singh, Trưởng Khoa Vi trùng học thuộc trường Cao đẳng Y tế Baba Raghav Das tại quận Gorakhpur thuộc bang Uttar Pradesh, biến thể Kappa có thể nguy hiểm tương tự biến thể Delta vì hai biến thể này cùng một họ virus. 

Kappa là một biến thể kép của virus gây bệnh Covid-19. Biến thể này đang gây "báo động đỏ", khiến giới y khoa trên toàn cầu thúc đẩy tiến hành giải trình tự gene để giám sát sự lây lan của biến thể này. Những triệu chứng khi nhiễm biến thể Kappa cũng tương tự những triệu chứng ban đầu của bệnh sởi và xuất hiện 1-2 ngày sau khi nhiễm. Tuy nhiên, người nhiễm biến thể Kappa không có hiện tượng bệnh lý ngoài da như sởi. 

Hiện chưa xác định được tốc độ lây nhiễm biến thể Kappa vì chưa có nhiều trường hợp nhiễm, nhưng các xét nghiệm ban đầu cho thấy biến thể này không khác nhiều so với biến thể Delta.

Ngày 10/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, Liên hiệp châu Âu (EU) đã đạt mục tiêu phân phối đủ vaccine ngừa Covid-19 cho 70% số người trưởng thành ở khối này. 

Theo chương trình mua vaccine chung của EU do Chủ tịch EC Von der Leyen điều hành, EU đã phân phối cho các nước thành viên 330 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, 100 triệu liều của hãng AstraZeneca, 50 triệu liều của hãng Moderna và 20 triệu liều của hãng Johnson & Johnson. Trừ Johnson & Johnson là loại vaccine 1 liều, các vaccine còn lại cần 2 liều để đạt hiệu quả đầy đủ. Ước tính, EU có 366 triệu người trưởng thành. 

Bà Von der Leyen nhấn mạnh đại dịch Covid-19 chưa bị đẩy lùi và EU sẵn sàng tiếp tục cung cấp vaccine để ngăn chặn dịch bệnh, trong đó có những loại vaccine phòng ngừa các biến thể mới của virus. Theo bà, các quốc gia thành viên EU cần phải làm mọi thứ có thể để thúc đẩy chương trình tiêm chủng, vì chỉ vì cùng nhau thực hiện thì mới có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng dịch bệnh này một cách tốt đẹp. 

EC đã đặt mục tiêu tháng 7 này là hạn chót phân phối đủ vaccine ngừa Covid-19 cho 70% người trưởng thành của EU. Ngoài mục tiêu đặt ra ban đầu này, EU còn đóng góp cho cơ chế COVAX nhằm cung cấp vaccine cho những quốc gia nghèo hơn, đồng thời đặt hàng trước thêm nhiều vaccine cho năm tới nhằm ứng phó với sự lây lan của các biến thể mới của virus.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 11/7 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 187.263.125 ca mắc, 4.042.632 ca tử vong

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 34.726.111 ca mắc, 622.821 ca tử vong
2. Ấn Độ: 30.836.231 ca mắc, 408.072 ca tử vong
3. Brazil: 19.069.003 ca mắc, 532.949 ca tử vong
4. Pháp: 5.808.383 ca mắc, 111.321 ca tử vong
5. Nga: 5.758.300 ca mắc, 142.253 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 2.491.006 ca mắc, 65.457 ca tử vong 
2. Philippines: 1.467.119 ca mắc, 25.816 ca tử vong
3. Malaysia: 827.191 ca mắc, 6.067 ca tử vong 
4. Thái Lan: 336.371 ca mắc, 2.711 ca tử vong 
5. Myanmar: 188.752 ca mắc, 3.756 ca tử vong  
6. Singapore: 62.684 ca mắc, 36 ca tử vong
7. Campuchia: 59.978 ca mắc, 881 ca tử vong
8. Việt Nam: 27.863 ca mắc, 112 ca tử vong
9. Lào: 2.630 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Brunei: 268 ca mắc, 03 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 57.456.188 ca mắc, 818.184 ca tử vong
2. Châu Âu: 48.822.712 ca mắc, 1.112.266 ca tử vong  
3. Bắc Mỹ: 40.984.598 ca mắc, 924.480 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 33.952.305 ca mắc, 1.034.775 ca tử vong
5. Châu Phi: 5.965.783 ca mắc, 151.594 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 80.818 ca mắc, 1.318 ca tử vong

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư