Châu Á nỗ lực bảo tồn loài hổ

Tại một khu bảo tồn hổ ở Ấn Độ.
Tại một khu bảo tồn hổ ở Ấn Độ.

Theo Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), trong những năm qua số hổ trên thế giới giảm với tốc độ đáng lo ngại, thậm chí "loài chúa sơn lâm" này có thể biến mất nếu loài người không hành động khẩn cấp. Hiện chỉ còn khoảng 3.600 con hổ so với 20 nghìn con cách đây ba thập kỷ và 100 nghìn con vào những năm đầu thế kỷ 20. Số lượng hổ, vốn rất phong phú ở khu vực tiểu vùng sông Mê Công, đã giảm kỷ lục 70% trong hơn một thập kỷ qua. Từ "năm con Hổ" Mậu Dần (1998) đến  năm Canh Dần 2010, số lượng hổ hoang dã ở khu vực này đã giảm từ 1.200 con xuống chỉ còn khoảng 350 con. Ðến nay, tính riêng ở mỗi quốc gia như Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam còn chưa tới 30 con hổ. Số lượng hổ còn lại chủ yếu ở vùng núi giữa Thái- lan và Mi-an-ma. Tổng diện tích sinh sống của loài hổ ở tiểu vùng Mê Công khoảng 540 nghìn km2, là khu vực sinh sống lớn nhất thế giới của hổ. Vì thế đây cũng là khu vực được ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực bảo tồn hổ. Các nhà khoa học cảnh báo, các nước châu Á cần phối hợp để bảo tồn loài hổ trước nguy cơ tuyệt chủng. Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) R.Dô-e-lích cho biết, nếu không hành động khẩn cấp sẽ không còn môi trường sống cho loài hổ và các  động vật hoang dã khác ở châu Á, dẫn tới khủng hoảng đa dạng sinh học nghiêm trọng. Ðiều phối viên của WWF, ông Ních Cót, người đồng tổ chức Diễn đàn về hổ Mê Công năm 2010, cảnh báo, nguy cơ đến năm 2022, khu vực Ðông Dương sẽ không còn hổ nếu không có những hành động dứt khoát bảo vệ loài động vật này. WWF lên kế hoạch  hành động cấp thiết bảo vệ loài hổ trong "năm con Hổ" này.

Hội nghị cấp bộ trưởng về bảo tồn loài hổ lần đầu tiên được tổ chức ở Hủa Hỉn, Thái-lan vừa qua với sự tham dự của 13 nước châu Á. Hội nghị thảo luận các biện pháp nhằm đưa ra cam kết của các nước có hổ sinh sống dành nhiều hơn nữa cho công tác bảo vệ hổ trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao thế giới về loài hổ ở Vla-đi-vốt-xtốc (Nga) vào tháng 9 tới. WWF cho rằng, nguyên nhân chính đe dọa sự sống của loài hổ ở khu vực này là nạn săn trộm và buôn bán hổ để làm thuốc. Trong Diễn đàn về hổ lần này, WWF kêu gọi các nước châu Á tích cực nỗ lực hợp tác bảo vệ số hổ còn lại và môi trường sống của chúng nhằm giúp tăng gấp đôi số hổ hoang dã từ nay đến năm 2022. Tại Hội nghị, G.Xây-đen-xtích-cơ, người đứng đầu về bảo tồn sinh thái tại một công viên quốc gia và là Chủ tịch quỹ Cứu hổ đã tả lại nỗi buồn của ông khi chứng kiến sự biến mất của loài hổ Bali và hổ Javan ở thế kỷ 20. Các nhà bảo tồn hy vọng nỗ lực cứu hổ sẽ vượt ra ngoài phạm vi các nhà bảo tồn, các nhà khoa học, để có được các nỗ lực về chính trị và cam kết của các nhà tài trợ trong công tác quan trọng này. Lãnh đạo tổ chức sáng kiến bảo tồn hổ toàn cầu của WWF cho rằng, "có những cơ hội chưa từng thấy có thể khích lệ tinh thần chính trị và cùng hành động để đảo ngược số lượng hổ hiện nay. Nhưng để làm được điều này, chúng ta phải dừng ngay việc mua bán các sản phẩm từ hổ, ngăn chặn việc săn bắt và bảo vệ môi trường sống của hổ." Theo điều phối viên WWF N.Cót, tiểu vùng sông Mê Công có tiềm năng lớn trong việc tăng số lượng hổ, song tiềm năng này chỉ có thể phát huy khi có những nỗ lực và sự cộng tác xuyên suốt giữa các nước trong khu vực với một quy mô chưa từng thấy trong việc bảo vệ những con hổ còn sót lại cùng với nguồn thức ăn và môi trường sống của chúng.

Ðây cũng là cơ hội để các nước trong khu vực thảo luận các biện pháp nhằm đưa châu Á trở thành một nơi thu hút du lịch về hổ. Bên cạnh việc thảo luận công tác bảo tồn, nước chủ nhà Thái-lan đã nhân hội nghị này để quảng bá một loại hình du lịch đang nổi "con hổ và du lịch sinh thái". Ðất nước nụ cười đã rất thành công trong thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới với các trò biểu diễn voi, gấu trúc và hiện đang tìm cách thu hút du khách với các màn biểu diễn hổ đầy tính chuyên nghiệp. Với việc xây dựng các công viên động vật bán hoang dã, Thái-lan hy vọng trở thành một trung tâm của khu vực về công nghiệp biểu diễn kết hợp bảo tồn động vật. Theo các nhà khoa học, trong bối cảnh hiện nay, những vười thú đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn hổ. Tuy nhiên, các nhà bảo tồn mong muốn con người sớm tìm lại môi trường sống hoang dã cho loài hổ, nếu không một ngày nào đó chỉ còn thấy chúng trong vườn thú mà thôi.