Dịch vụ - Thị trường

Chặn nạn buôn lậu xăng dầu trên biển Sóc Trăng

Thời gian qua, tình hình buôn lậu xăng dầu ở vùng biển Tây Nam rất phức tạp, khó lường. Tại vùng biển Sóc Trăng - nơi có cảng cá Trần Ðề nhộn nhịp với hàng nghìn tàu cá ra vào, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng tàu cá trá hình chở xăng dầu vào bờ tiêu thụ, kiếm lợi bất chính...

Lực lượng chức năng tỉnh Sóc Trăng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. 
Lực lượng chức năng tỉnh Sóc Trăng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. 

Tỉnh Sóc Trăng có đường bờ biển dài 72 km, vùng biển rộng khoảng 30 nghìn km2; địa bàn biên phòng được xác định là vùng biên giới biển gồm 11 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Cù Lao Dung, Trần Ðề và thị xã Vĩnh Châu. Tình trạng buôn lậu trên khu vực này đang diễn ra hết sức phức tạp, nhất là nạn buôn lậu xăng dầu.

Những năm gần đây, hoạt động buôn lậu xăng dầu có xu hướng dày đặc về tần suất và quy mô cũng lớn hơn trước; lực lượng chức năng đã bắt giữ liên tiếp nhiều vụ với số lượng lớn. Thủ đoạn của các đối tượng là thường mua vỏ tàu cá rồi hoán cải các hầm chứa trên tàu thành bồn chứa dầu, lắp đặt thêm một số thiết bị, công cụ rồi thuê tài công (lái tàu) từ các địa phương khác mua bán dầu trái phép trực tiếp trên biển đưa vào đất liền tiêu thụ.

Ðể qua mặt cơ quan chức năng, khi bị phát hiện, lái tàu và các thuyền viên thường không mang theo giấy tờ và khai báo không chính xác về nhân thân cho nên cơ quan chức năng thường chỉ phạt hành chính lái tàu. Hầu như đến nay, chưa có trường hợp vận chuyển dầu trái phép trên vùng biển Sóc Trăng bị khởi tố do chưa đủ cơ sở pháp lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho biết, trong năm 2021, lợi dụng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng buôn lậu ráo riết hoạt động hòng qua mặt các cơ quan chức năng.

Ðể kiểm soát thị trường, các ngành chức năng tỉnh đã thực hiện 31.166 cuộc thanh tra, kiểm soát, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2020 và đã phát hiện hơn 1.200 vụ việc vi phạm, xử lý hành chính 971 vụ, khởi tố 142 vụ với 217 bị can.

Ðộng thái kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của các ngành chức năng đã góp phần ổn định thị trường, bảo đảm lượng hàng hóa phục vụ người dân, cùng chính quyền địa phương tham gia hiệu quả vào việc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Sóc Trăng mới đây đã khen thưởng đột xuất đối với Hải đội 2 và 3 cá nhân thuộc Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng vì đã có thành tích trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu trên biển.

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, ngày 1/10/2021, tàu tuần tra BP 18.98.01 của Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng đang hoạt động trên khu vực biển cách cảng cá Trần Ðề, tỉnh Sóc Trăng 20 hải lý thì phát hiện tàu cá mang số hiệu TG 94458TS có biểu hiện nghi vấn cho nên đã yêu cầu dừng tàu để kiểm tra.

Qua đó, tổ tuần tra phát hiện trên phương tiện có bốn thuyền viên, do lái tàu khai tên Trần Hữu Ðức, sinh năm 1973, trú tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương làm thuyền trưởng, trên tàu có bốn hầm chứa gần 31.500 lít dầu DO. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, các thuyền viên không có giấy tờ tùy thân và tên trong sổ danh bạ thuyền viên. Tổ tuần tra đã lập biên bản, đưa người cùng phương tiện về đơn vị để điều tra, xử lý theo quy định.

Trước đó, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng khi đang tuần tra trên khu vực biển của tỉnh cũng phát hiện tàu cá số hiệu TG 93998TS chở khoảng 100 nghìn lít dầu DO nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp.

Ðại tá Trịnh Kim Khâm, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng cho biết, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 1.000 tàu khai thác thủy sản, trong đó có 373 tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ vận chuyển dầu trái phép qua đường biển do ngư dân địa phương vi phạm. Có được kết quả này là do ngư dân được tuyên truyền đã ý thức được hành vi vi phạm.

Ðến nay, 11 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng đều có trạm truyền thanh, nhà văn hóa, điểm truy cập internet. Mỗi xã được trang bị một tủ sách pháp luật với 122 đầu sách gồm 350 cuốn. Ngoài ra, 20 chùa Khmer trên địa bàn biên giới biển cũng được trang bị tủ sách pháp luật, mỗi tủ 90 đầu sách gồm 217 cuốn. Nhà văn hóa các đồn biên phòng đều được trang bị tủ sách pháp luật, mỗi tủ 65 đầu sách gồm 115 cuốn. Các cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu, biên soạn, cấp phát cho tất cả 11 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới biển với số lượng 68.200 tờ rơi, 72 nghìn tờ gấp tìm hiểu và hỏi, đáp pháp luật; 8.070 sách pháp luật các loại; 10.000 đĩa DVD có nội dung tuyên truyền pháp luật.

Tại các địa phương, duy trì tốt mô hình Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, Nông dân với pháp luật, Thanh niên với pháp luật, phát huy hiệu quả mô hình "Tiếng loa biên phòng".

Ðối với ngư dân, các đồn biên phòng tập trung nhiều biện pháp tuyên truyền để ngư dân đánh bắt đúng quy định, chấp hành Luật Thủy sản; không vi phạm vùng biển nước ngoài. Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng xây dựng mô hình "Tiếng loa biên phòng" đến các phum, sóc để thông tin chính sách pháp luật, nhất là quy định về chống buôn lậu trên biển qua ứng dụng các trang mạng xã hội,...

Cơ quan chức năng nhận định, tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển trong thời gian tới sẽ tiếp tục phức tạp do nhu cầu hàng hóa của thị trường tăng cao sau khi trở lại trạng thái bình thường mới. Do đó, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình trên các vùng biển; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, nhất là tại các khu vực trọng điểm để ngăn chặn, đấu tranh kịp thời, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu; phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là ngư dân chủ động, tích cực tố giác các hành vi buôn lậu và cam kết không tham gia tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.