Thương tiếc Nghệ sĩ Nhân dân Võ Sĩ Thừa

Thương tiếc Nghệ sĩ Nhân dân Võ Sĩ Thừa

Võ Sĩ Thừa sinh ra và lớn lên trên đất tuồng và đất võ ở Cát Hạnh (Phù Cát, Bình Ðịnh). Từ mười tuổi ông đã học võ và học tuồng, vì gia đình ông đều làm tuồng và có nghề võ. Chú ruột ông vừa là diễn viên vừa là bầu gánh, chỉ có cha của ông là theo con đường học vấn và làm nghề khác.

Ðể trở thành một diễn viên tuồng xuất sắc sau này, Võ Sĩ Thừa đã trải qua những năm tháng học nghề vô cùng gian lao vất vả. Học ông Bầu Bảy (chú ruột) chưa đủ, Võ Sĩ Thừa còn theo ông Bầu Thơm (một danh ca ở Bình Ðịnh lúc bấy giờ), chịu làm "đầy tớ" để học cho được những vai tuồng hay và những miếng độc.

Sau Bầu Thơm, Võ Sĩ Thừa lại xin làm  con nuôi ông Bầu Lục để học cho được những vai Tướng Phiên và kép rằng, kép xéo. Chỉ bốn câu hát và một bộ múa của vai Cáp Tô Văn, mà ông phải tập mất bốn ngày đêm.

NSND Võ Sĩ Thừa thường nói với học trò của mình: "Người diễn viên ca kịch có hai tiêu chuẩn hàng đầu là thanh và sắc, nhưng còn một tiêu chuẩn quan trọng nữa là hóa thân, mà muốn hóa thân tốt thì phải điêu luyện kỹ thuật biểu diễn". Với lòng yêu nghề cao độ, ông không chỉ "tầm sư học đạo" mà còn tìm cách diễn đôi với các kép hát có tài đương thời như: Hoàng Chinh, Tư Cá, Tư Lửa... để mà học những vai diễn độc và những động tác đẹp, rồi đem vận dụng trong các vai khác của mình.

Nhờ học được vốn tuồng truyền thống, lại có giọng hát hay, nên khi dòng tuồng Xuân Nữ (còn gọi là tuồng tiểu thuyết) xuất hiện trong những năm 30, 40 (thế kỷ 20) thì Võ Sĩ Thừa đã thích nghi rất nhanh, thậm chí ông diễn tuồng cương cũng rất đạt - tức là vận dụng cái vốn nghề sẵn có vào những vai tuồng cương không có kịch bản. Cũng có lúc ông tự viết kịch bản cho riêng mình để hát cho trót lọt.

Nếu ở Bình Ðịnh, Võ Sĩ Thừa đã học được nhiều thầy giỏi thì, sau khi tập kết ra bắc (1954) ông lại học được thêm nhiều ở những nghệ sĩ bậc thầy theo dòng tuồng đất Quảng như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai...

Khi đã trở thành kép chính của Ðoàn tuồng Liên khu V, Võ Sĩ Thừa được tổ chức phân công làm Ðội trưởng đội tuồng trong Ðoàn ca kịch dân tộc Liên khu V B về nam phục vụ. Không may, ông cùng đồng đội bị Mỹ, ngụy dùng máy bay lên thẳng vây bắt ngay trên quê hương Bình Ðịnh.

Bảy năm trời hết nhà lao Quy Nhơn đến nhà lao Plây Cu rồi nhà tù Phú Quốc, Võ Sĩ Thừa đã bị Mỹ, ngụy tra tấn hành hạ đủ nhục hình, nhưng cũng tại nhà tù ông đã cùng đồng đội dùng tuồng để chửi giặc và động viên tù chính trị. Những vở tuồng Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Gan Bất Khuất... được diễn ngay trong nhà tù. Và cũng trong ngục tù không giấy không bút, Võ Sĩ Thừa đã làm thơ và viết ra những vở tuồng Ngục Lửa, Tuồng hài Con Chó Vên.

Từ tháng 7-1973, sau Hội nghị Paris, Võ Sĩ Thừa được trao trả và trở về với sân khấu tuồng Liên khu V. Như diều gặp gió, như rồng gặp mây, Võ Sĩ Thừa tiếp tục sự nghiệp diễn viên và ông đã đem hết sức mình biểu diễn, cũng như truyền nghề cho thế hệ trẻ ở nhà hát mà ông phụ trách, trong đó vợ ông là Ðinh Bích Hải, con gái và con rể của ông là Võ Tuyết Mai và Nguyễn Xuân Hợi đều trở thành Nghệ sĩ Ưu tú.

Có lẽ do lao động quá tải (vừa quản lý, vừa biểu diễn và đào tạo) cộng với hậu quả của những năm bị tù đày, đói khổ, bị tra tấn trong nhà tù Mỹ, ngụy mà sức khỏe của Nghệ sĩ Nhân dân Võ Sĩ Thừa suy sụp rất nhanh, từ đôi chân bị liệt, tiếp đến bệnh ung thư. Mặc dù được lãnh đạo tỉnh Bình Ðịnh rất quan tâm giúp đỡ nhưng sức khỏe của ông cứ xấu dần. Biết mình không còn sống được bao nhiêu nữa, NSND Võ Sĩ Thừa cố sức ghi lại những kịch bản mà nhà hát chưa có, đồng thời ông cũng gắng sức giảng dạy cho diễn viên trẻ biết thêm những miếng nghề mà ông còn lưu giữ.

Ông tâm sự: "Giờ đây khi tuổi đã xế chiều, sức lực không còn để vẫy vùng trên sân khấu nữa, tôi thấy băn khoăn làm thế nào trao lại hết cái vốn nghề cho thế hệ trẻ, nếu không, lớp bụi thời gian sẽ phủ kín những viên ngọc quý của cha ông...".

Có một nguyện ước mà NSND Võ Sĩ Thừa đã gần như toại nguyện là được gặp Bác Hồ, được diễn cho Bác xem và cuối cùng là thể hiện hình tượng Bác Hồ trong vở tuồng Sáng mãi niềm tin. Hơn 60 năm học tập, rèn luyện, khổ luyện và biểu diễn, kể cả sáng tác và nghiên cứu, ông như một chiếc đồng hồ chỉ ngừng chạy khi hết năng lượng. NSND Võ Sĩ Thừa cũng là người đầu tiên đưa tuồng phối hợp với cải lương Nam Bộ sang trình diễn ở Pháp, Ðức, Thụy Sĩ cuối năm 1982 và đã gây được ảnh hưởng rất lớn ở Tây Âu về nghệ thuật dân tộc Việt Nam.

Là người cộng tác lâu năm với NSND Võ Sĩ Thừa, tôi thấy được tiềm năng và nhiệt tình nghệ thuật của NSND Võ Sĩ Thừa. Có thể gọi ông là một bảo tàng sống về nghệ thuật tuồng mà ta có thể tìm thấy ở đó những gì ta cần.

Người nông dân cày xong thửa ruộng có thể thở phào, người nghệ sĩ sau khi cống hiến cho đời tất cả những gì mình có thì chắc cũng có cảm giác như thế. Tôi tin rằng Nghệ sĩ Nhân dân Võ Sĩ Thừa sẽ mỉm cười và thanh thản đi về chốn vĩnh hằng. Gia đình sân khấu Việt Nam mất đi một nghệ sĩ tài năng, một nghệ sĩ - chiến sĩ. Ðó là NSND Võ Sĩ Thừa, mà những người yêu tuồng cả nước đều biết tên ông.