Chẩn đoán, điều trị sớm ung thư đường tiêu hóa nhờ kỹ thuật tiên tiến

NDO - Hội thảo khoa học Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai-Đại học Nagoya Nhật Bản lần thứ 8 trình diễn nhiều kỹ thuật tiên tiến từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan giúp các chuyên gia Việt Nam, nhất là bác sĩ tuyến dưới được cập nhật kiến thức, phương pháp chẩn đoán, điều trị sớm ung thư đường tiêu hóa
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư đến từ Nhật Bản chia sẻ về bệnh lý ung thư tiêu hóa.
Giáo sư đến từ Nhật Bản chia sẻ về bệnh lý ung thư tiêu hóa.

Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp với các chuyên gia đầu ngành của Đại học Nagoya Nhật Bản có nhiều bước hợp tác, nghiên cứu để nâng cao chất lượng chẩn đoán điều trị, áp dụng các phương pháp tiến bộ nhất để cứu chữa người bệnh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, hội thảo lần thứ 8 này có sự khác biệt với các hội thảo trước. Bên cạnh các báo cáo viên đến từ Nhật Bản là Giáo sư Ryoji Miyahara đến từ Đại học Y Fujita và Tiến sĩ Tsunaki Sawada đến từ Bệnh viện Đại học Nagoya, hội nghị chào đón Giáo sư Hsiu Po Wang đến từ Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan và Giáo sư Thawee Ratanachu đến từ Bệnh viện Rajavithi Thái Lan.

Tại hội thảo lần này, các chuyên gia đã chia sẻ, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị sớm ung thư đường tiêu hóa như: Chỉ định ESD dạ dày từ đơn giản đến phức tạp: Kinh nghiệm từ chuyên gia Nhật Bản (ESD là kỹ thuật nội soi cho phép cắt bỏ khối ung thư ở giai đoạn sớm ở niêm mạc ống tiêu hóa, phổ biến nhiều ở dạ dày, đại tràng, thực quản mà không cần mổ mở); Tiếp cận các kỹ thuật mới và trí tuệ nhân tạo trong ESD để điều trị tổn thương polyp lớn đại trực tràng; Nội soi can thiệp tại Bệnh viện Bạch Mai; Siêu âm nội soi trong tổn thương tụy; Can thiệp đường mật dưới hướng dẫn siêu âm nội soi…

Trong buổi sáng, các bài báo cáo đến từ Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm của đất nước đã phát minh, áp dụng, cải tiến và phổ biến kỹ thuật cắt tách dưới niêm mạc (ESD) ra toàn cầu để điều trị các tổn thương tiền ung thư và ung thư sớm đường tiêu hóa.

Tiếp theo, 2 bài báo cáo đến từ Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan sẽ mang đến những cập nhật, áp dụng mới của siêu âm nội soi trong chẩn đoán và can thiệp bệnh lý đường mật-tụy.

"Trong thời gian tới, Bệnh viện Bạch Mai đã và đang tiếp tục đầu tư về máy móc trang thiết bị cũng như con người để giúp cho chuyên ngành nội tiêu hóa tiếp cận được với các tiến bộ chung của y học thế giới", Phó Giáo sư Cơ cho hay.

Chẩn đoán, điều trị sớm ung thư đường tiêu hóa nhờ kỹ thuật tiên tiến ảnh 1

Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tiêu hóa trong và ngoài nước tham dự hội thảo.

Chia sẻ bên lề hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa-Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ung thư đường tiêu hóa là một trong những bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất tại Việt Nam. Việc sàng lọc, tầm soát ung thư giúp phát hiện và chẩn đoán sớm cùng với những phác đồ điều trị ở giai đoạn sớm sẽ giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội kéo dài sự sống, khả năng khỏi bệnh cao.

Ung thư đường tiêu hóa là một trong những bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất tại Việt Nam. Việc sàng lọc, tầm soát ung thư giúp phát hiện và chẩn đoán sớm cùng với những phác đồ điều trị ở giai đoạn sớm sẽ giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội kéo dài sự sống, khả năng khỏi bệnh cao.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa-Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai

Trong số các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa phổ biến hiện nay, đứng đầu là ung thư đại tràng, ung thư dạ dày và ung thư thực quản. Tại nhiều quốc gia phát triển, trong đó có Nhật Bản, việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư giúp cơ hội sống của bệnh nhân nhiều hơn.

Khi ở giai đoạn sớm, bệnh nhân chỉ cần điều trị cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi, hiệu quả điều trị cao, bệnh nhân hồi phục nhanh. Ngược lại, người bệnh phát hiện muộn thường phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn (nội soi hoặc mổ mở), việc điều trị phức tạp hơn.

Theo Phó Giáo sư Long, tầm soát phát hiện sớm ung thư ống tiêu hóa qua nội soi là phương pháp hiệu quả và gần như chắc chắn nhất hiện nay. Việc tầm soát phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa nên được tiến hành ở người bình thường độ tuổi trên 50. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ xuất hiện tổn thương ở ống tiêu hóa.

Ngoài ra, những người hút thuốc lá nhiều, uống rượu bia nhiều nên tầm soát vì nguy cơ cao mắc ung thư thực quản.

Người có tiền sử gia đình, bố mẹ mắc ung thư dạ dày, ung thư đại tràng cũng nên đi kiểm tra hằng năm để phát hiện tổn thương tiền ung thư.

Bên cạnh đó, nhóm đối tượng phát hiện viêm dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày nặng cũng cần phân loại tầm soát hằng năm để có dữ liệu xem bao lâu thì nên tầm soát lại bằng soi thực quản dạ dày hay soi đại tràng.

Thống kê tại Trung tâm Tiêu hóa-Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi tháng có khoảng 100 ca ung thư đường tiêu hóa được phát hiện sớm và điều trị cắt tổn thương ung thư qua nội soi, chủ yếu ở người trên 50 tuổi.