Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, các khu dân cư, đô thị, tái định cư liên tục hình thành, nhưng nhiều nơi vắng bóng cây xanh. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư, cơ quan liên quan, chính quyền địa phương chưa quan tâm việc trồng, chăm sóc cây xanh. Tại khu tái định cư Tân Hương ở phường Tân Hương, trong nội thị thành phố Phổ Yên có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, vài chục hộ dân đã đến sinh sống nhưng điều mà người dân băn khoăn là cây xanh chưa được trồng. Ngay cả lãnh đạo phường Tân Hương, đơn vị sẽ quản lý khu dân cư thời gian tới không biết có hạng mục cây xanh trên vỉa hè các tuyến đường hay không.
Không có cây xanh, khu tái định cư Tân Hương với nhiều ngôi nhà được xây dựng đẹp mắt trở nên chơ vơ, thiếu sức sống, không có bóng mát, nóng bức vào mùa hè. Anh Nguyễn Tiến Lập ở khu tái định cư Tân Hương chia sẻ: “Chờ mãi mà khu tái định cư không được chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng thành phố Phổ Yên trồng cây xanh nên chúng tôi tự bỏ tiền mua cây về trồng trên vỉa hè trước nhà để chỉnh trang, tạo bóng mát”. Do không được quản lý thống nhất nên người dân mua nhiều loại cây, kích cỡ, chiều cao khác nhau về trồng, trồng không đúng quy cách, không bảo đảm kỹ thuật, cây chết nên trồng lại, phát triển kém làm cho cảnh quan, kiến trúc khu tái định cư Tân Hương không đẹp, thậm chí nhếch nhác.
Khu tái định cư Đông Kết nằm liền kề đường vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội ở phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên đã được bàn giao cho địa phương quản lý, nhưng gần như toàn bộ cây xanh được trồng trên vỉa hè không được chăm sóc, bảo vệ, cho nên cây đã chết khô, chỉ còn vài cây sống sót, thân cây gầy guộc, lơ phơ vài cành lá, thiếu sức sống, nhìn rất phản cảm. Tương tự như vậy, tại nhiều khu tái định cư khác tại Phổ Yên sau hai, ba năm được xây dựng, mặc dù cây xanh là hạng mục quan trọng trong thành phần dự án đầu tư của Nhà nước, nhưng đến nay vẫn vắng bóng.
![]() |
Cây xanh tại khu đô thị Thăng Long, thành phố Thái Nguyên được trồng đúng chủng loại, quy cách nên phát triển tốt. |
Một số khu dân cư, đô thị trên địa bàn thành phố Thái Nguyên thiết kế vỉa hè hẹp, chủ đầu tư chậm trồng cây xanh nên người dân đến sinh sống tự trồng nhiều loại cây, kích cỡ to nhỏ khác nhau, diện tích trồng cây chiếm hết vỉa hè, không còn chỗ cho người đi bộ, phải đi xuống đường, dẫn đến mất an toàn giao thông. Có khu dân cư được trồng cây ngay từ đầu, nhưng kích thước cây trồng nhỏ, thấp, quy cách trồng chưa đúng, chưa được chăm sóc nên nhiều cây chết, phát triển kém.
Tuyến đường ngã tư Gia Sàng-đường tròn phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên, có bốn làn xe, số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, trong đó có phần kinh phí trồng cây xanh tại vỉa hè bên đường, mỗi cây cách nhau khoảng 15m. Tuy nhiên, sau nhiều tháng trồng, do không được chăm sóc, cho nên nhiều cây xanh chết khô, nhiều cây khác còi cọc, thiếu sức sống, kém phát triển, phải trồng lại. Nhà ở bên đường, ông Nguyễn Văn Học ở phường Chùa Hang chia sẻ: “Tôi có cảm giác chủ đầu tư chỉ quan tâm cây sống hay chết trong thời gian bảo hành, cây sống là được nghiệm thu, sau đó cây phát triển thế nào thì dường như không quan tâm”.
Giải thích về chất lượng cây xanh được trồng bên đường ngã tư Gia Sàng-đường tròn Chùa Hang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên, Trưởng ban Quản lý dự án tuyến đường Nguyễn Văn Tuệ cho biết: “Trong thời gian bảo hành, nhà thầu phải chịu trách nhiệm thay thế cây xanh bị chết”. Một số kỹ sư lâm sinh cho biết, cây xanh giống không được chăm sóc tốt sẽ già cỗi “gỗ hóa”, khi trồng dù không bị chết nhưng không phát triển được.
Hệ thống cây xanh đô thị tại thành phố Thái Nguyên được trồng từ nhiều năm trước cũng không được chăm sóc thường xuyên, không được tưới nước, không được cắt tỉa chỉnh trang để bảo đảm mỹ quan. Trưởng ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị thành phố Thái Nguyên Nguyễn Toàn Thắng cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu là do không có kinh phí chăm sóc, cải tạo cây xanh đô thị”.
Cây xanh là một phần quan trọng của kiến trúc, mỹ quan đô thị, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là trong những ngày Thái Nguyên bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng, những ngày mùa hè nắng gay gắt càng thấy chức năng của cây xanh đô thị. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, qua rà soát, công tác quản lý, đầu tư xây dựng công viên, cây xanh, cảnh quan, mặt nước trong dự án khu đô thị, dân cư, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh chưa thật sự hiệu quả. Một số dự án chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng các vị trí quy hoạch đất công viên, cây xanh; hoặc đã bố trí quỹ đất cây xanh theo quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng hoàn thiện, chưa đồng bộ; cây xanh đã được trồng lại không bảo đảm yêu cầu quy cách, kỹ thuật, không được thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa, để hoang gây mất mỹ quan, thiếu an toàn cho người dân.
Chấn chỉnh vấn đề này, vừa qua Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định về phân cấp, quản lý cây xanh đô thị; các chỉ thị về quản lý và thúc đẩy phát triển cây xanh đô thị; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu dân cư, khu đô thị, dự án nhà chung cư trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu chính quyền các huyện, thành phố tăng cường quản lý cây xanh đô thị; khi triển khai các dự án khu đô thị, khu nhà ở, cần tập trung ưu tiên nguồn lực để giải phóng mặt bằng các vị trí quy hoạch là công viên, cây xanh; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc quản lý, đầu tư xây dựng công viên, cây xanh theo quy hoạch chi tiết; kiểm tra quy cách hố trồng, nghiệm thu số lượng, chủng loại, chiều cao, đường kính cây trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh phát triển tốt. Đặc biệt, tỉnh kiên quyết không thực hiện các thủ tục về kinh doanh bất động sản khi dự án chưa hoàn thành đầu tư các hạng mục công viên, cây xanh; không nghiệm thu đối với các khu dân cư, khu đô thị không có hạng mục cây xanh, trồng cây xanh không bảo đảm chất lượng.