Chấn chỉnh việc khai thác đá ở Kiên Giang

NDO - Kiên Giang hiện có hàng chục doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá, với hàng chục nghìn người lao động (NLÐ) tham gia. Tuy nhiên, công tác cấp phép còn bất hợp lý, chủ doanh nghiệp không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn cho NLÐ. Còn NLÐ, vì "chén cơm manh áo" đành chấp nhận làm việc trong môi trường thiếu an toàn.

Môi trường làm việc nguy hiểm

Con đường từ thị trấn Hòn Ðất vào Khu di tích huyện Hòn Ðất thuộc ấp Ðường Hòn như một đại công trường khai thác đá. Những ngọn núi đã bị cưa ngọn, bên sườn nham nhở. Tiếng ầm vang của mìn nổ, ồn ào của máy nghiền đá, chát chúa của kim loại va vào đá. Những bãi đá lớn, nhỏ nằm dọc hai bên đường. Nhưng tại đây, có hàng nghìn con người hằng ngày treo mình trên những ngọn núi, bò vào những hầm hố sâu, trực tiếp làm việc với những thiết bị và điều kiện không an toàn. Ông Ngô Văn Hải, quê ở Cần Thơ, đã có thâm niên hơn 20 năm làm nghề khai thác đá cho biết: 'Vẫn biết làm nghề này dễ xảy ra tai nạn, nhưng vì chén cơm manh áo, đành chấp nhận'. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Sơn, Trần Phan, hiện ở Thổ Sơn có 38 doanh nghiệp lớn, nhỏ đang chia nhau xẻ các núi lấy đá. Các doanh nghiệp này đang sử dụng hàng nghìn lao động, và hơn 70% là lao động từ nơi khác đến. Theo thống kê chưa đầy đủ của Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang, trong 10 năm qua, tại các mỏ đá ở Thổ Sơn đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn lao động, làm 15 người chết, có vụ chết đến bốn người.

Là một nghề nặng nhọc, làm việc trong môi trường nguy hiểm, nhưng phần lớn các chủ doanh nghiệp không quan tâm những quy định về an toàn lao động (ATLÐ). Doanh nghiệp tư nhân Tâm Thanh được cấp phép tận thu khoáng sản với diện tích 0,6 ha tại núi Túc Khối (ấp Núi Trầu, xã Hòa Ðiền, huyện Kiên Lương). Doanh nghiệp này đang sử dụng ba thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLÐ nhưng không kiểm định, đăng ký. Trong số 11 lao động đang làm việc tại mỏ, có đến 10 người làm việc trong môi trường yêu cầu nghiêm ngặt về ATLÐ nhưng doanh nghiệp ký kết hợp đồng với NLÐ không đúng và không đầy đủ, không thực hiện công tác huấn luyện ATLÐ cho NLÐ và không thực hiện chế độ bồi dưỡng cho NLÐ... Tương tự, Công ty cổ phần Thiên Giang (ấp Sư Nam, thị trấn Hòn Ðất, huyện Hòn Ðất) được cấp phép khai thác đá vôi tại núi Túc Khối, với công suất 30 nghìn m3/năm. Doanh nghiệp sử dụng một xe nâng, một cần cẩu không được đăng ký, đăng kiểm; sử dụng 72 lao động nhưng tất cả đều không được tập huấn ATLÐ, không được khám sức khỏe định kỳ, không bồi dưỡng lao động, làm việc nặng nhọc và không được trang bị BHLÐ. Gần đây, tại mỏ đá này xảy ra một vụ TNLÐ làm một người bị thương nặng, nhưng doanh nghiệp không báo cáo với cơ quan chức năng.

Cần lập lại trật tự trong khai thác đá

Nguy cơ TNLÐ trong khai thác khoáng sản ở Kiên Giang đang ở mức báo động do công tác quản lý còn chưa hợp lý. Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) Kiên Giang Võ Ngọc Thứ cho rằng: 'Việc cấp phép khai thác khoáng sản (chủ yếu mỏ đất, đá) chỉ mới nghiêng về lợi ích kinh tế, chưa quan tâm đến vấn đề ATLÐ. Cấp phép do ngành công thương tham mưu, còn các thiết bị lao động phải đăng ký với ngành LÐ-TB&XH để được thẩm định độ an toàn. Nhưng khâu này không được quan tâm, nhiều doanh nghiệp khi chưa được ngành chức năng thẩm định độ an toàn của các thiết bị vẫn được cấp phép hoạt động, đưa thiết bị vào sử dụng'. Việc xé nhỏ các ngọn núi, quả đồi để cấp cho nhiều đơn vị cùng khai thác cũng gây ra cảnh lộn xộn, làm mất trật tự tại nhiều địa điểm. Thanh tra Sở LÐ-TB&XH Kiên Giang Nguyễn Thiện Tấn bức xúc: Nhiều địa điểm khi thanh kiểm tra mới phát hiện có quá nhiều doanh nghiệp cùng khai thác. Do có sự giáp mí, chồng lấn địa bàn, cho nên thường xuyên xảy ra tranh chấp làm mất ATLÐ tại các khu vực này. Ðơn cử, tại núi Trà Ðuốc Lớn (ấp Rẫy Mới, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương) có đến bốn doanh nghiệp cùng khai thác. Mới đây, Công ty cổ phần sản xuất Vật liệu xây dựng Kiên Giang đã tố cáo Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Biển Tây khai thác lấn sang phần diện tích của họ. Tại núi Sơn Trà (xã Bình An, huyện Kiên Lương) cũng đang xảy ra tranh chấp. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Việt Vương Dương đang kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang xin được khai thác đất, đá với diện tích gần chín ha trong khu vực mà công ty này đang sở hữu, trong khi đó tại mỏ đá này đã có sự hiện diện của bốn doanh nghiệp khác.

Ðược biết, một số doanh nghiệp cùng một lúc đã 'chạy' được nhiều giấy phép khai thác ở nhiều mỏ, nhưng không trực tiếp khai thác mà giao khoán cho doanh nghiệp khác. Có trường hợp một mỏ đá được sang tay đến ba, bốn lần. 'Ðơn vị trực tiếp khai thác lại không đủ năng lực, thiết bị không bảo đảm an toàn, không có người đủ trình độ quản lý mỏ, lao động làm việc bấp bênh... TNLÐ thường xảy ra ở những nơi này, và hậu quả thì NLÐ phải hứng chịu'. Một thực tế hiện nay, các doanh nghiệp cố tình né tránh những sai phạm, nhưng vui vẻ chấp nhận nộp phạt khi bị cơ quan chức năng phát hiện vì mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này quá thấp so với lợi nhuận của doanh nghiệp, cho nên không đủ sức răn đe.

UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh để lập lại trật tự trong quản lý. Cùng với đó, thực hiện Công văn 2066, ngày 5-4-2011 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm ATLÐ trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, ATLÐ tại các mỏ đá trên địa bàn.

Với nhiều điều bất hợp lý liên quan khai thác khoáng sản, tỉnh Kiên Giang cần quyết liệt hơn nữa trong việc lập lại trật tự ở lĩnh vực này. Trong đó, một số việc cần nhanh chóng giải quyết, đó là vấn đề ô nhiễm môi trường và tai nạn lao động... Các cơ quan chức năng cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, không để tình trạng xảy ra sự cố mới lo khắc phục hậu quả.