đến 2023 tại 13 địa phương. Qua đánh giá, đã giảm lượng giống gieo sạ từ 29-32%, lượng phân bón giảm 10-30%, năng suất trung bình đạt từ 6,31-8,56 tấn/ha. Đặc biệt, chi phí đầu tư giảm hơn một triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng hơn 13% tương đương hơn 3,8 triệu đồng/ha. Chương trình góp phần nâng cao trình độ của cán bộ kỹ thuật, giúp nông dân, hợp tác tham gia mô hình cũng như ngoài mô hình tiếp cận và áp dụng nhiều giải pháp canh tác hiệu quả.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Công ty TNHH Bayer Việt Nam triển khai mô hình thực hành nông nghiệp bền vững hướng đến tương lai tại Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2022 với các mục tiêu tổ chức phối hợp, hợp tác công tư và liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong ngành lúa gạo; quản lý và hỗ trợ phát triển ngành lúa gạo theo hướng cạnh tranh cao, chất lượng, an toàn, giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế, bền vững về xã hội và môi trường; hỗ trợ đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, điều kiện đầu tiên để hợp tác công tư thực hiện đề án mang lại hiệu quả là cần có sự phân công trách nhiệm, công việc giữa công và tư; có mối quan hệ bình đẳng và cân bằng giữa các đối tác; mỗi bên nhận được lợi ích tương xứng với đóng góp của mình...
Đối với Nhà nước, cần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất phù hợp với điều kiện từng địa phương; tập huấn quy trình kỹ thuật cho nông dân; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong thực hiện liên kết sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu lúa gạo.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần ký hợp đồng bao tiêu lúa gạo ổn định với giá thích hợp; chia sẻ lợi ích cho nông dân qua thu nhập từ chi trả giảm phát thải; đầu tư ứng trước vật tư đầu vào; hỗ trợ nông dân khi sản xuất gặp rủi ro. Ngoài ra, các hợp tác xã, tổ hợp tác cần vận động, hướng dẫn thành viên, nông dân tuân thủ đúng quy trình sản xuất và hợp đồng liên kết; hỗ trợ nông dân trong thực hành sản xuất, ghi chép hồ sơ sản xuất.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao được xem là sự thay đổi với ngành lúa gạo khi đề ra mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo.
Cùng với đó, đề án giúp cải thiện thu nhập cho nông dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao. Để đạt được mục tiêu nêu trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia. Trong đó, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong thời gian tới.
Ngày 22/3/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 2092/BNN-KN đề nghị Ủy ban nhân dân 12 địa phương thực hiện đề án quan tâm chỉ đạo công tác khuyến nông địa phương, đặc biệt là: Bổ sung, kiện toàn hệ thống khuyến nông viên cơ sở, tổ khuyến nông cộng đồng ở các vùng triển khai đề án; xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ đối với khuyến nông cơ sở, khuyến nông cộng đồng; tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động khuyến nông; phối hợp, lồng ghép các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ liên quan phục vụ triển khai đề án tại địa phương mình.