Đã gần hai năm nay, sáng nào con đường đi làm với chị Trần Phương Anh ở phường Mộ Lao, quận Hà Ðông cũng như cuộc đua vượt chướng ngại vật, vì chỉ cần rời nhà một đoạn ra đến đường Vũ Trọng Khánh là bị hàng loạt rào chắn án ngữ. “Xe đông, đường nhỏ, mà đường lại bị quây đến quá nửa, cho nên càng thêm ùn tắc. Tôi không hiểu dự án đã dừng thi công từ lâu, nhưng vẫn không dỡ bỏ rào chắn để người dân đi lại thuận tiện”, chị Phương Anh bức xúc nói.
Trên đường Vũ Trọng Khánh có đến chín vị trí bị nhà thầu quây lại như thế. Các “lô-cốt” này nằm trong Gói thầu số 4 của dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá tại thành phố Hà Nội, được triển khai bởi Liên danh của Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại An Xuân Thịnh (nay là Công ty cổ phần Ðầu tư Xây lắp Khánh An) và Công ty cổ phần Sông Ðà 9.
Dự án này bắt đầu triển khai thi công vào cuối năm 2021 và đã thực hiện một số công việc liên quan, nhưng trong thời gian dài gần như “án binh bất động”, bất chấp ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông của khu vực.
Nằm trong dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, nhiều tuyến đường khác như Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh cũng đang bị “quây lại” tại một số vị trí, không chỉ khiến giao thông ùn tắc mà đời sống người dân cũng bị ảnh hưởng lớn. Anh Lê Văn Hùng ở Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) ngao ngán: “Mỗi lần phải đi qua đây, tôi rất mệt mỏi vì xe máy đông mà chỉ còn một lối nhỏ để đi. Tình trạng này đã kéo dài hơn một năm rồi, không biết bao giờ mới hết”.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu các nhà thầu thi công phải lắp đặt hệ thống biển báo công trường, biển báo chỉ dẫn... để hướng dẫn phân luồng từ xa và tại chỗ cho các phương tiện lưu thông; đẩy nhanh tiến độ thi công theo từng giai đoạn, sớm thu hẹp rào chắn trả lại lòng đường phục vụ người dân đi lại, tránh gây ùn tắc giao thông. Yêu cầu là như vậy, nhưng thực tế còn không ít nhà thầu vì các lý do chủ quan, khách quan khác nhau vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. “Mặc dù phía ngoài rào chắn nào cũng có tấm biển xin lỗi vì sự bất tiện, nhưng giá như thay vì xin lỗi, hãy làm đúng tiến độ thì tốt hơn”, chị Lê Thị Hà, người thường xuyên phải đi qua tuyến đường Âu Cơ đang bị rào tôn một phần, chia sẻ.
Không chỉ bị quây tôn, nhiều tuyến phố tại Hà Nội dù mới được thảm lại mặt đường không lâu nhưng đã nhanh chóng xuống cấp. Nguyên nhân của tình trạng này do các đơn vị sau khi đào đường thực hiện hạ ngầm đã không hoàn trả cẩn thận khiến cho mặt đường lồi lõm, vừa mất mỹ quan đô thị, vừa không bảo đảm an toàn giao thông.
Ðể chấn chỉnh tình trạng rào đường, đào đường vô tội vạ này, mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 24/2023/QÐ-UBND, quy định về công tác quản lý thi công và hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến công tác thi công và hoàn trả kết cấu đường bộ trên các tuyến đường đang khai thác thuộc hệ thống đường bộ do thành phố quản lý.
Các tổ chức, cá nhân thi công xây dựng công trình trên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận việc xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (ngay từ bước lập dự án, thiết kế cơ sở hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công); có phương án tổ chức giao thông phù hợp biện pháp tổ chức thi công được cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận và được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi khởi công công trình.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố cũng yêu cầu, đối với dự án xây dựng công trình thiết yếu, kết cấu hoàn trả phải bảo đảm điều kiện chất lượng bằng hoặc tốt hơn kết cấu đường bộ ban đầu; đối với dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kết cấu đường bộ được tính toán thiết kế theo các quy định hiện hành.
Ðối với công trình thiết yếu, phần hoàn trả phải thực hiện khảo sát hiện trạng kết cấu hạ tầng đường bộ (xác định các công trình ngầm nổi, xác định lưu lượng giao thông, tính toán kết cấu hoàn trả bảo đảm phù hợp kết cấu đường bộ hiện trạng...) và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.