Grab lấn át ta-xi truyền thống
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Ðà Nẵng Bùi Thanh Thuận, loại hình xe vận tải khách dưới chín chỗ ngồi sử dụng ứng dụng hợp đồng điện tử và xe Grab chưa được quy định cụ thể. Do vậy, ngay từ khi Grab Việt Nam triển khai thí điểm tại năm thành phố lớn, theo báo cáo và đề xuất của Sở, UBND thành phố Ðà Nẵng đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT tạm thời chưa triển khai loại hình xe vận tải khách dưới chín chỗ ngồi sử dụng ứng dụng hợp đồng điện tử hoặc Grab ta-xi tại Ðà Nẵng cho đến khi Chính phủ, Bộ GTVT ban hành khung pháp lý, các quy định để quản lý loại hình này.
Tuy nhiên, tại nhiều điểm công cộng như: chợ Hàn, chợ Cồn, đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành, đường 2-9…, vài chục Grab ta-xi sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách. Do giá rẻ hơn ta-xi truyền thống khoảng (10-20% giá cước) và liên tục có chương trình khuyến mãi, cho nên nhiều người cài đặt phần mềm sử dụng Grab. Xe nhiều đến nỗi, lái xe Grab còn vào cả khu vực sân bay để hoạt động, như chuẩn bị sẵn tấm biển ghi tên bất kỳ, giả vờ đón khách, sau đó tiếp cận và mời chào khách đi xe. Xử lý thực trạng này, lực lượng an ninh hàng không sân bay cho biết, từ tháng 8-2017 đến nay đã lập biên bản phạt gần 100 trường hợp vi phạm quy định vận tải hành khách.
Hiệp hội ta-xi Ðà Nẵng cho biết, số lượng xe ta-xi truyền thống tại Ðà Nẵng khoảng 1.700 xe, nhưng Grab ta-xi có khoảng 4.000 chiếc đang hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ta-xi truyền thống. Giám đốc Công ty ta-xi Vinasun Ðà Nẵng Trần Thanh Tâm khẳng định không ngại cạnh tranh với ta-xi công nghệ, nhưng phải cạnh tranh một cách lành mạnh, công bằng. Ta-xi truyền thống phải chịu nhiều quy định, ràng buộc chặt chẽ với 13 điều kiện kinh doanh hoạt động vận tải khách, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, mức lương tối thiểu,… Ðồng thời, chịu sự quản lý chặt chẽ về giá cả theo quy định, phải niêm yết giá công khai và mỗi lần tăng, giảm giá cước đều phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, Grab ta-xi hầu như không phải chịu bất cứ sự ràng buộc nào như ta-xi truyền thống.
Theo anh Tú, một thành viên của Grab ta-xi Ðà Nẵng cho biết, ngay khi Grab hoạt động tại Ðà Nẵng, anh liên lạc và được tư vấn, đăng ký tham gia vào một hợp tác xã vận tải do Grab giới thiệu, hợp đồng có sẵn cho nên anh không cần liên lạc, thỏa thuận gì với hợp tác xã vận tải đó. Sau khi đăng ký và được chấp thuận, anh phải mở một tài khoản do Grab quản lý, đóng một triệu đồng vào tài khoản đặt cọc và cài đặt phần mềm trên điện thoại. Khi có người gọi xe, anh chỉ việc liên lạc qua điện thoại và đến đón, giá cước do Grab định sẵn trên ứng dụng. Tỷ lệ ăn chia ban đầu là chủ xe 77%, Grab 23%. Ngay khi khách đón xe, Grab trừ 23% tiền cước trong tài khoản của anh, cho đến khi hết số tiền đó thì phải đóng thêm một triệu đồng để tiếp tục sử dụng ứng dụng của Grab. Toàn bộ số tiền anh Tú thu được từ khách không phải chịu thêm bất cứ một khoản thuế nào.
Siết chặt quản lý
Vì có thu nhập cao, thủ tục đăng ký đơn giản và nhất là không chịu sự quản lý của bất cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào, lại không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nhiều người đã đổ xô đi mua xe chạy Grab. Người thì dùng tiền nhàn rỗi, người thì vay ngân hàng để mua xe. Vì vậy, dù chưa được phép nhưng xe Grab đã xuất hiện ở Ðà Nẵng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Sở GTVT đã chỉ đạo thanh tra giao thông ra quân xử lý xe hoạt động vận tải không đúng quy định, mức xử lý vi phạm hành chính cũng khá cao theo quy định. Xe chạy Grab không có biển hiệu, phù hiệu, vì thế muốn có bằng chứng để xử phạt, cán bộ thanh tra phải cài ứng dụng trên điện thoại, đặt xe, ghi âm, ghi hình và trả tiền cước mới xử phạt được. Sau mỗi lần phạt, ứng dụng của cán bộ đi xử lý lập tức bị khóa ngay, kèm theo cảnh báo của Grab "Chúng tôi phát hiện một số hoạt động nghi ngờ của đối tác, nên buộc phải tạm ngừng tài khoản sử dụng ứng dụng của quý đối tác".
Tìm hiểu về việc đóng thuế của Grab ta-xi Ðà Nẵng, ông Lê Hà, Chi cục phó Chi cục thuế Thanh Khê cho biết: Văn phòng đại diện Grab ta-xi Ðà Nẵng chỉ nhận tư vấn, hướng dẫn lái xe các quy trình sử dụng phần mềm Grab, các chính sách lái xe được hưởng. Các hoạt động ký hợp đồng kinh doanh được Công ty TNHH Grabta-xi có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh thực hiện. Việc kê khai, nộp thuế được Grab thực hiện tại Chi cục Thuế quận 10, TP Hồ Chí Minh. Không chỉ Nhà nước thất thu thuế, cơ quan chức năng địa phương không quản lý được hoạt động và giá cước, Grab còn tự ý nâng - hạ giá cước tùy ý. Mặt khác, ngay cả Grab cũng không quản lý được hoạt động của các đối tác. Ðể kiểm chứng, chúng tôi mở ứng dụng và đặt một chuyến xe biển số 43A-2XX.23. Sau khi liên lạc được với lái xe, chúng tôi hủy chuyến trên điện thoại và gọi lại thỏa thuận về giá cước chuyến đi rẻ hơn 20% so với giá trên ứng dụng. Lái xe đón và chở đến tận nơi mới thu tiền. Vậy là ngay cả Grab cũng thất thu đối với chuyến xe này. Qua tìm hiểu, tình trạng nêu trên diễn ra khá phổ biến ở các thành phố lớn.
Hiện nay, Grab không chỉ triển khai ở năm thành phố lớn theo quy định của Bộ GTVT, mà ở nhiều đô thị miền Trung như: Huế, Ðồng Hới, Quy Nhơn, khi mở ứng dụng Grab để đặt xe là thấy trên màn hình điện thoại xuất hiện xe Grab khá nhiều. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do phương tiện hoạt động dạng này không có dấu hiệu nhận biết, lái xe có nhiều phương pháp đối phó lực lượng chức năng và hiện nay vẫn chưa có quy định pháp lý chính thức của Chính phủ để quản lý loại hình này.
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Ðà Nẵng khẳng định, quan điểm của địa phương trong việc quản lý phát triển các phương thức vận tải là luôn mong muốn tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, xã hội và doanh nghiệp. Do đó, thành phố mong muốn có đầy đủ khung pháp lý, các quy định quản lý loại hình vận tải khách bằng xe ô-tô sử dụng ứng dụng hợp đồng điện tử để tổ chức triển khai thực hiện phù hợp điều kiện tại địa phương.
Trong thời gian chưa có khung pháp lý và các quy định chính thức để quản lý loại hình này, ngành giao thông và chính quyền TP Ðà Nẵng cần tiếp tục triển khai kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải khách theo hợp đồng của các xe dưới chín chỗ ngồi. Ðồng thời kiến nghị Bộ GTVT sớm trình Chính phủ có quy định cụ thể, chặt chẽ đối với các loại hình vận tải khách chưa thể giám sát một cách đầy đủ, nhằm hạn chế thất thu ngân sách, phá vỡ quy hoạch phát triển giao thông công cộng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.