Điều tra qua thư bạn đọc

Chấn chỉnh hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn TP Hà Nội

Thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, những năm qua, các cơ sở y, dược tư nhân (YDTN) trên địa bàn TP Hà Nội được đầu tư, phát triển, giúp giảm quá tải cho các bệnh viện công lập, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Tuy nhiên, vụ việc gây bức xúc dư luận ở Thẩm mỹ viện Cát Tường, phòng khám Maria… và những sai phạm, hoạt động lộn xộn gần đây của nhiều cơ sở YDTN khiến người dân băn khoăn, lo lắng…

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở hành nghề y, dược tư nhân tại huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở hành nghề y, dược tư nhân tại huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Từ những “chiêu trò” móc túi người bệnh…

Ngồi bên gói thuốc khá nhiều loại, cùng một xấp đơn thuốc và phiếu thu tiền lên tới hơn năm triệu đồng, chị Nguyễn Hồng Hạ ở Ninh Khánh (Hoa Lư, Ninh Bình), đang khám bệnh tại Phòng khám N.K trên đường Giải Phóng (Hà Nội) cho biết: “Tôi bị viêm xoang từ mấy năm nay, đi chữa khắp nơi không khỏi. Nghe thông tin quảng cáo phòng khám này có các giáo sư có thể chữa khỏi hẳn, cho nên tôi chẳng ngại tốn kém, lặn lội từ quê lên đây khám. Thế nhưng, đi lại năm, bảy lượt, làm đủ các loại xét nghiệm, mà bệnh vẫn chưa đỡ bao nhiêu. Chỉ riêng lần đầu tới khám và mua thuốc cũng đã mất gần ba triệu đồng. Về nhà uống thuốc 10 ngày, sau đó đi khám lại, thì bác sĩ ở đây lại nói do trong mũi có pô-líp (một khối u nhỏ) vì vậy, dùng thuốc không thể chữa khỏi được. Muốn điều trị dứt điểm phải nộp thêm từ 4 đến 5 triệu đồng nữa để bác sĩ cắt pô-líp và mua thuốc kháng sinh. Nhưng hơn một tuần qua sau khi tiến hành thủ thuật như lời bác sĩ, tôi vẫn chưa cảm thấy đỡ”.

Cũng từng rơi vào hoàn cảnh “bệnh bé, xé ra to” bị mất tiền oan cho một phòng khám về sản khoa tư nhân trên đường Đê La Thành, chị Kim Anh ở phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: “Mặc dù chỉ bị viêm phụ khoa nhẹ, nhưng khi đến khám tại đây tôi được bác sĩ kết luận: viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ nặng nhất, phải đốt điện ngay, nếu để lâu sẽ bị mãn tính và không có con. Nghe vậy, tôi vội vàng điều trị ngay tại đây với chi phí ban đầu bốn triệu đồng, gồm tiền khám bệnh, siêu âm… đó là chưa kể tiền thuốc kháng sinh, thuốc bổ và các điều trị khác đi kèm. Được một thời gian, thấy bệnh chưa khỏi hẳn, tôi sang khám lại tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (ngay cạnh cơ sở đã khám trước đây). Chỉ sau vài ngày uống thuốc, bệnh tình của tôi đã thuyên giảm. Chỉ vì ngại xếp hàng do đông người bệnh ở các bệnh viện công lập, cho nên tôi mới đến cơ sở y tế tư nhân khám cho nhanh. Đỡ được ít thời gian thì lại mắc vào cái “bẫy” khám, chữa bệnh của họ. Thật ra, họ chỉ vì mục đích kiếm tiền, chứ không vì sức khỏe của người bệnh”...

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 2.931 cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập; trong đó, có 145 phòng khám đa khoa, 2.221 phòng chuyên khoa, 565 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 6.322 cơ sở hành nghề dược,… mỗi năm, thu hút khoảng một triệu lượt người bệnh tới khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, bên cạnh những cơ sở chăm sóc sức khỏe có chất lượng, với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hợp lý thì vẫn còn nhiều cơ sở hoạt động chui, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép, quảng cáo quá phạm vi, điều trị theo kiểu "nuôi" bệnh, bệnh nhẹ thành bệnh nặng, bán thuốc không rõ nguồn gốc với giá cắt cổ, cố tình “móc túi” người bệnh.

... Đến các thủ đoạn vi phạm

Chị Hồng Hạ, chị Kim Anh là hai trong số hàng nghìn người bệnh, cũng là “nạn nhân” của nhiều phòng khám, thẩm mỹ, bệnh viện tư đang mọc lên như nấm. Tại Hà Nội, trên nhiều đường phố chung quanh các bệnh viện công lập có uy tín đã hình thành một hệ thống “ăn theo” gồm các phòng khám, chữa bệnh, nhà thuốc tư nhân. Qua khảo sát, trên đường Bùi Thị Xuân, đoạn phía sau Bệnh viện Mắt Trung ương, đã có khoảng 20 cơ sở khám, chữa bệnh. Và trên một đoạn đường ngắn, đối diện với cổng Bệnh viện Bạch Mai (đường Giải Phóng) đã có không dưới 50 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều phòng khám và nhà thuốc tư nhân ở chung quanh các bệnh viện lớn tại Hà Nội mượn danh, mượn uy tín và tên tuổi của bác sĩ trong bệnh viện nhằm lôi kéo người bệnh tới chữa trị. Trong bệnh viện có bác sĩ, chuyên khoa nào có uy tín, thì nhiều phòng khám tư nhân ngoài cổng bệnh viện cũng trưng biển y như vậy. Nguy hiểm hơn, nhiều phòng khám, cơ sở hoạt động không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, thường xuyên phát tờ rơi, quảng cáo liên tục trên phương tiện thông tin đại chúng với nội dung: Có đội ngũ giáo sư, bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại, phương pháp tiên tiến có thể chữa được nhiều bệnh phức tạp, nan y… nhằm lừa bịp người bệnh.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, qua công tác thanh, kiểm tra tại 166 cơ sở, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã xử lý vi phạm hành chính 68 cơ sở với tổng số tiền phạt là 1.042.700.000 đồng và đình chỉ hai cơ sở hoạt động trái phép. Trong sáu tháng đầu năm 2016, kiểm tra 69 lượt cơ sở, xử lý vi phạm 39 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 700 triệu đồng; đình chỉ hoạt động và tước chứng chỉ hành nghề hai cơ sở. Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Trần Việt Cường cho biết, thời gian qua, mặc dù Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, nhưng thực tế vẫn còn không ít cơ sở cố tình lợi dụng kẽ hở của pháp luật, trục lợi trên sức khỏe, thậm chí tính mạng của người bệnh và cộng đồng.

Ngày 5-7-2016, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành thanh tra hoạt động đối với Phòng khám Y học cổ truyền Việt Tâm có địa chỉ tại số 987 đường Giải Phóng, phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai). Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn thanh tra đã phát hiện bác sĩ phụ trách chuyên môn là người Trung Quốc vắng mặt. Thanh tra Sở Y tế đã tạm đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của phòng khám này. Ngày 11-7-2016, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện Phòng khám An Khang, ở số 96 phố Đông Các, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) có các hành vi vi phạm hành chính như: Bác sĩ Viên Cát Lượng (quốc tịch Trung Quốc) hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép; thu tiền cao hơn giá đã niêm yết; sổ khám, chữa bệnh ghi chép không đầy đủ theo quy định; quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh (dịch vụ đặc biệt) chưa được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo. Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt Phòng khám An Khang đối với các vi phạm nêu trên, với tổng số tiền phạt 101,7 triệu đồng, đồng thời, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Viên Cát Lượng trong thời gian chín tháng, kể từ ngày 8-7-2016.

Không chỉ vi phạm trong khám, chữa bệnh, quảng cáo sai sự thật, thuê bằng bác sĩ, khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn, hành nghề không phép, qua công tác kiểm tra, ngành chức năng còn phát hiện nhiều cửa hàng dược đã có hành vi “tân trang” các loại thuốc tây đóng trong hộp giấy. Thậm chí, nhiều vỏ thuốc còn bị tẩy xóa, in hạn sử dụng mới hoặc sửa hạn sử dụng; dạng viên nén đóng bao phim in hạn sử dụng bằng dấu chìm được cắt góc vỉ, khiến người dùng không thể biết thuốc còn hạn sử dụng hay không. Đáng lo ngại là trong số đó có cả các loại thuốc đặc trị như thuốc chữa trị thần kinh, dạ dày, cai nghiện ma túy, chữa bệnh tiểu đường, hen suyễn, an thần, hạ sốt trẻ em, bổ sung sắt cho phụ nữ có thai... cũng được các chủ cửa hàng thuốc “phù phép” theo cách này. Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 14 phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 3 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) và Phòng 6, Cục Cảnh sát môi trường (C49), Bộ Công an, tiến hành kiểm tra ba cơ sở kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng, đã phát hiện và tạm giữ hàng nghìn viên thuốc và số lượng lớn thực phẩm chức năng đã hết hạn sử dụng; bị tẩy xóa, sửa chữa ngày sản xuất và hạn sử dụng để đưa ra lưu thông trên thị trường. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực dược, hành vi bán thuốc “hết hạn sử dụng” không bảo đảm chất lượng cho người bệnh là một tội ác, bởi những loại thuốc này không chỉ giảm hoặc mất tác dụng điều trị, mà còn có thể gây độc, nguy hại cho sức khỏe người bệnh.

Siết chặt công tác quản lý…

Tình trạng “lộn xộn, bát nháo” trong hành nghề YDTN ở Hà Nội đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Đã có rất nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo do Bộ Y tế cùng các ngành chức năng phối hợp tổ chức nhằm đưa ra các giải pháp quản lý hoạt động của các phòng khám YDTN, nhưng vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường quản lý nhà nước về hành nghề y dược ngoài công lập, tổ chức đầu tháng 11-2013 có nhiều ý kiến đóng góp, chỉ ra thực trạng và bất cập trong công tác quản lý cũng như hoạt động của hệ thống YDTN. Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Những sai phạm của nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đang gây ra sự bức xúc, phẫn nộ của người bệnh và cộng đồng. Chúng ta cần kịch liệt lên án những hành vi coi thường sức khỏe, tính mạng người khác”…

Có một thực tế là, cứ sau khi xảy ra các vụ việc sai phạm, thậm chí dẫn đến chết người của các phòng khám, bị dư luận lên án, thì ngay lập tức công tác thanh, kiểm tra từ cấp cơ sở sẽ được siết chặt hơn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, đâu lại vào đấy. Thậm chí, có phòng khám mặc dù vừa bị phạt vì vi phạm, nhưng sau đó, lại thay biển hiệu tiếp tục hành nghề quá phạm vi cho phép, với giá dịch vụ “cắt cổ” và bán thuốc không đơn, không rõ nguồn gốc, giá khám bệnh thu cao hơn giá niêm yết… Lý giải vấn đề này, Phó trưởng phòng Hành nghề YDTN, Sở Y tế Hà Nội Tô Tử Anh cho biết, do chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở hành nghề y dược cố tình không tuân thủ các quy định của pháp luật, trong khi đó công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm sau cấp phép chưa thường xuyên, lực lượng thanh tra mỏng, các quy định về xử lý vi phạm còn bất cập, chưa đủ tính răn đe...

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở hành nghề YDTN cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và các cơ quan chức năng trên địa bàn. Ngoài ra, lực lượng Thanh tra Y tế cần đẩy mạnh công tác kiểm tra hậu kiểm, tập trung kiểm tra đột xuất đối với những cơ sở có yếu tố nước ngoài, các cơ sở gần cổng các bệnh viện lớn. Yêu cầu các cơ sở hành nghề phải niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của Sở y tế để người dân liên hệ phản ánh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.