Ðàn voọc trên núi đá vôi Thạch Hóa - Ðồng Hóa.
Cơ duyên với loài voọc
Cùng với những cán bộ kiểm lâm huyện Tuyên Hóa, chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Thanh Tú (56 tuổi), trú tại xã Thạch Hóa, người được gọi với cái tên thân mật: "Tú voọc". Ông là người có công lớn trong việc phát hiện và bảo vệ đàn voọc gáy trắng quý hiếm trên địa bàn hơn 5 năm qua. Trong căn nhà nhỏ treo rất nhiều giấy khen và những bức ảnh về loài voọc gáy trắng, ông Tú kể cho chúng tôi nghe về mối lương duyên của ông với đàn voọc nơi đây: "Tôi vốn là sĩ quan biên phòng, khi về hưu, trở về quê hương sinh sống. Ðầu năm 2012, tôi vào rừng Hung Sú, phát cây tạp để trồng sưa; trong lúc nằm nghỉ trên tảng đá thì nghe tiếng sột soạt trên cao. Nhìn lên, thấy những chấm đen di chuyển trong lùm cây, rồi cứ dần tiến về phía mình. Ban đầu tôi hơi hoảng sợ, nhưng khi chúng tiến lại gần, tôi nhận ra đó là loại voọc đen, má trắng, đuôi dài quý hiếm ở Việt Nam; bởi trước đây tôi từng được dự lớp tập huấn nhận diện các loài động vật đặc hữu, quý hiếm".
Sau khi tìm hiểu, ông Tú mới biết vùng núi đá vôi này trước kia có rất nhiều voọc sinh sống. Về sau, do đời sống cư dân trong vùng ngày càng ồn ào sôi động xuất hiện nhiều người săn bắn nên voọc gần như trốn chạy khỏi nơi này, thời gian gần đây mới xuất hiện trở lại. Xác định được loài động vật hoang dã, quý hiếm, ông Tú âm thầm theo dõi và biết các cá thể voọc mới xuất hiện ở núi đá vôi Thiết Sơn đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn. Nhiều đêm thao thức nghĩ về sự tuyệt chủng của loài voọc, ông quyết định bảo vệ chúng theo cách của mình. Từ đó, cuối mỗi buổi sáng, ông Tú lại một mình đùm cơm mang nước, lên núi tìm voọc. Vợ con sinh nghi, không hiểu ông làm gì cứ leo lèn cao, ở đó một lúc lâu mới trở về. Họ âm thầm theo dõi, khi biết được công việc của ông thì hết sức ủng hộ. Còn làng xóm, nhiều người khi ấy do chưa hiểu công việc của ông nên họ bảo, ông Tú về hưu trở chứng bị "hâm", sau mỗi lần leo núi đá Thiết Sơn về thường hay nghĩ ngợi. Ông Tú chia sẻ: "Nếu ngay từ đầu mình kể với bà con về đàn voọc thì hay đâu chưa thấy mà ngược lại nhiều người biết, có khi còn khó bảo vệ hơn. Mình phải âm thầm theo dõi, ghi lại hình ảnh làm căn cứ rồi báo với chính quyền, cơ quan kiểm lâm để có kế hoạch bảo vệ đàn voọc từ xa. Lúc đó, mới thông báo cho bà con biết để cùng góp sức bảo vệ".
Mùa hè, gió Lào thổi ràn rạt, mang hơi nóng phả vào huyện miền núi Tuyên Hóa. Từng dãy núi đá vôi vốn bị nung nóng dưới cái nắng gần 40oC, cộng với gió phơn tây nam làm cho cỏ cây khô cong. Ðó cũng là lúc, đàn voọc trên đỉnh Thiết Sơn đối mặt với sự đói khát do thiếu nguồn nước. Nhiều con voọc liều mình, đợi đêm xuống lén đến gần khu dân cư để tìm nước uống. Sợ đàn voọc gặp nguy hiểm, ông Tú gùi nước lên, đổ vào các hốc đá để voọc uống. Có những đêm, ông mò mẫm một mình lên rừng để tìm, gỡ những cái bẫy của thợ săn đặt để tránh làm tổn thương, ảnh hưởng đến đàn voọc.
Ở "trụ sở" đội bảo vệ voọc, cũng là ngôi nhà của ông Nguyễn Thanh Tú, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hồng ở xã Ðồng Hóa, huyện Tuyên Hóa. Ðiều gây ấn tượng là trước đây Hồng vốn là một thợ săn voọc khét tiếng trong vùng. Nhờ sự khuyên ngăn và cảm hóa của ông Tú, giờ anh Hồng là thành viên tích cực của đội bảo vệ voọc. Hồng kể lại câu chuyện của chính mình: "Cách đây khoảng 5 năm, sau một đêm tôi đi săn về thì thấy nhà mình vẫn sáng đèn. Tưởng có chuyện gì, tôi chạy ngay vào nhà thì thấy ông Tú đang ngồi chờ đợi. Thấy tôi, ông Tú mừng vui ra bắt tay giới thiệu rồi chuyện trò, thuyết phục tôi không nên tiếp tục săn bắn voọc. Nghe chưa hết chuyện, tôi nói, ông về đi, việc tôi, tôi làm can cớ chi ông. Những ngày sau đó, ông Tú vẫn kiên trì lên nhà để khuyên nhủ, nhưng tôi đều không nghe, bởi đây là nghề mà mình bao năm gắn bó. Nhưng trong một lần đi săn, tôi bẫy được một con voọc đầu đàn. Lúc đến gỡ bẫy thì thấy một bầy voọc hơn chục con vây quanh kêu thảm thiết. Ánh mắt của nhiều con voọc đỏ lừ như căm thù, như phản đối kẻ gây ra cái chết cho đồng loại, là tôi. Mỗi lần chợp mắt, nhớ lại cảnh đó, tôi không khỏi rùng mình. Tôi bắt đầu suy nghĩ về những lời ông Tú nói và từ bỏ luôn nghề đi săn". Anh Hồng cho biết thêm, để tiếp cận và thuyết phục những thợ săn như anh, ông "Tú voọc" còn đóng vai người mua hàng tươi sống, lân la tiếp cận rồi tìm lời lẽ khuyên nhủ họ từ bỏ nghề. Ngoài anh Hồng, ở Tuyên Hóa còn có anh Sử, anh Nam cũng là những thợ săn lâu năm được ông Tú thuyết phục bỏ nghề, tự nguyện chung sức với đội bảo vệ, chăm sóc đàn voọc dù không có chút thù lao nào.
Mong mỏi sớm có khu bảo tồn voọc
Mang theo ống nhòm và máy ảnh, men theo con đường rừng, ông Tú dẫn chúng tôi leo lên một lèn đá nơi đàn voọc thường xuyên xuống kiếm ăn hoặc sưởi nắng. "Vào mùa đông, đàn voọc xuống thường xuyên. Còn mùa hè, nắng nóng như thế này thì chúng chỉ xuất hiện tầm khoảng 5 giờ đến 9 giờ sáng, sau đó lại nấp vào lùm cây tránh nắng"- ông Tú vừa giải thích vừa cầm chiếc điện thoại bật nhạc lên để gọi đàn voọc ra cho chúng tôi xem. Lát sau, mấy ngọn cây trên lèn chuyển động, ông đưa ống nhòm lên nhìn, chỉ cho tôi thấy đàn voọc đang đu xuống tìm chồi lá non, quả cây rừng để ăn. Nhiều con vắt vẻo trên mỏm đá, không tỏ ra sợ sệt con người.
Qua gần 5 năm, sự kiên trì của đội bảo vệ đã được "đền đáp" xứng đáng: Ðàn voọc đen gáy trắng (còn gọi là voọc Hà Tĩnh), từ chỗ chỉ có hơn 10 con, đến nay đã hơn một trăm cá thể. Sự phát triển về số lượng cá thể voọc gáy trắng ở Thạch Hóa thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Nhiều người tìm đến Thạch Hóa tìm hiểu, chụp ảnh, hay đơn giản chỉ đến đây uống cà-phê và ngắm voọc để thư giãn.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình Phạm Hồng Thái cho biết, hiện, công tác bảo vệ đàn voọc đang được giao cho cộng đồng dân cư hai xã Thạch Hóa và Ðồng Hóa đảm nhận trên tinh thần tự nguyện. Song đó mới chỉ là giải pháp trước mắt, cần phải có đề án bảo tồn loài động vật quý hiếm này một cách bài bản, dài hơi. Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng phương án bảo tồn quần thể voọc gáy trắng. Từ đó, bước đầu hình thành Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc gáy trắng huyện Tuyên Hóa với diện tích 175 ha. "Loài voọc gáy trắng sinh sống tại huyện Tuyên Hóa đang đối mặt với những thách thức lớn về vùng sống, nguồn thức ăn, các tác động ảnh hưởng trực tiếp như: săn bắn, xâm lấn sinh cảnh, khai thác đá, khai thác củi... Các áp lực kể trên dễ dẫn đến nguy cơ giảm số lượng loài rất cao. Vì vậy việc quy hoạch, xây dựng đề án bảo tồn loài và sinh cảnh đối với quần thể voọc gáy trắng hết sức cấp bách. Ðề án thành lập khu bảo tồn đã được Chi cục Kiểm lâm trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai"- ông Phạm Hồng Thái nhấn mạnh.
Theo các nhà khoa học và chuyên gia về bảo tồn linh trưởng, đàn voọc gáy trắng quý hiếm sinh tồn, phát triển trên khối núi đá vôi bên cạnh cộng đồng dân cư, thân thiện với con người như ở xã Thạch Hóa và Ðồng Hóa là rất độc đáo. Có được điều đó là nhờ sự đóng góp to lớn của những người như ông Nguyễn Thanh Tú, anh Nguyễn Văn Hồng đã ngày đêm miệt mài "vác tù và hàng tổng" bảo vệ sự bình yên và phát triển của chúng. "Niềm vui nhất đối với tôi là bảo vệ được đàn voọc khỏi nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắn. Vui hơn nữa là sự đồng lòng hỗ trợ của bà con trong vùng, nhất là vợ và con gái tôi hết mực ủng hộ việc tôi làm. Dù đã có quy định, biển báo cấm săn bắt voọc nhưng người dân vẫn tự do đi vào đây mưu sinh, chúng tôi không thể kiểm soát được hành vi của một số người. Tôi mong tỉnh sớm thành lập khu bảo tồn hoặc khoanh vùng khu vực đàn voọc sinh sống để bảo vệ chúng, ông Tú bày tỏ.
Giờ đây, đến miền sơn cước yên bình Thạch Hóa - Ðồng Hóa, mỗi bình minh, ngắm nhìn đàn voọc leo trèo, bồng bế nhau, vui đùa trên những lèn đá, cành cây rất thân thiện, gần gũi với con người mới thấy việc làm của những người yêu động vật hoang dã như ông Tú, anh Hồng và những cư dân địa phương hết sức ý nghĩa. Song, những người "vác tù và hàng tổng" rồi cũng sẽ già đi, đàn voọc thì ngày càng đông thêm, ai sẽ bảo vệ chúng nếu như ngay bây giờ tỉnh Quảng Bình không kịp thời triển khai đề án thành lập khu bảo tồn loài voọc, vốn đã được hoạch định hai năm qua… nhưng vẫn nằm trên giấy.
Voọc gáy trắng có tên khoa học là Trachypithecushatinhensis, thuộc họ khỉ, bộ linh trưởng, là loài động vật hoang dã được bảo vệ tại phụ lục II, Công ước CITES 2008; nằm trong nhóm IB của Nghị định 32/2006/NÐ-CP và trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ tại Nghị định 160/2013/NÐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, voọc gáy trắng là loài quý hiếm có trong Sách Ðỏ thế giới IUCN và Sách Ðỏ Việt Nam đang ở mức nguy cấp. Ðây là loài linh trưởng đặc hữu của vùng núi đá vôi Việt Nam.
Ðến nay, đội bảo vệ voọc tự nguyện của ông Tú có năm người, ngoài ra còn có chín người trong đội cộng đồng của xã tham gia bảo vệ đàn voọc. Năm 2015, ông Nguyễn Thanh Tú vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và mới đây ngày 4-5, ông Nguyễn Văn Hồng cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc phát hiện và bảo vệ đàn voọc gáy trắng quý hiếm trên địa bàn.