Chăm lo toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer

Trong các dân tộc thiểu số ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng bào Khmer có số dân nhiều nhất. Từ sự quan tâm, chăm lo, đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của từng địa phương và tinh thần tự vươn lên của người dân..., đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở Tây Nam Bộ không ngừng được cải thiện. Nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer được bảo tồn, phát huy, trao truyền.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của đồng bào Khmer ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh NGUYỄN PHONG)
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của đồng bào Khmer ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh NGUYỄN PHONG)

Bài 1: Nỗ lực cùng vươn lên

Bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn, nhiều phum sóc của đồng bào Khmer đã nhuận sắc hơn xưa.

Nhiều chương trình, dự án được triển khai đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đáng kể đời sống người dân. Những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh xuất hiện ngày càng nhiều tại các vùng quê của đồng bào Khmer vùng châu thổ Cửu Long...

Thu nhập của người dân tăng lên

Sau nhiều năm hợp tác với Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua để sản xuất lúa giống xác nhận, nông dân xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng giờ đã thuần thục việc sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ. Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa Đại Thành (xã Đại Tâm) Hứa Thành Nghĩa phấn khởi nói: “Năm nay bà con ăn Tết vui vì bội thu cả hai vụ lúa mà giá lúa lại tăng cao”.

Ông Nghĩa cho biết thêm, áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ cây lúa lớn nhanh mà không cần phân bón vô cơ hay thuốc trừ sâu. 22 tổ viên với hơn 103 ha đất trồng giống lúa ST25 đều đạt năng suất gần sáu tấn/ha. Nhờ giảm chi phí sản xuất giúp người trồng lúa tăng thêm thu nhập hơn 30%.

Trên bình diện chung, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, chính sách đặc thù dành cho đồng bào Khmer của Trung ương và của các địa phương vùng Tây Nam Bộ đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Tâm Trương Tấn Lâm, toàn xã có hơn 20.000 dân với gần 4.700 hộ, trong đó dân tộc Khmer chiếm gần 86%. Phần lớn người dân trong xã sinh sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn 1,6%. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã hơn 67 triệu đồng…

Vụ lúa đông xuân năm nay, anh Thạch Xê ở xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh sản xuất một ha lúa chất lượng cao, được Hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần ký hợp đồng bao tiêu với mức giá 9.400 đồng/kg.

Không riêng anh Thạch Xê, nhiều nông dân sản xuất lúa ở đây cũng đạt năng suất, lợi nhuận cao hơn so với trước nhờ hạ tầng thủy lợi trên địa bàn xã đã được đầu tư hoàn thiện, 100% diện tích đất nông nghiệp đủ nguồn nước bơm tưới, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; từ đó, đời sống người dân được cải thiện hơn.

Là một trong 30 học viên dân tộc thiểu số vừa hoàn thành khóa học kỹ thuật xây trát công trình do Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện An Biên phối hợp Trường trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang tổ chức, Danh Thanh Vĩ (18 tuổi) ở ấp Bào Môn, xã Hưng Yên, huyện An Biên đã có việc làm ổn định.

Chăm lo toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer ảnh 1

Thanh niên dân tộc Khmer ở tỉnh Kiên Giang được học nghề miễn phí và được hỗ trợ chi phí ăn, đi lại. (Ảnh QUỐC TRINH)

Danh Thanh Vĩ cho biết, trước đây em làm phụ hồ được trả công 200-230 nghìn đồng/ngày, sau khi học nghề xong, thù lao của em đã được tăng lên 250-300 nghìn đồng/ngày.

Theo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, trong năm 2023, huyện An Biên đã tổ chức thành công bảy lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 200 lao động; từ đó, giúp nhiều lao động nông thôn, trong đó có thanh niên dân tộc thiểu số, dễ dàng tìm kiếm việc làm, mạnh dạn lập nghiệp trên mảnh đất quê hương thay vì bôn ba mưu sinh ở đất khách.

Trên bình diện chung, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, chính sách đặc thù dành cho đồng bào Khmer của Trung ương và của các địa phương vùng Tây Nam Bộ đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.

Không ít hộ đồng bào dân tộc Khmer đã tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đến nay, kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ được tập trung đầu tư, xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân…

Làng quê chuyển mình, đổi mới

Đưa chúng tôi tham quan tuyến đường thẳng tắp cặp theo tuyến Kênh 19/5 được Dự án VnSAT hỗ trợ xây dựng cạnh cánh đồng lúa ST25 đang thì con gái, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ và Sản xuất lúa Đại Nghĩa Thắng (xã Đại Tâm) Trầm Sanh nói:Giờ nhiều người đi làm ruộng bằng xe máy và vận chuyển rau màu bằng ô-tô rất thuận lợi. Được Nhà nước đầu tư hạ tầng đầy đủ nên hầu hết xã viên đều có đời sống khá giả, nuôi con học hành đến nơi, đến chốn.

Đại Tâm là xã nông thôn mới nâng cao của huyện nông thôn mới Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi này đang đón chờ thông tin được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh.

Thấy được lợi ích từ phát triển nông thôn nên chúng tôi tự nguyện cùng chính quyền vận động bà con trong xã hoàn thành các tiêu chí cao hơn. Bây giờ được hưởng lợi từ nông thôn mới nên ai cũng đồng tình. Nhờ đó sản xuất, lưu thông hàng hóa nông sản thuận lợi, trường học khang trang, đời sống vật chất, tinh thần không thua gì ở thành thị.

Ông Diệp Kỉnh Tâm, người dân tộc Khmer, một trong những nhà nông sản xuất giỏi tiêu biểu ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

Ông Diệp Kỉnh Tâm, người dân tộc Khmer, một trong những nhà nông sản xuất giỏi tiêu biểu ở xã Đại Tâm vừa được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng khen về thành tích đóng góp xây dựng nông thôn mới khi hiến hơn 2.500m2 đất để làm các công trình phục vụ cộng đồng.

Ông Tâm khẳng khái nói: “Thấy được lợi ích từ phát triển nông thôn nên chúng tôi tự nguyện cùng chính quyền vận động bà con trong xã hoàn thành các tiêu chí cao hơn. Bây giờ được hưởng lợi từ nông thôn mới nên ai cũng đồng tình. Nhờ đó sản xuất, lưu thông hàng hóa nông sản thuận lợi, trường học khang trang, đời sống vật chất, tinh thần không thua gì ở thành thị”.

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 70/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Toàn tỉnh có năm đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, hoặc đạt chuẩn huyện nông thôn mới…

Theo ông Đặng Quốc Đoàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, trước đây, Phú Cần là xã đặc biệt khó khăn với 3.120 hộ dân, trong đó hộ dân tộc Khmer chiếm hơn 62%.

Thời gian qua, xã đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và các dự án lồng ghép khác tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Nhà nước đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi kết hợp việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, chăn nuôi đã giúp đồng bào Khmer xã Phú Cần đạt giá trị sản xuất bình quân một héc-ta đất nông nghiệp hơn 110 triệu đồng/năm.

Diện mạo nông thôn Phú Cần ngày thêm khởi sắc, đồng bào Khmer tích cực góp công, góp sức cùng phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang từ một vùng quê nghèo khó, giờ cuộc sống của đồng bào Khmer ở đây đã được nâng lên rõ rệt. Mười năm trước, từ trung tâm huyện Vĩnh Thuận về vàm Chắc Băng, xã Phong Đông chỉ đi được bằng xe máy, giờ đã có lộ nhựa, xe bốn bánh đi lại dễ dàng.

“Đổi thay lớn nhất trong đời sống vùng đồng bào dân tộc Khmer ở xã Phong Đông bắt đầu từ việc địa phương vận dụng kịp thời, hiệu quả những chính sách thiết thực của Ðảng, Nhà nước phục vụ nhu cầu lợi ích dân sinh. Đây chính là động lực giúp bà con Khmer thi đua, lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, vươn lên thoát nghèo, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội và phấn đấu đưa Phong Đông hoàn thành các tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025”, Bí thư Đảng ủy xã Phong Đông Châu Ngọc Cẩn khẳng định...

(Còn nữa)