Tưng bừng Lễ hội Óoc Om Bóc của đồng bào Khmer Nam Bộ

Ðến hẹn lại lên, vào trung tuần tháng 10 âm lịch hằng năm, đồng bào Khmer Nam Bộ lại rộn ràng đón Lễ hội Óoc Om Bóc - Ðua ghe Ngo. Những ngày này về Sóc Trăng, nơi đâu cũng thấy tràn ngập không khí lễ hội tưng bừng, náo nhiệt.
0:00 / 0:00
0:00
Sóc Trăng xác lập kỷ lục là địa phương tổ chức cuộc đua có số lượng ghe Ngo và vận động viên tham gia nhiều nhất Việt Nam.
Sóc Trăng xác lập kỷ lục là địa phương tổ chức cuộc đua có số lượng ghe Ngo và vận động viên tham gia nhiều nhất Việt Nam.

Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 1.230 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian, truyền thống chiếm gần 70%. Các lễ hội thể hiện dấu ấn đặc sắc về văn hóa của các dân tộc thiểu số như Lễ hội Óoc Om Bóc, Sen Dolta, hội đua bò Bảy Núi của người Khmer.

Ðể chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng, thời gian qua cùng với phát triển kinh tế, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa qua các lễ hội truyền thống. Qua nhiều năm tổ chức thành công, Lễ hội Óoc Om Bóc-Ðua ghe Ngo không chỉ là món ăn tinh thần đặc trưng của đồng bào Khmer mà còn là niềm vui chung của người dân Nam Bộ.

Trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc-Ðua ghe Ngo năm 2023 vừa diễn ra tại Sóc Trăng, tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, một trong những hoạt động nổi bật là Liên hoan tiếng hát truyền hình tiếng Khmer khu vực Nam Bộ lần thứ nhất. Liên hoan thu hút hơn 100 thí sinh, nhạc công dân tộc Khmer không chuyên ở các tỉnh, thành phố Nam Bộ với hơn 70 tiết mục ca ngợi Ðảng và Bác Hồ kính yêu; tinh thần đoàn kết các dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cuộc sống, tinh thần hăng say lao động; phản ánh phong trào thi đua yêu nước; kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chị Thạch Thị Sà Quyện, nghiên cứu sinh văn hóa Khmer Nam Bộ nhận xét, văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer được bảo tồn và phát huy qua những bài ca dao, tiếng đàn Chầm riêng Chà pây không chỉ làm ngất ngây lòng người mà còn tạo năng lượng tích cực cho các thế hệ tiếp nối. Thí sinh Lý Kim Quyên, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã xuất sắc giành Giải nhất tại liên hoan lần này chia sẻ, đây là sân chơi bổ ích cho giới trẻ khi làm sống lại các bài dân ca, nhạc điệu truyền thống của dân tộc Khmer.

Trong chuỗi hoạt động lễ hội, tỉnh Sóc Trăng đã phục dựng lễ cúng trăng của đồng bào Khmer Nam Bộ. Lễ cúng nhằm tri ân các vị thần linh và thần Mặt trăng đã bảo vệ mùa màng, đem lại mưa thuận gió hòa, giúp người dân trúng mùa, bội thu. Trong buổi lễ, các vị sư đọc kinh cầu an và vẩy nước ban phước lành cho thanh thiếu niên. Dưới ánh trăng, các vị cao niên tận tay đút từng miếng cốm dẹp cho trẻ nhỏ, thành niên... kèm theo những câu hỏi về ước muốn, hoài bão trong cuộc sống.

Nổi bật nhất trong các sự kiện lễ hội phải kể đến là giải đua ghe Ngo với sự tham gia của 46 đội đến từ các tỉnh, thành phố trong khu vực. Môn thể thao này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tại Sóc Trăng, Tổ chức Guinness Việt Nam đã xác lập kỷ lục đây là môn thể thao "có số lượng ghe Ngo và vận động viên nhiều nhất Việt Nam từ năm 2005 đến nay". Giải đua diễn ra trong hai ngày với hàng chục nghìn người dân và du khách đến theo dõi những trận tranh tài của các đội ghe ở cự ly 1.200 mét dành cho nam và 1.000 mét dành cho nữ tại đường đua trên sông Maspero, thành phố Sóc Trăng.

Bất chấp cái nắng gay gắt, dòng người đứng kín hai bờ sông reo hò, cổ vũ cho các vận động viên đang cố hết sức mình đồng nhịp tay bơi khiến chiếc ghe Ngo lao vun vút trên sông. Anh Trần Như Phương đến từ Thủ đô Hà Nội là người đam mê môn đua thuyền chia sẻ: "Nhiều năm theo dõi qua ti-vi nhưng năm nay tôi mới đến xem trực tiếp giải đua này và thật sự cảm nhận được sự hấp dẫn, sôi động từ tinh thần thi đấu hết mình của các vận động viên và cả người hâm mộ. Là môn thể thao truyền thống nhưng đua ghe Ngo được địa phương tổ chức rất bài bản, lôi cuốn khán giả hòa mình vào ngày hội với tinh thần thể thao cao thượng".

Trong khuôn khổ Lễ hội, Lễ thả đèn nước (Lôi Prô-tip) và ghe Kà Hâu tạo nên bức tranh sông nước lung linh huyền ảo trên sông Trăng. Ðó là mô hình mô phỏng theo kiến trúc của những ngôi chánh điện hoặc ghe Ngo. Theo quan niệm của người Khmer, lễ này mang ý nghĩa tạ ơn thần Ðất, thần Nước vì những lầm lỗi gây ô nhiễm do canh tác, sinh hoạt mà con người đã gây ra cho thiên nhiên.

Ka Hâu là loại thuyền độc mộc dành cho vị trụ trì chùa hay người có uy tín ngồi và chỉ đạo các đội ghe thi đấu trong các cuộc đua ghe Ngo; ngoài ra còn dùng chuyên chở lương thực, nước uống, dàn nhạc ngũ âm để phục vụ, tiếp hậu cần cho đội ghe Ngo. Do thời gian, ghe đã mai một nhiều cho nên tỉnh Sóc Trăng tổ chức cuộc thi phục dựng lại ghe Ka Hâu với mục đích cùng nhau nhìn lại và giữ gìn một loại ghe truyền thống từng gắn liền với nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Khmer.

Việc bảo tồn các di sản văn hóa địa phương, trong đó có lễ hội góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương với quan điểm phát triển kinh tế gắn kết phát triển văn hóa; vừa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần cho nhân dân, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; góp phần vun đắp tinh thần đoàn kết, niềm tự hào, tình yêu quê hương và ý thức trách nhiệm của mọi người trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.