Theo đó, Công ty CP OneFin Việt Nam áp dụng "chạm" thanh toán tự động trên 3 tuyến xe buýt gồm: 01 (Bến Thành-Bến xe buýt Chợ Lớn); 43 (Bến xe Miền Đông-phà Cát Lái); 65 (Bến Thành-Bến xe An Sương) đối với hành khách sử dụng xe buýt.
Khách lên xe buýt sử dụng thẻ ngân hàng, ví điện tử, Apple pay, Google pay... hoặc thiết bị thông minh chỉ cần "chạm" vào máy thanh toán tự động rồi cùng xe buýt lăn bánh. Điều này, không chỉ tạo thuận tiện tối đa cho người dùng mà còn góp phần vào việc giảm thiểu các giao dịch tiền mặt, hướng tới một cộng đồng xanh hơn và hiện đại hơn.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng chia sẻ: Thành phố đã thí điểm mô hình thanh toán tự động ở gần 40 tuyến xe buýt thông qua thẻ Unipass, QR code trên ứng dụng Zalo từ năm 2019.
Để tăng tính tiện lợi, hình thức thanh toán đã được cải tiến thêm, đánh dấu giai đoạn mới trong quá trình thí điểm khi người dân có thể dùng mọi phương thức thanh toán điện tử để đi các tuyến xe buýt nêu trên.
Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu khai thác 23 tuyến xe buýt có trợ giá qua đấu thầu
Dự kiến, trong tháng 6 hệ thống thanh toán này sẽ mở rộng ra ở một số tuyến buýt khác trên địa bàn thành phố.
Tuyến xe buýt số 43 sử dụng thẻ thanh toán EMV Open loop. |
“Trong kế hoạch đến năm 2025, toàn bộ hệ thống xe buýt ở thành phố sẽ áp dụng hệ thống thẻ vé thông minh. Đây là cơ sở để thành phố triển khai các chính sách giá vé liên thông, linh hoạt, giúp hành khách có thể dùng chung các hình thức thanh toán để sử dụng các loại hình vận tải hành khách công cộng khác nhau, như buýt, metro; đồng thời, giảm thiểu xe cá nhân…, qua đó, góp phần đẩy mạnh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Bằng nhấn mạnh.
Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố phối hợp các đơn vị liên quan thí điểm thanh toán tự động trên 38/90 tuyến xe buýt trợ giá (chiếm tỷ lệ 42,2% số tuyến xe buýt có trợ giá của hệ thống), hoàn toàn sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp, không sử dụng ngân sách Thành phố.