Nhớ lại những ngày gian khó khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc CDC Thái Bình chia sẻ: “Khi cả nước phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, Thái Bình là một trong số tỉnh về đích sớm các chiến dịch tiêm chủng và đã có hơn 4.365.000 mũi tiêm được thực hiện. Trong đó, 96% người trên 18 tuổi và 70% người từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm 3 mũi vaccine”.
Có thể nói, trong công tác phòng, chống dịch, cán bộ của CDC Thái Bình luôn là những “chiến sĩ” trực tiếp xông pha vào vùng dịch, sẵn sàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, không để dịch lây lan, bùng phát trong cộng đồng.
Hoàn thành xây dựng tòa nhà CDC Thái Bình vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng
Thực tế những năm qua cho thấy, công tác phòng dịch bệnh Covid-19 được triển khai kịp thời, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và triệt để; công tác khoanh vùng, cách ly, khống chế sự lây lan dịch bệnh mang lại hiệu quả tích cực, kiểm soát nhanh chóng được dịch bệnh.
CDC Thái Bình đưa xe lưu động tiêm vaccine phòng Covid-19 đến các nhà máy trên địa bàn tỉnh. |
Qua theo dõi, đối với bất kỳ dịch bệnh nào xảy ra trên địa bàn tỉnh, CDC Thái Bình đều đồng hành với tất cả các đơn vị trong ngành y tế, hỗ trợ xét nghiệm sàng lọc, điều trị theo tinh thần “4 tại chỗ”; hạn chế tối đa trong việc lây truyền, đầu tư mọi nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Công tác tiêm chủng mở rộng được duy trì hằng tháng, không bị gián đoạn bởi dịch bệnh, tỷ lệ tiêm chủng các mũi luôn đạt cao, việc triển khai tiêm vaccine phòng lao BCG được triển khai đều đặn ở 15 bệnh viện trong tỉnh. Các vaccine, vật tư tiêm chủng được tiếp nhận, bảo quản, cấp phát đúng quy định.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc CDC Thái Bình cho biết: đơn vị có hệ thống xét nghiệm hiện đại, với phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp II, đạt ISO 17025-2017, đạt ISO 15189-2012, có thể xét nghiệm và chẩn đoán kịp thời, chính xác kết quả hầu hết các mẫu bệnh phẩm các chủng cúm A, Ebola, Tay-Chân-Miệng, Rubella, Sốt xuất huyết, Sởi, định lượng được nồng độ virus (viêm gan, HPV, HIV...), các lĩnh vực hóa, an toàn thực phẩm, nước sạch môi trường và xét nghiệm khác. Điều này đã rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, tiết kiệm chi phí đáp ứng hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cán bộ CDC Thái Bình tiêm phòng bệnh bại liệt cho trẻ em tại xã Bình Thanh (huyện Kiến Xương). |
Ngày 22/2, CDC Thái Bình đã được Văn phòng công nhận chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao quyết định công nhận phòng xét nghiệm thuộc khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh-Thăm dò chức năng phù hợp theo tiêu chuẩn ISO 15189:2012 trong lĩnh vực Hóa sinh với mã số VILAS MED 192.
Đây là dấu ấn khẳng định sự phát triển mới trong hoạt động của CDC Thái Bình theo hướng chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động y tế hiện nay trên địa bàn.
Tuy nhiên, có thể thấy khám, chữa bệnh dự phòng mới là hoạt động mũi nhọn của CDC Thái Bình. Trong nhiều năm qua, Phòng khám đa khoa của đơn vị đã khẳng định được hiệu quả của mô hình tích hợp trong hoạt động y tế dự phòng và điều trị dự phòng.
Hiện tại, mỗi ngày nơi đây đón tiếp hơn 250 lượt khách hàng. Riêng năm 2023, phòng khám đã đón tiếp gần 39 nghìn lượt người đến khám, chữa bệnh, trong đó hơn 13 nghìn lượt người khám Bảo hiểm y tế, 26 nghìn lượt người khám dịch vụ.
Phòng khám triển khai đầy đủ các quy trình kỹ thuật; không có sai sót chuyên môn. Bên cạnh đó, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, tinh thần, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh; xây dựng đơn vị xanh, sạch, đẹp, không khói thuốc lá...
Cán bộ CDC Thái Bình xuống cơ sở điều tra dịch tễ, giám sát dịch bệnh. |
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, việc sáp nhập và thành lập CDC Thái Bình trong 5 năm qua mang lại những thay đổi tích cực trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của lĩnh vực dự phòng ở các tuyến.
Các cơ sở y tế các tuyến bắt nhịp, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chủ động, linh hoạt hơn, tránh chồng chéo và tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, nhân lực, chi phí so với trước.
Được sự quan tâm sát sao của Ủy ban nhân dân tỉnh, Tòa nhà CDC Thái Bình được đầu tư xây mới với kinh phí hơn 200 tỷ đồng đang chuẩn bị đưa vào sử dụng. Đây là niềm vui, là động lực lớn để tập thể cán bộ CDC Thái Bình tiếp tục nỗ lực sáng tạo, phát triển hiện đại, chuyên sâu, xứng đáng là đơn vị đứng đầu về lĩnh vực y tế dự phòng của tỉnh Thái Bình.