Bình yên dưới chân đỉnh núi Fansipan

Câu chuyện Bản Bo xưa

NDO - Xã miền núi Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là vùng đệm dưới chân của đỉnh núi Fansipan huyền thoại. Trong ký ức của người dân, nơi đây từng có một thời được xem là nhức nhối với những tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật. “Luồng gió mới” đã mang bình yên đến nơi đây khi có lực lượng công an chính quy về xã, nhân dân vững tin, quyết tâm xây dựng quê hương trở thành 1 trong 15 xã đầu tiên vinh dự được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Câu chuyện Bản Bo xưa

Ký ức “vụn” về xã Bản Bo

Hơn hai thập kỷ trước, nói đến Bản Bo là nói đến một xứ lạ hoắc của tỉnh Lai Châu, từ tỉnh lỵ về đến xã là cung đường cấp phối, đèo dốc quanh co dài tới 250km, một mặt giáp huyện Sa Pa, một mặt giáp huyện Than Uyên của tỉnh Lào Cai.

Chính vì vị trí “vùng khuất” giáp ranh, xa tỉnh, xa huyện, lực lượng chức năng bấy giờ biên chế mỏng, không đủ để dàn quân ra quản lý nên các loại tội phạm như: trộm cắp, ma túy, cờ bạc… ngang nhiên hoành hành.

Bà con nhân dân luôn sống trong tâm trạng bất an nhưng không dám tố giác. Cờ bạc lúc bấy giờ phổ biến, nhà ai có đám hiếu hay đám hỷ là giới “kỳ bẽo” không mời, không quen cũng đến lập sới râm ran, rồi họ mang bạt ra đồi chè ngồi sát phạt, cử người canh gác lớp lớp. Cũng có thể vì những điều này nên ngày ấy Bản Bo còn được ví như “xứ Hồng Kông”.

Câu chuyện Bản Bo xưa ảnh 1

Năm 2004, tỉnh Lai Châu (mới) được thành lập, thị trấn huyện Tam Đường chuyển về thị tứ Bình Lư (cũ) thì Bản Bo đã gần với trung tâm huyện và tỉnh hơn.

Tuy nhiên, đoạn đường từ trụ sở công an huyện xuống đến xã cũng phải mất 30 phút di chuyển bằng ô-tô, tội phạm có vẻ lắng xuống nhưng thực tế vẫn như những cơn sóng ngầm râm ran, âm ỉ. Công an huyện cũng chỉ bố trí được 1 đồng chí phụ trách xã, đội nghiệp vụ của huyện, của phòng cũng còn phải xử lý nhiều chuyên đề nên chưa thể dồn sức cho riêng địa bàn của xã Bản Bo.

Tình hình an ninh trật tự toàn tỉnh trong thời điểm đó chưa thể nói là hoàn toàn chủ động, cấp cơ sở nhiều xã có lúc “trống” vì cán bộ phụ trách đi học. Lực lượng nghiệp vụ ở Công an huyện còn mỏng nên không sâu sát, thường xuyên ở các địa bàn.

Năm đó, có một nhóm cờ bạc lộng hành, lôi kéo các con bạc bán thóc, bán trâu sát phạt, người dân bức xúc đã gửi đơn nặc danh lên Công an huyện tố cáo. Đội Cảnh sát hình sự huyện lập tức về phá án, bắt được 5 đối tượng, xử lý truy tố. Nhưng do là án đánh bạc nhẹ, sau khi các đối tượng ra tù lại tiếp tục hoạt động tinh vi hơn, đồng thời bắn tiếng đe doạ bà con nếu tố giác chúng; thành ra người dân trở nên cam chịu, “quen” với cảnh đối tượng nghiện í ới hẹn nhau đi hút hít, “quen” cảnh mất gia súc gia cầm, cảnh đám cờ bạc lập sới, chả dại gì mà đi tố nhỡ đâu “chưa được vạ má đã sưng”.

Mặt khác, do địa bàn rộng, diện tích gần 77 km2 dân số khoảng trên 4,6 nghìn người, có 8 dân tộc là Kinh, Thái, H'Mông, Dao, Giấy, Lào, Kháng và Lự chung sống. Mỗi dân tộc có một phong tục, tập quán nên người dân cũng ngại va chạm, cứ ai lo thân người nấy cho lành.

Cái sự ám thị “ngại dây với thằng nghiện” đeo đẳng người dân nơi đây qua nhiều năm. Cán bộ chính quyền cũng ngại không muốn xử lý các vụ việc liên quan đến người nghiện ma túy. Trường hợp phải giải quyết tranh chấp ruộng nương, nguồn nước, trâu bò ăn lúa... mà có liên quan đối tượng nghiện là cán bộ đùn đẩy nhau, rồi dần dà ỉm đi cho qua chuyện.

Cũng vì thế mà niềm tin của người dân với chính quyền cơ sở, với Ban Công an xã cứ vơi dần trong sự lặng im giả tạo. Nhiều người không chống đối nhưng cũng chẳng ủng hộ các quy định của địa phương. Tệ nạn rượu chè bê tha, cảnh nát rượu gây gổ đánh cãi nhau, hành hung vợ con… diễn ra triền miên. Đoàn kết, văn hóa ở thôn bản là thứ xa xỉ, hiếm gặp. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc rời rạc, hình thức. Các phong trào khác cũng vì thế mà suy yếu, tệ nạn được thể càng như lên ngôi.

Những dấu ấn khởi đầu khi Công an chính quy về xã

Năm 2011, tỉnh Lai Châu bắt đầu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi 93 xã (nay là 96 xã). Cả hệ thống chính trị vào cuộc, các cấp, các ngành phát động phong trào thi đua “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Công an tỉnh Lai Châu đã nhanh chóng rà soát những xã trọng điểm về an ninh trật tự để tăng cường lực lượng hỗ trợ giúp địa phương hoàn thành tiêu chí số 19. Kế hoạch tăng cường cơ sở của Công an tỉnh đã được lãnh đạo tỉnh Lai Châu cũng như Thường trực các huyện ủy đánh giá rất cao bởi vì các cấp, các ngành đều xác định: an ninh trật tự có ổn định thì kinh tế-xã hội mới có cơ hội phát triển.

Từ ngày có cán bộ chính quy tăng cường, Ban Công an xã (bán chuyên trách) như được tiếp thêm sinh khí và uy lực. Các đối tượng hình sự, ma túy co cụm không dám “nghênh ngang”, những “cao bồi thôn, du côn bản” không dám ra mặt vênh váo như trước.

Nhờ đó, tinh thần nhân dân được nâng lên, mọi người hồ hởi tin tưởng, đồng thuận ủng hộ và tích cực bắt tay vào xây dựng chương trình nông thôn mới.

Trong 3 năm từ 2012-2014, diện mạo xã Bản Bo đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, tình hình an ninh nông thôn và trật tự xã hội có những tiến triển tốt. Tháng 5/2015, xã Bản Bo là 1 trong 15 xã đầu tiên của tỉnh được vinh dự công nhận là xã nông thôn mới.

Câu chuyện Bản Bo xưa ảnh 2

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, giúp Bản Bo đạt “tiêu chí 19”, các cán bộ tăng cường được rút về để tiếp tục giúp cho địa bàn khác. Từ bài học ở các xã: San Thàng (thành phố Lai Châu); Bình Lư, Bản Bo (huyện Tam Đường), Mường Than, Mường Cang (huyện Than Uyên); xã Phúc Khoa, Nậm Cần (huyện Tân Uyên)... Bí thư Đảng ủy nhiều xã mạnh dạn đề xuất Bí thư huyện ủy, Trưởng Công an huyện, có vị “quyết liệt hơn” còn điện thoại thẳng với Giám đốc Công an tỉnh đề xuất “xin quân” tăng cường giúp xã.

Nỗ lực, tâm huyết cùng tập thể Đảng ủy, Chính quyền đã đưa Bản Bo trở thành xã nông thôn mới top đầu, Bí thư Nguyễn Xuân Hoàn phấn khởi lắm. Thời điểm đó, tôi đang công tác ở địa bàn huyện giáp ranh và có mối tâm giao với anh Hoàn từ trước nên mọi chuyện to, nhỏ anh đều chia sẻ. Mỗi lần ngồi đàm đạo về cây chè Kim Tuyên, Tuyết Shan anh tự tin, sôi nổi khẳng định: “Đây mới là cây giúp thoát nghèo, dân xã tôi chắc chắn sẽ giàu”.

Nhưng khi hỏi về tình hình an ninh trật tự của xã Bản Bo, nét mặt anh trở nên đăm chiêu, giọng chùng xuống: “Tôi cũng không dám chắc là tình hình an ninh trật tự có ổn định bền vững không. Tôi chưa thật an tâm khi anh em tăng cường rút về. Công an xã bán chuyên trách không thể cứng như chính quy, xã tôi tiềm ẩn nhiều phức tạp lắm”.

Sự lo lắng, phán đoán của anh Hoàn đã ngày càng thể hiện rõ trong những năm 2017-2019, Bản Bo có vẻ như đang quay trở lại với những phức tạp về an ninh trật tự. Bí thư xã lăn lộn xuống bản, có lúc vào cả vai công an, lúc vào vai cán bộ mặt trận, tổ hòa giải nhưng cũng chỉ phần nào gỡ được ít vụ tranh chấp, mâu thuẫn theo lời anh “là mấy vụ lụn vụn”. Còn tình trạng nghiện hút, bán lẻ ma túy, rồi nhóm “tay chơi cũ” được ra tù có biểu hiện lén lập sới bạc trên đồi chè, rồi trộm cắp vặt xảy ra thường xuyên thì cấp xã “bó tay”. Anh Hoàn trăn trở, tâm tư: “Tôi chưa nghĩ ra cách nào để an ninh trật tự ổn định, chắc chắn giai đoạn 2020-2025 trên sẽ chủ trương xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xã mình mà tụt hạng thì xấu hổ lắm, ông ạ! Tôi mong Bản Bo được Ban Giám đốc Công an tỉnh chọn thí điểm như ở huyện Tân Uyên, cử cán bộ công an chính quy đảm nhiệm công việc tại xã chứ không phải chỉ cử phụ trách”.

(Còn nữa)