Dự báo tăng trưởng cao nhất khoảng 6%
Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội quý III và chín tháng năm 2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, kinh tế vĩ mô tháng 9 và chín tháng cơ bản ổn định và tiếp tục duy trì chuyển biến tích cực.
Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước; ứng phó, thích ứng hiệu quả hơn với khó khăn, thách thức, bối cảnh, tình hình mới của thế giới và trong nước; tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện các mục tiêu, chủ trương, chính sách phát triển đất nước cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết khó khăn, thách thức đặt ra còn lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu nên tình hình khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn; tạo rủi ro, sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội...
Trên cơ sở kết quả chín tháng và dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới còn gặp nhiều khó khăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023 với mức tăng trưởng cả năm từ 5%-6%.
Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%).
Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%.
Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tưTheo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức, yêu cầu sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, đặc biệt là tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.
Nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, thách thức
Theo Tổng cục Thống kê, điểm tích cực của tình hình kinh tế Việt Nam chín tháng qua là tăng trưởng kinh tế quý III đã được cải thiện đáng kể và xu thế phục hồi cũng trở nên rõ nét hơn.
Hoạt động sản xuất công nghiệp đang dần được phục hồi, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã quay trở lại mức trên 50 trong tháng 8/2023 sau năm tháng giảm liên tiếp (dưới 50).
Theo nhận định của các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo, 67,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III so với quý II tốt hơn và 76,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV so với quý III sẽ tốt hơn.
Ngành dịch vụ đang từng bước phục hồi với điểm sáng là hoạt động du lịch phát triển cao điểm kể từ cuối tháng 4/2023 đã kích thích cầu tiêu dùng gia tăng.
Ngành dịch vụ đang từng bước phục hồi với điểm sáng là hoạt động du lịch phát triển cao điểm kể từ cuối tháng 4/2023 đã kích thích cầu tiêu dùng gia tăng; từ đó lan tỏa mạnh tới sản xuất của nhóm ngành dịch vụ khác như: vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí... là yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, Tổng cục Thống kê cũng nhận diện những khó khăn, thách thức có thể kìm hãm tăng trưởng những tháng cuối năm.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia, nền kinh tế phải đối mặt với tình trạng sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn.
Hoạt động xuất, nhập khẩu có khả năng chưa thể tăng do tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn do cơ hội phát triển thị trường, đơn hàng sụt giảm; chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu vẫn cao và có xu hướng gia tăng…
Đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi các nhà đầu tư chưa mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án đang hoạt động ở Việt Nam.
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ tiếp tục giữ ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, tạo niềm tin cho người đầu tư; phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa (hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như: giãn, hoãn, giảm thuế…); chính sách tiền tệ (cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn….
Đồng thời, sử dụng hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu nhằm ổn định sản xuất, kích thích tiêu dùng của người dân. Song song với giảm thuế, hoãn thuế, cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới; tận dụng tốt các FTA (Hiệp định thương mại tự do) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.
Để thúc đẩy tăng trưởng, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công-tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng…