Với diện tích đất có rừng hơn 14,86 triệu héc-ta, tỷ lệ che phủ đạt 42,02%, rừng Việt Nam là nơi cư trú của hơn 10.000 loài động vật, 12.000 loài thực vật bậc cao, trong đó có hơn 7.000 loài cây cho lâm sản ngoài gỗ. Các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và phúc lợi của con người thông qua các dịch vụ mà rừng cung cấp, như: gỗ, lâm sản ngoài gỗ, điều tiết nguồn nước, hấp thụ khí nhà kính, du lịch sinh thái...
Rừng còn là không gian sinh sống của khoảng 25 triệu người dân, trong đó chủ yếu là cộng đồng các dân tộc thiểu số với những nét văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc dân tộc. Đây là tiềm năng to lớn để phát triển các giá trị của hệ sinh thái rừng, trong đó có phúc lợi mà rừng mang lại.
Theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với vị trí địa lý và các yếu tố địa hình, khí hậu có sự khác biệt đã tạo ra các hệ sinh thái rừng rất phong phú cho Việt Nam. Nhưng hiện nay, các hoạt động khai thác du lịch sinh thái, phát huy các giá trị văn hóa bản địa của những cộng đồng sống gần rừng chưa phát huy hết tiềm năng cho nên phải có những điều tra, đánh giá, đồng thời phối hợp các đơn vị xây dựng các chương trình truyền thông, quảng bá cho rừng, nhất là các vườn quốc gia, có thể xây dựng mô hình cấp “hộ chiếu rừng”. Theo đó, mỗi du khách đến với rừng sẽ được ghi dấu như một hành trình khám phá thiên nhiên, cùng nhau chung tay xây dựng và bảo vệ rừng bền vững.
Mới đây, ngành lâm nghiệp đã tổ chức diễn đàn “Hợp tác công-tư trong việc phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng” và “Khởi động sáng kiến Hộ chiếu vườn quốc gia”. Đây là những sáng kiến hay, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển kinh tế rừng.
Việt Nam có tiềm năng phong phú, đa dạng về các giá trị hệ sinh thái rừng. Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đã thúc đẩy chủ trương xã hội hóa nghề rừng bằng nhiều cơ chế, chính sách. Nhằm cụ thể hóa các nội dung, quan điểm phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành lâm nghiệp đã và đang có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.
[Ảnh] Đắm mình giữa “rừng bướm” cổ tích Cúc Phương
Một trong những “cú huých” đó là thỏa thuận hợp tác ký kết giữa Cục Lâm nghiệp và Suntory PepsiCo Việt Nam. Đây là một trong những đối tác sớm nhất hợp tác chiến lược với ngành lâm nghiệp trong lĩnh vực phát triển rừng bền vững hướng đến bảo tồn nguồn nước và trung hòa các-bon.
Các lĩnh vực hợp tác chính của thỏa thuận gồm trồng rừng gắn với cải thiện sinh kế cho người dân, hướng đến mục tiêu tăng khả năng hấp thụ và trung hòa các-bon, bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn nước, thông qua các hoạt động trồng rừng, cải tạo, làm giàu rừng tự nhiên, phục hồi hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên bằng các loài cây bản địa, cây gỗ lớn, gắn với cải thiện sinh kế cho người dân.
Một trong những điểm nhấn của các hoạt động hợp tác là thí điểm thực hiện “Hộ chiếu vườn quốc gia”, nhằm khuyến khích người dân, du khách tăng cường khám phá, trải nghiệm rừng và nuôi dưỡng ý thức bảo vệ và phát triển rừng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển giá trị đa dụng của rừng.
Cục trưởng Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, ngành lâm nghiệp đang đặt mục tiêu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững,... bảo đảm sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp. Chính vì vậy, vai trò của cả khu vực công và tư nhân là vô cùng quan trọng. Với sự hợp tác với các đối tác, sẽ trồng mới và làm giàu cho hàng trăm héc-ta rừng, nhất là tại khu vực rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ trên khắp cả nước. Rừng sẽ được trồng cây gỗ lớn, cây bản địa kết hợp với nhiều cây lâm sản, dược liệu gắn với cải thiện sinh kế người dân.
Đối với “Hộ chiếu vườn quốc gia”, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam triển khai sáng kiến này, với mục tiêu tạo cơ chế thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Trong giai đoạn đầu, “Hộ chiếu vườn quốc gia” được áp dụng tại 34 vườn quốc gia thuộc hệ thống rừng đặc dụng có hoạt động du lịch. Khách du lịch trong nước và quốc tế có thể sở hữu “hộ chiếu” bằng hình thức bản giấy hoặc hộ chiếu điện tử.
Du khách sở hữu hộ chiếu cũng sẽ có cơ hội nhận được các ưu đãi, giải thưởng khi đặt chân đến các vườn quốc gia và đáp ứng đủ các điều kiện theo yêu cầu. “Hộ chiếu vườn quốc gia” sẽ tạo động lực cho du khách trải nghiệm và khám phá các giá trị của hệ sinh thái rừng, qua đó từng bước hình thành cơ chế tài chính bền vững và tạo đà cho các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên có cơ sở hạ tầng du lịch tăng lượt du khách đến tham quan, đồng thời thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến các giá trị bền vững của hệ sinh thái...