Sản phụ Nguyễn T.L, 35 tuổi nhập viện sinh con lần 4, thai IVF 36 tuần 4 ngày với tiền sử 3 lần đẻ mổ. Dự báo đây là 1 ca nhiều nguy cơ tiềm ẩn nên các bác sĩ, kỹ thuật viên khoa Gây mê hồi sức tự nguyện đã tập trung chuẩn bị sẵn sàng.
Trước khi mổ lấy thai, sản phụ có sức khỏe và các dấu hiệu sinh tồn hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khi Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Đính- Trưởng khoa D5 vừa mổ đón bé trai chào đời thì sản phụ đột ngột ngừng tim, co giật, mất ý thức.
Ngay lập tức, ê-kíp các bác sĩ gây mê hồi sức gồm Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lam; Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Cường và Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Lương Thị Ngọc Vân tập trung ép tim, cấp cứu đặt nội khí quản, thở máy, làm ngay huyết áp động mạch xâm lấn, đặt huyết áp tĩnh mạch trung tâm bằng catheter 3 nòng, hội chẩn Ban Giám đốc để xử trí sản khoa.
Đồng thời, ê-kíp cũng lấy máu xét nghiệm lấy máu tĩnh mạch trung tâm để tìm tế bào ối, làm xét nghiệm đông máu thì cho kết quả bệnh nhân rối loạn đông máu rất nặng dù bệnh nhân không mất máu nhiều.
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Mai Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện ngay tức khắc có mặt tại phòng mổ để trực tiếp chỉ đạo.
Sau khi cấp cứu ép tim 5 phút, tim sản phụ đã đập lại. Bệnh viện mời hội chẩn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Kính– Phó chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Giáo sư Kính trực tiếp đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chỉ đạo khám và hội chẩn bệnh nhân. Giáo sư đề nghị siêu âm tim ngay trên bàn mổ đưa ra chỉ định điều trị và nghĩ tới hướng bệnh nhân bị thuyên tắc mạch ối.
Bệnh nhân sau khi cắt tử cung bán phần để cầm máu cộng với sự nỗ lực hồi sức tích cực cho bệnh nhân từ các bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện, có những lúc phải dùng đến các loại thuốc vận mạch liều cao và truyền 6,4 lít máu, các chế phẩm máu thì dần dần các thông số của bệnh nhân trở lại ổn định.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lam – Trưởng khoa Gây mê hồi sức tự nguyện, sau khi được hồi sức tim phổi thành công, huyết áp của sản phụ vẫn còn rất thấp, phải duy trì thuốc vận mạch liều cao và băng huyết sau sinh do rối loạn đông máu.
Sau 3 tiếng dốc hết sức để cấp cứu người bệnh tạm thời ổn định. Hai tiếng sau khi phẫu thuật kết thúc, mạch, huyết áp của bệnh nhân ổn định, Bệnh viện đã liên hệ chuyển bệnh nhân đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Một ngày sau bệnh nhân đã được rút nội khí quản và tỉnh táo hoàn toàn, mạch huyết áp ổn định.
Sau 2 ngày, bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Tim mạch để kiểm tra thêm.
Trong 10 ngày liên tiếp, các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản đã cấp cứu thành công, cứu sống 2 sản phụ nghi thuyên tắc mạch ối.