Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy 14.368 con. Tính từ thời điểm xảy ra bệnh dịch đến nay, chưa có ổ bệnh dịch nào khác phát sinh tại các địa phương nêu trên qua 30 ngày. Ðể dịch không lây lan ra diện rộng, Bộ NN và PTNT tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách theo Chỉ thị số 04/CT-TTg (ngày 20-2-2019) của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, hướng dẫn các địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP…
★ Ngày 12-3, Ðoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng, chống bệnh DTLCP tại huyện Ba Vì. Qua kiểm tra thực tế, đoàn đề nghị huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền "năm không" (không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển động vật bệnh chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt động vật bệnh chết; không vứt động vật chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa khi chưa qua xử lý) và "bốn tại chỗ" để phòng, chống dịch hiệu quả.
★ Rạng sáng 12-3, Ðoàn kiểm tra liên ngành của Ban Quản lý an toàn thực phẩm và Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra đột xuất việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại một số cơ sở giết mổ lợn trên địa bàn. Mặc dù chưa xuất hiện DTLCP, song các lực lượng chức năng đã gia tăng các điểm chốt chặn tại các cửa ngõ vào thành phố, nhằm kiểm soát được nguồn thịt lợn về địa bàn theo đường không chính thống, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm.
★ Ngày 12-3, UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định thành lập tám chốt kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa phương, trên quốc lộ 1B, Vũ Lễ (Bắc Sơn); quốc lộ 31, Lâm Ca (Ðình Lập); quốc lộ 4B, Bắc Lãng (Ðình Lập); quốc lộ 279, Quan Sơn (Chi Lăng); tỉnh lộ 243, Quyết Thắng, tỉnh lộ 242, Thiện Kỵ (Hữu Lũng)... tổ chức phun tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển theo quy định hiện hành.
★ Tỉnh Sơn La lập các chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời tại bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi và bản Bãi Ðu, xã Tân Lang, huyện Phù Yên... Lực lượng chức năng kiểm tra việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn, xử lý theo pháp luật đối với các trường hợp không chấp hành quy định về kiểm dịch động vật, mang mầm bệnh hoặc không bảo đảm vệ sinh thú y; khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển, hướng dẫn, giám sát việc xử lý tiêu hủy khi phát hiện lợn mắc bệnh và các sản phẩm từ lợn bị mắc bệnh.
★ Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, đến chiều tối ngày 11-3 đã có 13 xã, thị trấn, thuộc sáu huyện trong tỉnh xuất hiện DTLCP. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 620 con lợn bị bệnh.
★ Ngày 12-3, UBND huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) cho biết, vừa phát hiện lợn tại một hộ chăn nuôi ở thôn Yên Lộ, xã Thiệu Vũ bị ốm, chết với các triệu chứng điển hình của bệnh DTLCP. Cùng với việc lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm, lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ 19 con lợn.
★ Ngày 11-3, UBND thành phố Ðà Nẵng ban hành Văn bản số 1447/UBND-KT về phối hợp phòng, chống bệnh DTLCP. Theo đó, lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông kết hợp tuần tra, kiểm tra về giao thông để xử lý việc vận chuyển lợn không có xuất xứ, nguồn gốc, không bảo đảm quy định của pháp luật. Thực hiện kiểm dịch động vật khi vận chuyển động vật để nhập, quá cảnh qua địa bàn thành phố đúng quy định, nhất là tại hai Trạm kiểm dịch Kim Liên và Hòa Phước; xử lý nghiêm trường hợp vượt trạm theo quy định của pháp luật.
★ Sáng 12-3, UBND các xã N’Thol Hạ (huyện Ðức Trọng) và Gia Lâm (huyện Lâm Hà) tỉnh Lâm Ðồng tiếp tục tiêu hủy hàng chục con lợn chết do người dân vứt xuống suối Ða Me. Trước đó, vào đêm ngày 10-3, người dân chung quanh khu vực cống Nam Ban bắc qua suối Ða Me (đoạn qua thôn Ðoàn Kết, giáp ranh giữa hai xã N’Thol Hạ và Gia Lâm) phát hiện lái xe tải chở xác lợn, đổ xuống suối. Ngay sau khi nhận tin báo, chính quyền hai xã đã thu gom khoảng 50 xác lợn bị bệnh lở mồm long móng (LMLM), tiêu hủy bằng phương pháp đốt.
★ Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum, đến ngày 12-3, toàn tỉnh có bốn ổ dịch bệnh LMLM trên đàn gia súc tại 27 xã, phường thị trấn của các huyện Ðác Hà, Ðác Tô, Ðác Glei và TP Kon Tum. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 3.218 con lợn. Hiện dịch bệnh cơ bản được khống chế.
★ Ngày 12-3, Chi cục Kiểm lâm Ðồng Nai cho biết, tại các huyện Tân Phú và Thống Nhất, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo từ cấp III đến cấp IV, trong khi 10 huyện, thị xã, thành phố còn lại nguy cơ cháy rừng ở mức cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Ðể chủ động phòng cháy chữa cháy, các đơn vị, chủ rừng và lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra rừng; tổ chức trực liên tục 24 giờ trong ngày tại các chòi quan sát rừng từ trên cao để sớm phát hiện, nếu xảy ra cháy rừng; diễn tập các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý tình huống cấp bách...
★ Tỉnh Cà Mau có khoảng 33.000 ha đất rừng tràm trong tổng số khoảng 43.000 ha đất lâm phần rừng U Minh hạ đang bị khô hạn, nguy cơ cháy cao, trong đó, dự báo cháy cấp II gần 22.000 ha, cấp III hơn 10.000 ha và cấp IV là 700 ha. Ngành chức năng địa phương tiếp tục tăng cường và duy trì các phương án phòng cháy, chữa cháy, kết hợp với người dân trực 24 giờ trong ngày, bảo đảm chữa cháy hiệu quả.
Phát hiện vụ phá rừng tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng Ngày 12-3, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, cuối tháng 2 vừa qua, qua kiểm tra, lực lượng chức năng của Vườn đã phát hiện tại tiểu khu 649 và 650 (thuộc xã Thượng Trạch) có 66 cây gỗ bị khai thác trái phép, với tổng khối lượng 70 m3, trong đó có 45 cây gỗ mun - nhóm IIA. Khu vực bị khai thác trái phép chủ yếu nằm dọc theo tuyến đường ra biên giới đang được đầu tư xây dựng và do Đồn Biên phòng Cồn Roàng quản lý. Hiện, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã lập biên bản, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án phá rừng nghiêm trọng này. PV |