Một nội dung đáng chú ý trong hội nghị là, có 4/18 chỉ tiêu phát triển năm 2024 gồm, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn; tổng sản phẩm bình quân đầu người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tỷ lệ che phủ rừng khó hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Báo cáo nhiệm vụ công tác 9 tháng của Tỉnh ủy Cao Bằng đề cập nhiều nội dung, kết quả quan trọng. Tổng thu ngân sách đến ngày 30/9 được 1.918 tỷ đồng, bằng 108% dự toán Trung ương giao, bằng 133% so với cùng kỳ năm 2023.
Tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn đạt hơn 734 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 103% so với kế hoạch.
Trong 9 tháng, lượng khách du lịch đến địa phương tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; quốc phòng-an ninh được giữ vững.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng
Trong tháng 9, thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất gây ra rất nhiều thiệt hại tại địa phương; cả hệ thống chính trị tỉnh Cao Bằng và nhân dân đang tích cực, nỗ lực, cùng sự hỗ trợ của các địa phương, tổ chức, cá nhân trong cả nước khắc phục hậu quả thiên tai.
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Hoàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cao Bằng chia sẻ, thời gian qua, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục khó khăn, quyết liệt triển khai các nội dung, nhiệm vụ về thu ngân sách, giải phóng mặt bằng, trật tự xây dựng đô thị, giải ngân vốn đầu tư công tạo chuyển biến tích cực.
Trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, đã tạo đột phá, chuyển biến trong giải phóng mặt bằng thực hiện một số dự án lớn. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả nhiệm vụ giải phóng mặt bằng tại địa bàn, địa phương đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, các sở, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục về các chính sách liên quan bồi thường, tái định cư.
Quang cảnh hội nghị. |
Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc Lã Hoài Nam chia sẻ, là huyện vùng sâu vùng xa, cách xa các trung tâm lớn, gây trở ngại phát triển kinh tế-xã hội. Địa phương đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư 2 tuyến giao thông, nối Quốc lộ 34 thuộc địa phận xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc với Tỉnh lộ 215 thuộc xã Bằng Thành, tỉnh Bắc Kạn, giúp rút ngắn tuyến đường từ huyện Bảo Lạc đến Thủ đô Hà Nội còn 300km; đầu tư tuyến đường nối xã Hồng An, huyện Bảo Lạc, với xã Ngọc Động, huyện Hà Quảng, giúp rút ngắn tuyến đường từ huyện Bảo Lạc ra thành phố Cao Bằng.
Các ý kiến tại hội nghị cũng thảo luận nguyên nhân dẫn đến việc 4/18 chỉ tiêu phát triển năm 2024 gồm, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn; tổng sản phẩm bình quân đầu người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tỷ lệ che phủ rừng khó đạt theo kế hoạch đề ra.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế-xã hội địa phương vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn thách thức.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đạt thấp so kế hoạch đề ra. Đặc biệt, còn một số hạn chế cần tập trung khắc phục là lề lối, tác phong, phương pháp; chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện nhiệm của một số ngành, địa phương; tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo có biểu hiện trì trệ, tắc trách. Một số nhiệm vụ được giao chưa hoàn thành.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của địa phương còn chậm; tiến độ thực hiện các dự án, nhiệm vụ thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại một số địa bàn còn chậm. Nhiệm vụ cải cách hành chính, khắc phục hạn chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh chưa tạo được đột phá, công tác thu hút đầu tư còn gặp khó khăn.
Phê bình các đơn vị, địa phương có chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt thấp so với kế hoạch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, nhất là người đứng đầu địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt, nêu gương, xử lý, khắc phục tâm lý, tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai" trong 1 bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương.
Các đơn vị, địa phương tiếp tục cụ thể hóa chương trình, nhiệm vụ công tác thành kế hoạch chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể, sâu sát cơ sở, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh tại địa phương.
Cả hệ thống chính trị địa phương cần quyết liệt, quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng năm 2024 và các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng khóa 19, nhiệm kỳ 2020-2025.
Các cấp, các ngành, địa phương liên quan đồng bộ, khẩn trương, hiệu quả thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định, phục hồi đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai tại địa phương.