Chị Thu Trang, quận Nam Từ Liêm cho biết: “Đợt vừa rồi, tôi thấy quảng cáo dầu gội đầu của một thương hiệu nổi tiếng trên mạng Zalo... Thấy giá rẻ hơn thị trường, tôi tò mò đặt mua về dùng thử. Tuy nhiên, ngay lần đầu dùng, tóc đã bị xơ cứng và chất lượng không giống hàng chính hãng. Tôi bỏ không dùng vì sợ tiền mất, tật mang”.
Tương tự, chị Thu Huyền ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Hàng hóa mỹ phẩm giờ bị làm giả rất tinh vi, không biết đâu mà lần, mua về dùng thấy không có công dụng mới biết mình mua phải hàng giả. Như chai nước hoa chính hãng có giá 5-6 triệu đồng, nhưng bày bán tràn lan trên mạng chỉ với vài trăm nghìn đồng. Trước khi mua, chị em cần tìm hiểu, lựa chỗ bán hàng uy tín, chất lượng, tránh mua lầm hàng giả, kém chất lượng”.
Ngày 9/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 22 phối hợp Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm kiểm tra đột xuất 5 gian hàng kinh doanh tại khu vực đường Nguyễn Đình Tứ, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 50.000 sản phẩm với tổng khối lượng hơn 20 tấn hàng hóa, bao gồm mỹ phẩm, dầu gội, kem đánh răng trẻ em... do nước ngoài sản xuất, đều có dấu hiệu hết hạn sử dụng.
Đáng chú ý, qua kiểm tra sơ bộ, lực lượng chức năng xác định tất cả các sản phẩm mỹ phẩm và kem đánh răng trẻ em tại cơ sở này đều có dấu hiệu bị tẩy date (ngày sản xuất) cũ và in, dập date mới với hạn sử dụng cộng thêm vài năm.
Mỹ phẩm giả tràn làn trên sàn thương mại điện tử
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh không thể xuất trình được bất kỳ hóa đơn chứng từ nào chứng minh nguồn gốc số hàng hóa trên. Liên quan vấn đề kiểm soát an toàn mỹ phẩm, tính từ đầu năm 2024, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng đã liên tục ban hành công văn thu hồi mỹ phẩm kém chất lượng của các công ty mỹ phẩm, dược phẩm.
Nguyên nhân thu hồi chủ yếu do mỹ phẩm không đáp ứng được chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật, chứa thành phần không có trong hồ sơ công bố, vi phạm giới hạn kim loại nặng…
Lực lượng chức năng TP Hà nội, phát hiện và thu giữ khoảng 20 tấn mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, có dấu hiệu hết hạn sử dụng tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh: QUYỀN LƯU) |
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỹ phẩm là sản phẩm thường được sử dụng trực tiếp trên da, do vậy, nếu chất lượng kém sẽ gây tác hại rất lớn cho cơ thể người dùng. Thậm chí, kể cả khi sử dụng những sản phẩm tốt, chính hãng, người dùng vẫn có thể bị dị ứng do sản phẩm không phù hợp cơ địa. Còn đối với những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng hay hàng giả, hàng nhái thì hậu quả càng nguy hiểm hơn nhiều, có thể gây nổi ban đỏ, mụn, làm thoái hóa da... Việc chữa trị sẽ rất tốn kém và cần thời gian lâu dài.
Vừa qua, Sở Y tế thành phố Hà Nội đã có Văn bản 3313/SYT-NVD gửi các phòng, ban, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội, phòng y tế các quận, huyện, thị xã yêu cầu tăng cường quản lý mỹ phẩm.
Trước đó, ngày 9/7/2024, Bộ Y tế đã có Văn bản số 3873/BYT-VPB về vấn đề này. Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý Dược, Thanh tra Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc thủ tục hành chính về cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm bảo đảm tiến độ về thời gian, không gây phiền hà cho các doanh nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm mỹ phẩm, tập trung về vấn đề nguồn gốc xuất xứ, thông tin quảng cáo…