Mỹ phẩm giả tràn làn trên sàn thương mại điện tử

Hàng giả, hàng nhái trôi nổi không còn là vấn đề quá mới với người tiêu dùng, đặc biệt khi xu hướng mua sắm trực tuyến được ưa chuộng như hiện nay. Tuy nhiên, con đường tiêu thụ mỹ phẩm giả đang ngày một dễ dàng khi thủ đoạn tuồn hàng giả vào thị trường này ngày càng tinh vi.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng cần cẩn trọng với các loại mỹ phẩm được quảng cáo trên thị trường. Ảnh SONG ANH
Người tiêu dùng cần cẩn trọng với các loại mỹ phẩm được quảng cáo trên thị trường. Ảnh SONG ANH

Thật giả lẫn lộn

Lợi dụng sự tiện lợi bằng mua sắm trực tuyến, mỹ phẩm giả đang len lỏi vào giỏ hàng của mỗi người tiêu dùng qua các ứng dụng mua bán, mạng xã hội mà nhiều người không thể nhận ra. Từ những hãng mỹ phẩm bình dân vài chục nghìn đến những sản phẩm cao cấp trị giá hàng triệu đồng đều có thể bị làm giả, trộn lẫn với hàng thật để dễ dàng tiêu thụ. Càng với những hãng mỹ phẩm giá trị thương hiệu cao, hàng giả lại dễ được trộn lẫn để đánh lừa người tiêu dùng, bởi nhẽ với nhiều người còn chưa được trải nghiệm sản phẩm thật để có sự so sánh.

Bạn Lê Khánh Huyền (21 tuổi, sinh viên đang học tập tại Hà Nội) phải mất 2 tháng dành dụm tiền làm thêm mới có thể mua được loại kem nền yêu thích. Nhưng dùng được nửa lọ, Huyền mới biết mình đã mua phải hàng giả với giá hàng thật. “Không phải bản thân sính đồ hiệu, nhưng với mỹ phẩm mình cũng muốn đầu tư một chút để không tổn hại đến sức khỏe, nhất là với những sản phẩm mình sử dụng hằng ngày. Sản phẩm giả họ làm rất tinh vi, hàng thật mình lại chưa sử dụng để khó có thể nhận biết đâu là giả-thật”, Khánh Huyền chia sẻ.

Được biết, trước khi “xuống tiền” mua, Huyền đã xem nhiều video trải nghiệm, đọc bình luận của người dùng trước, xem cách phân biệt thật giả, thế nhưng với công nghệ hiện đại, gian thương đã qua mắt người dùng. Thay vì lộ liễu bán hàng giả như trước đây, nhiều gian thương đã trộn lẫn số ít hàng thật vào số lượng lớn hàng giả hòng đánh lừa những người thiếu trải nghiệm mà vẫn giữ chân được khách hàng quen. Những sản phẩm “mượn” thương hiệu này có thể được nhập qua đường buôn lậu hoặc gia công trực tiếp trong nước rồi trộn lẫn với sản phẩm thật nhằm tăng giá trị lợi nhuận cho người bán.

Thêm khó cho doanh nghiệp

Chiêu trò trộn lẫn hàng giả, hàng thật này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây xáo trộn thị trường, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Người tiêu dùng chịu thiệt hại nặng nề nhất khi mua phải hàng giả, hàng nhái. Không chỉ mất tiền oan mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm hơn là tính mạng do sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn. Cùng với đó, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng về uy tín và doanh thu khi sản phẩm thuộc sở hữu trí tuệ của họ bị làm giả và bán tràn lan trên thị trường. Việc mua phải hàng giả sẽ khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào thương hiệu và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Vừa khó khăn với việc xây dựng và phát triển sản phẩm, doanh nghiệp còn phải đương đầu với nạn hàng giả, hàng nhái trộn lẫn.

Theo thống kê của lực lượng quản lý thị trường cả nước, trong giai đoạn từ ngày 15/12/2023 đến 14/4/2024, đã có 15.562 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu được phát hiện và xử lý, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 171 tỷ đồng, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hơn 117 tỷ đồng.

Song song công tác tăng cường kiểm tra, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng và chống gian lận thương mại của lực lượng chức năng, người mua hàng cũng cần nâng cao cảnh giác, mua sắm tại các cửa hàng uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh vô tình tiếp tay cho đường đi của hàng giả.

Đối với ngành mỹ phẩm nói riêng, hàng giả dễ dàng được trộn lẫn vào giỏ hàng của người mua thông qua các dạng như kit, vial, mini size… mà người bán quảng cáo là hàng tặng kèm hay hàng dùng thử.