Phóng viên: Lý do nào thúc giục chị thành lập nhóm sinh hoạt dành cho các bạn nhỏ mang tên Cánh Diều? Và tại sao lại là Cánh Diều?
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương: Đây là ý tưởng của tôi và Nguyễn Quỳnh Mai - người bạn thân từ thời trung học cơ sở. Chúng tôi cùng lập gia đình, lập nghiệp và có con cái đều sinh trưởng bên Pháp.
Chúng tôi ý thức rằng tiếng “mẹ đẻ” của các con là tiếng Pháp, các con sẽ là những công dân Pháp, nên việc duy trì tiếng Việt và giúp các con hiểu văn hóa Việt là việc cần thiết khi các cháu còn nhỏ.
Khởi điểm, Mai và tôi chỉ mong muốn mở ra một không gian vui chơi và học tiếng Việt cho chính con cái mình và con cái những người bạn thân thiết. Chúng tôi chọn cái tên “Cánh Diều” vì mong ước rằng các con sẽ là cánh diều, bay cao bay xa, nhưng vẫn có một sợi dây dưới đất níu các con lại, đó chính là nguồn cội, là tiếng Việt và văn hóa Việt.
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương. |
Phóng viên: Tôi rất tâm đắc chia sẻ của chị đó là muốn thiết lập một không gian để trẻ được thực hành tiếng Việt. Tuy nhiên trong môi trường sinh sống, học tập ở nước ngoài, để làm được điều này không hề dễ dàng. Quá trình triển khai các hoạt động của Cánh Diều chị có nhận được sự hỗ trợ nào từ các tổ chức, cá nhân nào không?
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương: Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ đầu tiên và quý giá nhất, đó là sự ủng hộ của những người bạn, họ sẵn sàng đưa con đến lớp Cánh Diều ngay từ những ngày đầu tiên, và họ cũng “trung thành” theo chúng tôi đến tận ngày hôm nay, tức là sau 9 năm (Cánh Diều thành lập tháng 1/2014).
Trong từng đấy năm, chúng tôi luôn được cho mượn phòng ốc mà không phải đi thuê, vì Paris rất đắt đỏ, ban đầu là Công ty Officience, hiện nay là Hội người Việt Nam tại Pháp. Từng đấy năm bền bỉ hoạt động, đó còn là công sức của tất cả các phụ huynh, chung tay đóng góp và điều hành Cánh Diều. Mỗi một cặp phụ huynh đảm nhận một phần công việc, có những phụ huynh cũng là giáo viên luôn, như thầy Hoàng Phương, làm nghề kiến trúc sư, dạy vẽ, cô Quỳnh Mai, cô Phong Lan, giáo viên mầm non và tiểu học tại Pháp, cũng là cô giáo dạy tiếng Việt.
Điều đặc biệt và tự hào nhất của chúng tôi là cô giáo dạy múa - chị Hồng Yến từng dạy múa và dựng các vở múa cho chúng tôi khi chúng tôi còn là sinh viên mới đặt chân sang đất Pháp. Giờ chị đồng hành cùng Cánh Diều và tiếp tục dạy múa cho con cái chúng tôi!
Một buổi học của nhóm Cánh Diều. |
Phóng viên: Là một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu giáo dục và văn hóa nên quyết tâm của chị “không để mất tiếng Việt và văn hóa Việt”, giữ gìn cho thế hệ các bạn nhỏ sinh ra và lớn lên tại Pháp vẫn duy trì và giữ được tiếng Việt, văn hóa Việt. Tuy nhiên, cùng lúc phải tiếp xúc, thực hành văn hóa nước bản địa và thực hành văn hóa Việt có khiến trẻ em bị quá tải?
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương: Chúng tôi rất ý thức về điều này nên chỉ tổ chức lớp 1 tháng 2 lần vào chủ nhật. Quỳnh Mai và tôi cũng chia sẻ quan điểm với các phụ huynh rằng việc học tiếng Việt không nên là ép buộc với các con, không nên áp đặt ý chí của cha mẹ lên các con. Và chúng tôi luôn chứng kiến khi các bé lên trung học cơ sở tại Pháp thì đều dừng việc học-chơi ở Cánh Diều. Quá trình xã hội hóa của các cháu cao, nhu cầu giao tiếp lớn, không gian Cánh Diều trở nên nhỏ bé, các cháu muốn bay đi, thế là quy luật! Nhưng những gì các cháu tiếp nhận được ở Cánh Diều sẽ ở lại trong các cháu, đó là tình thương, không khí vui chơi-vui nhộn, các đặc trưng văn hóa Việt, thậm chí sinh hoạt ăn uống nhân dịp lễ, Tết, sinh nhật…
Thành viên nhóm Cánh Diều biểu diễn văn nghệ. |
Phóng viên: Quan sát hoạt động của một số mô hình câu lạc bộ cho trẻ em người Việt ở nước ngoài tôi thấy việc dạy chữ hiện đang được chú trọng nhiều hơn. Vậy tại sao trong hoạt động của Cánh Diều chị chọn mở lớp học võ, múa, vẽ, đánh đàn dân tộc?
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương: Quỳnh Mai và tôi luôn giữ vững một tiêu chí, đó là tiếng Việt là công cụ giao tiếp và Cánh Diều là không gian văn hóa, nên việc dạy chữ không theo quy chuẩn như ở trường học, mà do cô Quỳnh Mai dựng chương trình và giáo án, học luôn gắn liền với chơi. Võ, múa, vẽ, đàn là những biểu hiện sinh động của văn hóa, trẻ em cần được tương tác với những loại hình vận động và nghệ thuật đó để thẩm thấu ngôn ngữ và văn hóa một cách tự nhiên nhất.
Hiện nay, chúng tôi đang có một nhu cầu lớn hơn, đó là kết nối với các phụ huynh và trẻ em ở Việt Nam. Hè 2022, Cánh Diều đã làm được 2 việc hết sức ý nghĩa ở Hà Nội, đó là đi tham quan Văn Miếu và các bảo tàng Lịch sử và Mỹ thuật theo tour văn hóa do Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) tổ chức và có chuyến trải nghiệm văn hóa ở Làng Quan họ Bắc Ninh với CLB Đọc sách cùng con.
Chúng tôi mong muốn, trong những năm tới có thể đến những vùng miền, thành phố khác của Việt Nam. Văn hóa Việt phải trở nên sống động và năng động như vậy trong quan sát và cảm nhận của những đứa trẻ Việt-Pháp như con cái của chúng tôi!
Thực hành tiếng Việt bằng các trò chơi. |
Phóng viên: Việc tạo lập không gian, môi trường giúp trẻ thực hành tiếng Việt và văn hóa Việt là hết sức quan trọng. Tuy nhiên không thể không nhắc đến vai trò số một của môi trường tại chính mỗi gia đình người Việt ở nước ngoài. Theo chị, các bố mẹ cần làm gì để các con không bị phai nhạt gốc rễ, cội nguồn dân tộc mình?
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương: Thường xuyên nói tiếng Việt ở nhà, giữ liên lạc, gọi điện cho những người thân ở Việt Nam như ông bà, anh chị em họ, bạn bè để thăm hỏi. Mối liên hệ tình cảm (le lien affectif) cũng là một trong những điều kiện để học, nói tốt tiếng Việt. Rất có thể một người anh chị em họ đồng trang lứa lại là “thầy dạy” tiếng Việt tốt nhất cho con mình!
Phóng viên: Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ! Chúc Cánh Diều tiếp tục có nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa trong thời gian tới.
Nguyễn Thụy Phương nhận bằng Tiến sĩ Giáo dục học (Đại học Paris Descartes năm 2013). Chị vừa tiến hành nghiên cứu chuyên ngành giải thực dân văn hóa và lịch sử giáo dục thuộc địa và hậu thuộc địa, vừa là chuyên gia tư vấn, thẩm định và hợp tác các dự án trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Pháp và Việt Nam.
Năm 2022, hai cuốn sách “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa” và “Trường Pháp ở Việt Nam 1945-1975” do chị thực hiện đã vinh dự nhận giải Sách Hay 2022 ở hạng ở hạng mục Phát hiện mới.
Sau 8 năm hoạt động, hoạt động của Cánh Diều có những điều chỉnh cho phù hợp hơn trong đó điều chỉnh lớn nhất là việc dạy tiếng Việt. Tôi nghiên cứu chương trình dạy tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Việt Nam), đọc các cuốn sách dạy tiếng cho trẻ Việt sống ở ngoại quốc, rồi kết hợp phương pháp dạy học của Pháp vì tôi đang là giáo viên tiểu học ở đây. Nghĩa là tôi lấy nội dung từ Việt Nam và lồng vào phương pháp dạy-học của Pháp, vì ở Pháp, giáo viên được chủ động dựng nội dung dạy, không buộc phải theo một giáo trình. Ngoài ra, tôi cũng đưa nhiều trò chơi (chữ, ngôn từ, đố hình…) vào việc dạy tiếng.
Nguyễn Quỳnh Mai - Thành viên đồng sáng lập nhóm Cánh Diều