Cảnh báo tai nạn do pháo nổ

Mặc dù các quy định cấm mua bán, sản xuất, sử dụng pháo nổ đã có từ lâu, nhưng cứ đến dịp cuối năm, số ca cấp cứu do tai nạn pháo lại gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Điều trị cho một nạn nhân do pháo nổ tại Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương - Chỉnh hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).
Điều trị cho một nạn nhân do pháo nổ tại Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương - Chỉnh hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).

Đáng chú ý, phần lớn trường hợp bị tai nạn do pháo thời gian gần đây là do tò mò, tự lên mạng internet xem clip hướng dẫn sản xuất, đặt mua nguyên vật liệu...

Pháo phát nổ trong quá trình sản xuất đã gây chấn thương, để lại hậu quả, di chứng, thậm chí có người mất cả tính mạng...

Thời gian gần đây, Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) liên tục tiếp nhận và điều trị cho bốn trường hợp tai nạn do sử dụng pháo tự chế. Các nạn nhân đều là thanh, thiếu niên còn đang đi học.

Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân nam ở Quảng Ninh được chuyển lên bệnh viện trong tình trạng bàn tay bị dập nát. Bệnh nhân được bác sĩ kịp thời phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương: đánh rửa vết thương nhiều lần, cắt lọc làm sạch, xử lý phần mềm, sửa mỏm cụt ngón V, đặt lại và khâu phục hồi dây chằng khớp bàn ngón I; găm kim cố định khối tụ cốt.

Trường hợp thứ hai được chuyển lên từ Bắc Giang. Theo lời kể của gia đình, do tò mò, cháu bé đã sử dụng pháo và bị tai nạn khi đang cầm, khiến bàn tay dập nát. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng: tay phải có vết thương dập nát ngón III-V, vết thương phần mềm bàn tay. Các bác sĩ đã mổ cấp cứu tạo mỏm cụt chỏm xương bàn ngón III-V, cắt lọc khối cơ dập nát, cố định xương bàn ngón I tay phải.

Nạn nhân thứ ba được chuyển lên từ Nam Định. Nạn nhân sử dụng pháo và bị nổ ngay khi vẫn đang cầm trên tay. Sau khi nhập viện, các bác sĩ tiến hành cắt lọc, bơm rửa kỹ vết thương; đặt lại và găm kim khớp bàn thang; sửa mỏm cụt ngón IV.

Vừa qua, Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương-Chỉnh hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế; nặng nhất là một nam sinh 12 tuổi ở Quảng Ninh.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Viết Ngọc cho biết, bàn tay phải bệnh nhân dập nát, ngón cái đứt rời và dập nát toàn bộ ô mô cái, ngón III đứt rời đốt 2-3, các ngón II, IV, V dập nát phần mềm và xương gãy phức tạp nhiều vị trí. Kíp phẫu thuật đã cắt lọc tổn thương, găm đinh cố định các ngón và để ngỏ tổn thương...

Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, thay băng chăm sóc vết thương và đã khâu vết thương, ghép da làm liền vết thương. Khi vết thương ổn định sẽ được khám xét lại để thực hiện tiếp phẫu thuật chuyển ngón chân cái phục hồi ngón tay cái.

Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Danh Huy, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đánh giá, phần lớn các ca tai nạn pháo nổ do sử dụng pháo tự chế đều phải phẫu thuật trong tình trạng cấp cứu do vết thương bẩn, nguy cơ nhiễm trùng rất cao.

Hầu hết các trường hợp đều có vết thương bàn tay, tỷ lệ cụt ngón rất cao. Ngoài ra còn gây ra các tổn thương khác như: phần mềm, da, gân, ngón tay và thần kinh. Đặc biệt ở những người trẻ tuổi, tổn thương ở tay thuận sẽ ảnh hưởng chức năng sinh hoạt, lao động và để lại di chứng cả cuộc đời.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Ngọc nhấn mạnh thêm, tổn thương do pháo nổ thường phức tạp, có không ít trường hợp tổn thương nhiều vị trí như bàn tay, mặt, thân người... nên điều trị khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn.

Theo bác sĩ tại các bệnh viện, các tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng. Do tiếp xúc gần nên khi hóa chất phát nổ, nạn nhân dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực...

Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Hội chứng sóng nổ lớn còn gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay, chân... của nạn nhân và những người chung quanh.

Các quy định về cấm buôn bán, sản xuất, sử dụng pháo nổ đã có từ lâu, nhưng cứ vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, các cơ sở y tế lại thường xuyên tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho những nạn nhân bị vết thương bàn tay do pháo nổ. Phần lớn nạn nhân ở độ tuổi từ 10 đến 16.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Ngọc khuyến cáo, tổn thương do pháo nổ điều trị khó khăn, tốn thời gian. Có trường hợp phải qua hai, ba ca phẫu thuật mà cũng chỉ khắc phục được một phần chức năng của bộ phận cơ thể (tay, chân) bị chấn thương.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, tuyệt đối không tự ý chế tạo thuốc nổ. Mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Do phần lớn những trường hợp bị chấn thương do pháo tự chế đều ở lứa tuổi học sinh, cho nên cần có sự phối hợp chặt chẽ các bậc phụ huynh và nhà trường trong tuyên truyền, giáo dục, ngăn chặn từ sớm. Đừng vì một chút tò mò mà để lại hậu quả, di chứng cho cả cuộc đời.

Một điểm chung của nhiều ca tai nạn là bệnh nhân đều xem hướng dẫn chế tạo pháo và đặt mua nguyên vật liệu trên internet, nhất là các nền tảng mạng xã hội. Do vậy, các cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn clip hướng dẫn đó trên không gian mạng cũng như xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân bán nguyên vật liệu để sản xuất pháo.