Cảnh báo sớm thiên tai dựa vào cộng đồng

Theo các nhà khoa học, qua cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua cho thấy, người dân ở các vùng chịu tai biến tự nhiên mạnh tuy đã chú ý hơn tới các dấu hiệu như vết nứt trên sườn đồi, nhưng chưa biết đánh giá và nhận định mức độ nguy hiểm cho nên còn lúng túng trong công tác phòng tránh; những điểm thiệt hại nặng thường là nơi chưa có nhóm xung kích phòng chống thiên tai; nếu người dân có được thông tin cảnh báo sớm thì sẽ chủ động ứng phó hơn… Bởi vậy, vấn đề cảnh báo sớm thiên tai dựa vào cộng đồng một lần nữa được đặt ra, coi đó là một trong những giải pháp hiệu quả để chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống cảnh báo lũ quét trên Suối Vạt, xã Trường Đông, huyện Yên Châu (Sơn La).
Hệ thống cảnh báo lũ quét trên Suối Vạt, xã Trường Đông, huyện Yên Châu (Sơn La).

Sau mỗi trận thiên tai, trước thiệt hại lớn về người và tài sản, nhiều người vẫn băn khoăn liệu có thể cảnh báo sớm thiên tai để giảm thiểu thiệt hại hay không. Trả lời câu hỏi này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa chất cho biết, đối với cảnh báo sớm tai biến sạt lở, có thể sử dụng các phương pháp như: Lắp đặt thiết bị quan trắc tự động ghi đo sự dịch chuyển của khối trượt và chuyển vị của sườn dốc. Khi sự dịch chuyển này vượt quá giới hạn có thể gây thảm họa thì hệ thống sẽ thông báo cho chính quyền và người dân kịp di dời khỏi nơi nguy hiểm.

Thực tế, từ những năm 90 của thế kỷ 20, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã sớm ứng dụng các công nghệ tiên tiến xây dựng trạm quan trắc tự động tai biến sạt lở ở nhiều khu vực như các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang và một số tỉnh Tây Nguyên.

Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này đó là trên toàn bộ khu vực miền núi Việt Nam tồn tại vô vàn mái dốc, sườn núi có nguy cơ sạt lở, chúng ta không có đủ kinh phí và nhân lực thực hiện công việc này. Mặt khác, ở nhiều nơi không có sóng điện thoại di động, không có internet, không có hệ thống điện thì công tác truyền tín hiệu về trung tâm phân tích cảnh báo không thể thực hiện được.

Về cảnh báo sớm tai biến lũ quét, do đặc trưng xảy ra nhanh, bất ngờ, việc cảnh báo sớm lũ quét còn gặp rất nhiều khó khăn, các nghiên cứu khoa học-công nghệ vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm.

Trước thực tế đó, các nhà khoa học cho rằng, cần phát huy hiệu quả vai trò của các cán bộ cơ sở, xã, thôn, các tổ, đội xung kích, người dân trong phòng tránh thiên tai, qua việc phát hiện sớm các dấu hiệu trượt lở, lũ quét.

Từ năm 2021 đến nay, nhóm các nhà khoa học của Viện Địa chất đã và đang thực hiện đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cấp thôn, bản tích hợp tai biến trượt lở, lũ bùn đá, lũ quét có sự tham gia của cộng đồng tại một số khu vực trọng điểm miền núi phía bắc".

Mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn của việc cảnh báo sớm các thiên tai trượt lở, lũ bùn đá, lũ quét ở cấp thôn, bản tại các tỉnh miền núi phía bắc có sự tham gia của cộng đồng.

Trong khuôn khổ đề tài, người dân trong 3 khu vực thử nghiệm tại xã Bản Rịa (Hà Giang) xã Cát Thịnh (Yên Bái) xã Chiềng Đông (Sơn La) sẽ là những mắt xích quan trọng trong hệ thống cảnh báo sớm bên cạnh trạm quan trắc và trung tâm xử lý dữ liệu quan trắc.

Tiến sĩ Đào Minh Đức, chủ nhiệm đề tài cho biết, người dân ở thôn, bản nắm hiện trạng những nơi có nguy cơ sạt lở rõ nhất, nhưng kinh nghiệm của họ còn rời rạc, kỹ năng phòng tránh thiên tai chưa đầy đủ. Chính vì thế, một trong những nhiệm vụ của đề tài là đào tạo, tập huấn cho người dân nhận biết, phát hiện sớm các dấu hiệu của sạt lở, lũ quét, mọi phát hiện của người dân được chia sẻ lên hệ thống thiết bị cảnh báo sớm.

Cùng với dữ liệu quan trắc, các chuyên gia sẽ phân tích, ra thông tin cảnh báo đến người dân. Bên cạnh đó, các khu vực thử nghiệm thành lập đội xung kích cảnh báo tại chỗ để báo động khi có nguy cấp về thiên tai.

Đến tháng 9/2024, đề tài đã hoàn thành tài liệu quan trọng về nhận dạng các tai biến trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá, từ đó tổng hợp lại thành các dấu hiệu phát hiện cảnh báo sớm tai biến.

Đây chính là tài liệu để hướng dẫn người dân địa phương nhận diện sớm các dấu hiệu tai biến như: nứt trên sườn, dòng suối đổi mầu, cây nghiêng trên sườn dốc, nước ngầm rỉ ra nhiều trên vách ta-luy, đất đá rung lắc, lăn trên sườn…

Đồng thời, đã xây dựng tiêu chí các cấp báo động tai biến trượt lở, lũ bùn đá, lũ quét cấp thôn, bản để nhóm xung kích cảnh báo ở thôn, bản định hướng phương án báo động trong tình huống nguy cấp.

Theo Tiến sĩ Đào Minh Đức, qua các đợt thiên tai vừa qua, kết quả bước đầu của đề tài đã giúp các địa phương triển khai các phương án phòng chống thiên tai một cách chủ động và kỹ lưỡng hơn. Các dấu hiệu nhận biết sớm tai biến đã trở thành công cụ hữu ích cho người dân phát hiện vết nứt trên sườn dốc, nhận biết dòng lũ dâng lên nhanh, dòng nước đổi mầu, vách ta-luy rỉ nước thành dòng, cây cối ngả nghiêng trên sườn dốc. Chính quyền địa phương đã bước đầu biết trước những vị trí có nguy cơ cao của trượt lở.

Các thành viên nhóm xung kích phòng chống thiên tai cấp thôn, bản đã dần nắm được quy trình cảnh báo, biết tự xây dựng phương án cảnh báo như: lập chốt cảnh báo, phân công theo dõi diễn biến, lên phương án di tản. Chỉ riêng tại khu vực xã Bản Rịa từ tháng 4 đến tháng 9/2024 xuất hiện 62 điểm sạt lở nhưng không xảy ra thiệt hại về người. "Quan trọng nhất là người dân đã dần nâng cao ý thức về phòng chống thiên tai, tăng mức độ tương tác với các chuyên gia để hoàn thiện các quy trình cảnh báo sớm" - Tiến sĩ Đào Minh Đức chia sẻ.

Dựa vào các số liệu thu thập từ hệ thống với dữ liệu vệ tinh, đề tài đã triển khai thử nghiệm nhắn tin cảnh báo tới các thành viên tổ xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Kiểm chứng cho thấy, hầu hết các tin nhắn cảnh báo đều phù hợp với thực tế diễn ra sự kiện thiên tai ở các xã thử nghiệm.

Ngoài ra, theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu, với các thông tin cảnh báo sớm đã giúp người dân chủ động hơn trong sinh hoạt và sản xuất. Tiến sĩ Đào Minh Đức dẫn chứng, do đặc thù thôn, bản bị chia cắt bởi các con suối, cho nên người dân bình thường vẫn đi lại qua lòng suối cạn, nhưng khi nước lên, có thông tin cảnh báo thì người dân không mạo hiểm đi qua các đập tràn. Thành viên nhóm xung kích phòng chống thiên tai cũng nhận định giá trị của bản tin cảnh báo mà đề tài đang cung cấp khá phù hợp với nhu cầu của người dân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất cho rằng, đề tài đi rất đúng hướng, khi xác định vai trò quan trọng của người dân trong chủ động phòng chống thiên tai, đã đến lúc phòng chống thiên tai miền núi phải dựa căn bản vào cộng đồng.

Được biết, đề tài sẽ kết thúc trong năm 2025, khi đó sẽ có hệ thống cảnh báo sớm cấp thôn, bản về trượt lở, lũ bùn đá, lũ quét chuyển giao cho đơn vị quản lý và phòng chống thiên tai ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, các địa phương có nguy cơ rất cao về sạt lở và lũ quét.