Hệ thống cảnh báo sớm gắn với dự báo tác động là mục tiêu mà tất cả các cơ quan dự báo trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang hướng đến, từ đó có các biện pháp chủ động ứng phó, phòng ngừa từ xa, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng.
Dự báo dựa trên tác động
Thông tin khí tượng-thủy văn luôn là nguồn tư liệu quan trọng đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội, phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân và góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Theo số liệu điều tra, thông tin, dữ liệu khí tượng-thủy văn có ảnh hưởng tới 11/17 mục tiêu phát triển bền vững và giữ vai trò tối quan trọng ở cả ba giai đoạn hoạt động là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Trao đổi với phóng viên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng-Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Đức Cường cho biết, riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, sản phẩm dự báo không chỉ dừng lại ở những con số nhiệt độ, lượng mưa trung bình mà còn có thể cung cấp số giờ nắng, độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa chi tiết theo từng thời kỳ mùa vụ.
Xa hơn là các dự báo, cảnh báo về sâu bệnh, dự báo năng suất cây trồng theo các điều kiện thời tiết... Đặc biệt, những đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino năm 2020 được cảnh báo, phòng ngừa từ xa.
Việc này đã giúp Chính phủ và các địa phương điều chỉnh và chỉ đạo sản xuất kịp thời, giảm thiệt hại chỉ còn 10% so với đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016. Năm 2022, công tác dự báo tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
El Nino đang gây hạn hán nghiêm trọng trong thời gian vừa qua, dẫn đến các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhiều hồ xuống dưới mức nước chết. Ngành khí tượng-thủy văn đang thực hiện các bản tin dự báo phục vụ Quy trình vận hành hồ chứa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các bản tin dự báo nguồn nước đến các hồ phục vụ điều hành sản xuất điện.
Để giúp các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương chủ động phòng ngừa thiên tai từ xa, ngành khí tượng-thủy văn đã dự báo dựa trên tác động. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng-Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết: Dự báo dựa trên tác động sẽ trả lời câu hỏi trọng tâm là khí tượng-thủy văn có khả năng gây ra tác động gì đối với nông nghiệp, giao thông, du lịch, nuôi trồng thủy sản…
Thí dụ như, thay vì trả lời câu hỏi là thời tiết ngày mai thế nào thì bản tin dự báo dựa trên tác động sẽ trả lời về thời tiết sẽ diễn ra như vậy, tác động như thế nào đến kinh tế-xã hội, đến với môi trường, đến con người.
Thay vì bản tin chỉ đưa các thông tin liên quan đến nhiệt độ, lượng mưa, mực nước lũ, mực nước sông, suối, hồ thì bản tin dự báo dựa trên tác động sẽ được bổ sung thêm các thông tin về ngưỡng lượng mưa, ngưỡng nhiệt độ, ngưỡng mực nước và điều đó ảnh hưởng thế nào đến các lĩnh vực của đời sống.
Đặc biệt, thay vì chỉ dự báo lượng mưa lớn ở một khu vực cụ thể thì dự báo dựa trên tác động cũng có thể chỉ ra khả năng xảy ra lũ lụt, sạt lở đất và thiệt hại đối với mạng lưới giao thông và cơ sở hạ tầng khu vực đó...
Nâng cao năng lực cảnh báo sớm
Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cảnh báo sớm, cảnh báo chi tiết, tăng độ tin cậy của các bản tin.
Cùng với đó, việc quy định cấp độ rủi ro thiên tai trong Quyết định 18 được nghiên cứu kỹ lưỡng, điều chỉnh so với hình thái thiên tai xảy ra trong thời gian qua, để đưa ra những cấp độ phù hợp hơn với thực tế, tính chi tiết của cấp độ rủi ro thiên tai đã được phủ đến cấp huyện, từng lưu vực sông nhỏ, góp phần giúp công tác phòng, chống thiên tai sớm hơn, chủ động hơn.
Đặc biệt, khi cấp độ rủi ro thiên tai được dự báo phù hợp với thực tế thì việc tập trung nguồn lực đủ, đúng mức, chủ động trong công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai sẽ được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.
Để làm tốt công tác dự báo sớm thiên tai, giúp các ngành chức năng đưa ra những chỉ đạo phù hợp, ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục Khí tượng-Thủy văn đã thêm các thông tin cảnh báo tác động vào trong bản tin bão, áp thấp nhiệt đới.
Đến thời điểm hiện tại, tất cả các bản tin dự báo, cảnh báo của Tổng cục Khí tượng-Thủy văn đều phải kèm theo thông tin về khả năng tác động đến môi trường và điều kiện sống. Các bản tin dự báo tác động đưa ra cũng có thể giúp các cấp lãnh đạo, những người ra quyết định bảo vệ cộng đồng tốt hơn, như khuyến cáo việc sơ tán người, đóng cửa trường học và các biện pháp bảo vệ khác để giảm thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, từ đó góp phần giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, công tác dự báo sớm, cảnh báo sớm rủi ro thiên tai rất hiệu quả đối với các loại hình thiên tai lớn như: bão, lũ, nắng nóng diện rộng; các loại hình thiên tai diễn ra từ từ như hạn hán, xâm nhập mặn,...
Một số loại hình thiên tai quy mô nhỏ, xảy ra nhanh cần thông tin chia sẻ về đối tượng bị tác động ở các khu vực, cần hoàn thiện thêm về cơ chế, phương thức chia sẻ thông tin từ các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, để các bản tin dự báo sớm chính xác hơn nữa, dự báo theo thời gian thực, ngành khí tượng-thủy văn cần tiếp tục bổ sung, cải tiến cũng như thu thập thêm thông tin về các đối tượng có thể bị ảnh hưởng của các loại hình thiên tai khác nhau để có thể đưa ra các bản tin phù hợp, sát thực tế, nhất là các hình thái thiên tai lớn, phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới con người, tài sản, cộng đồng… trong mùa bão lũ năm nay.
Hiện nay, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các thông tin về dự báo không chỉ đơn thuần thông báo các chỉ số thời tiết, mà cần chuyển sang dự báo tác động - đưa ra cảnh báo về những ảnh hưởng của hình thái thời tiết cụ thể trong thời gian cụ thể, điều này có vai trò rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.
Đòi hỏi từ thực tiễn, ngành khí tượng-thủy văn cần xây dựng các giải pháp để tăng cường dự báo các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, dự báo các rủi ro, tác động của thiên tai đến từng đối tượng chịu tổn thương; đầu tư hiện đại hóa hệ thống quan trắc, nâng cao chất lượng dự báo bằng công nghệ hiện đại.