* Sau nhiều ngày bị lũ phá hỏng, cây cầu treo tạm bắc ngang qua suối Nà Phát, giao thông đi lại của hơn 170 hộ dân, với hơn 1.000 nhân khẩu bản Nà Phát, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu vẫn đang gặp khó khăn. Chính quyền đang khẩn trương cứu trợ, đồng thời vận động người dân vùng bị chia cắt dự trữ lương thực, thực phẩm. Nhờ vậy, đời sống của người dân hiện nay vẫn bảo đảm, tập trung khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu, trên quốc lộ 4D và quốc lộ 12, tại hai điểm giao với hai tỉnh Lào Cai và Điện Biên xuất hiện gần 20 điểm sạt lở với khối lượng đất đá vùi lấp đường hàng chục nghìn mét khối. Đáng chú ý, tại km 43 quốc lộ 4D có một điểm sạt lở kéo dài gần 30 m và chiều rộng chiếm gần hết mặt đường khiến cho tuyến giao thông huyết mạch nối liền giữa Lai Châu và Lào Cai cũng như các tỉnh miền xuôi có nguy cơ bị cắt đứt bất cứ lúc nào. Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã đi thăm hiện trường và chỉ đạo ngành giao thông huy động nhân lực, vật lực khắc phục sạt lở, bảo đảm thông tuyến trong thời gian nhanh nhất.
* Tại tỉnh Bắc Cạn, do mưa lớn từ đêm ngày 5 đến 7-7 đã tiếp tục làm sạt lở 21.318 m3 đường quốc lộ, tỉnh lộ; 3.105 m3 đường an toàn khu CT229 thuộc huyện Bạch Thông, Na Rì. Chính quyền địa phương phối hợp các đơn vị quản lý đường đã huy động lực lượng, phương tiện khắc phục tạm thời, bảo đảm giao thông thông suốt.
* Trong hai ngày 6 và 7-7, tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang có mưa lớn kéo dài khiến mực nước sông, suối dâng cao. Nước lũ cuốn trôi một người dân ở thôn Tân An, thị trấn Yên Bình. Tuyến đường liên xã Yên Thành đi xã Bản Rịa bị sạt lở ta-luy tại 18 điểm, các phương tiện xe, máy vẫn chưa thể lưu thông. Mưa lũ đã cuốn trôi sáu cầu tạm và hỏng một cầu tràn thị trấn Yên Bình. Toàn huyện có 24 hộ dân bị đất đá sạt vào nhà và hàng chục ha hoa màu bị ngập úng, mất trắng. Huyện Quang Bình chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cử cán bộ xuống cơ sở xác minh, thống kê thiệt hại, huy động nhân dân khắc phục hậu quả.
* Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vừa xảy ra đợt mưa lớn trên diện rộng, làm ngã, ngập úng 1.900 ha lúa và nhiều diện tích hoa màu bị ngập cục bộ. Tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát thiệt hại, khôi phục sản xuất và tăng cường kiểm tra an toàn hồ đập, công trình thủy lợi nói chung để phòng, chống mưa lũ lớn...
* UBND tỉnh Quảng Nam quyết định di dời khẩn cấp 42 hộ dân ở các huyện Đại Lộc, Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh và thị xã Điện Bàn ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao đến các khu tái định cư. Mỗi hộ di dời trong đợt này được tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng để làm nhà tại nơi ở mới.
* UBND thành phố Hà Nội dự kiến đầu tư 8,4 tỷ đồng từ ngân sách thành phố xử lý cấp bách chống sạt lở mái hạ lưu đê tả Đuống tại K21+710 thuộc địa phận xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm. Đoạn xử lý đắp đất phản áp dài khoảng 150 m. Chiều dài xử lý khoan phụt 300 m. Thời gian thực hiện dự án trong năm 2017.
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hôm nay 8-7, nhiều khu vực trong cả nước có mưa và dông, riêng khu vực Trung Bộ có mưa về chiều tối và đêm, đề phòng khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.