Theo phản ánh, từ đầu năm 2023 đến nay, tại nhiều địa phương như Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc xuất hiện tình trạng người dân dùng kích điện để săn bắt giun đất bán cho các thương lái. Chỉ với 2 thanh sắt nối với máy kích bằng đường dây điện và cắm trực tiếp xuống đất, sau vài tiếng kêu “tít tít” phát ra từ máy xung điện, trong vòng bán kính khoảng 2 m2 các loại giun to nhỏ dần ngoi lên, quằn quại trên mặt đất. Trung bình mỗi ngày, 1 máy kích có thể bắt được từ 5 đến 10 kg giun tươi.
Theo một số người dân, giun đất tươi được các “đầu nậu” thu mua với giá 45 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi ngày người đi bắt giun có thể kiếm gần 1 triệu đồng. Ngoài ra, để thu hút người săn bắt giun đất, một số “đầu nậu” còn chủ động đầu tư, mua sắm máy kích điện, thuê người đi săn giun về cung cấp cho cơ sở của mình với giá 32 nghìn đồng/kg. Giun sau khi thu mua sẽ được sấy khô. Trung bình khoảng 13 kg giun tươi sau khi sấy sẽ được 1 kg giun khô. 1 kg giun khô được các “đầu nậu” bán với giá 700 nghìn đồng. Khi được hỏi thương lái thu mua giun khô làm gì thì chủ lò sấy không biết, chỉ biết họ mua để xuất khẩu, thấy có lợi nhuận thì làm.
Hoạt động săn bắt giun bằng phương pháp kích điện đã trở thành nỗi lo lắng của người dân nhiều địa phương, nhất là những vùng trồng cây nông nghiệp, cây ăn trái. Chị Lê Thị Hoa, chủ vườn cam tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình cho biết, khu vực trồng cam trong huyện hằng ngày có từng đoàn người đến dùng kích điện để bắt giun. Ðiều này khiến cho đất không còn tơi xốp, ảnh hưởng đến chất lượng cam. Nhiều nhà có vườn cam đã phải treo biển “Cấm kích giun” và cử người trông coi ngăn chặn những người đến bắt giun nhưng không phải lúc nào cũng có đủ người để trông coi.
Trước tình trạng nêu trên, cơ quan chức năng nhiều địa phương đã tiến hành kiểm tra xử lý các trường hợp săn bắt, thu gom, chế biến giun đất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong các khu dân cư; đồng thời phối hợp chính quyền các địa phương có tình trạng săn bắt giun, kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp thương lái thu gom giun đất, xưởng chế biến giun.
Theo quy định của pháp luật, hành vi đánh bắt giun đất bằng kích điện vi phạm quy định tại Khoản 2, Ðiều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Các địa phương đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền về vai trò, lợi ích của giun đất đối với môi trường đất; vận động người dân không sử dụng thiết bị điện đánh bắt giun và không cho người khác đến đất nhà mình khai thác giun; tăng cường kiểm tra hoạt động của các đại lý buôn bán thiết bị kích điện bắt giun đất và các cơ sở thu gom, sơ chế, sấy khô, mua bán giun đất tự nhiên để nhận diện, làm rõ các hành vi vi phạm để có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi khai thác giun đất tự nhiên trái phép; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các đại lý, đối tượng buôn bán thiết bị kích điện đánh bắt giun đất và cơ sở mua bán giun đất tự nhiên trên địa bàn.
Theo các nhà khoa học, việc bắt giun bằng kích điện sẽ làm hủy diệt các vi sinh vật có lợi trong đất, phá vỡ sự đa dạng sinh học làm giảm chất lượng đất canh tác, giảm độ phì nhiêu của đất, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng; ảnh hưởng đến hệ sinh vật trong đất, ảnh hưởng đến môi trường và vật nuôi. Giun đất có vai trò quan trọng với hệ sinh thái đất, giúp cho đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm. Phân giun là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng.
Ðặc biệt, giun đất tạo lỗ thông làm cho nước mưa thẩm thấu vào lòng đất, là nguồn dự trữ nước cho cây sinh trưởng, tạo nên nguồn nước ngầm phục vụ nhu cầu khai thác nước sinh hoạt, phát triển kinh tế cho con người. Chính vì thế, người dân không nên bắt giun để bán kiếm thu nhập, giá trị kinh tế từ việc làm này không thể bù đắp được cho hệ quả những thửa đất nông nghiệp trở nên nghèo nàn chất dinh dưỡng, không thể canh tác cây trồng, gây thiệt hại nặng cho người nông dân.
Bên cạnh đó, tại một số tỉnh, thành phố đã từng xảy ra tình trạng các thương lái thu gom lá điều, rễ cây… với giá cao nhưng sau một thời gian ngắn giao dịch, những thương lái bất ngờ không thu mua nữa, để lại cho những người dân hàng tấn thành phẩm mà không biết bán cho ai, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân và hủy hoại môi trường.
Do vậy, bên cạnh các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với hoạt động săn bắt giun đất đang diễn ra, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành của địa phương trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái; cùng với đó cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và có chế tài cụ thể để xử lý tình trạng dùng kích điện săn bắt cũng như các hoạt động mua bán giun đất.