Cảnh báo đuối nước ở các bãi tắm tự phát

Thời tiết nắng nóng, nhiều người lớn, trẻ nhỏ tìm đến các bãi tắm tự phát để giải nhiệt bất chấp những cảnh báo về nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra. Hiện nay, các bãi tắm ao, hồ, sông, suối tự phát đều không có người quản lý và cứu hộ, vì vậy không bảo đảm an toàn. Những bãi tắm tự phát này tiềm ẩn nguy cơ bị đuối nước để lại những hậu quả khó lường.
0:00 / 0:00
0:00
Những bãi tắm tự phát (ao, hồ, sông) luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. (Ảnh M.N)
Những bãi tắm tự phát (ao, hồ, sông) luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. (Ảnh M.N)

Do nhu cầu bơi lội, vui chơi dưới nước của người dân tăng cao, nhiều bãi tắm tự phát hình thành. Khác với bãi tắm, khu bể bơi có người quản lý và cứu hộ, những bãi tắm tự phát đều không an toàn, một số nơi nước sâu, nước xoáy, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Vừa qua, tại bờ sông Giá, đoạn trước Khu huấn luyện đua thuyền, thị trấn Minh Ðức (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Nạn nhân là anh V.V.Q. (20 tuổi, trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An) ra khu vực sông Giá để tắm sau đó bị đuối nước và mất tích. Sau đó, thi thể nạn nhân được lực lượng chức năng tìm thấy gần khu vực gặp nạn.

Trước đó, tại sông Ðà đoạn qua phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) một vụ đuối nước thương tâm xảy ra khiến hai bé gái tử vong. Nạn nhân là cháu Ð.N.L. (sinh năm 2011) và cháu T.T.B. (sinh năm 2010). Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Hòa Bình đã huy động 12 cán bộ, chiến sĩ, một xe ô-tô chuyên dụng và một xuồng cứu hộ để tìm kiếm các nạn nhân. Sau gần một giờ đồng hồ, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể hai cháu bé. Mặc dù khu vực xảy ra vụ tai nạn đuối nước đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm tắm do có nhiều vực xoáy, nước chảy xiết, tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, nhiều người dân vẫn đến khu vực này để bơi lội, nhất là vào những ngày nắng nóng.

Bên cạnh đó, trong cái nắng gay gắt, nền nhiệt tăng cao khoảng 40oC, nhiều người từ trẻ nhỏ, thanh niên đến người cao tuổi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đến các bãi tắm tự phát như: hồ Tây đoạn trên phố Quảng Bá (phường Quảng An, quận Tây Hồ), hồ Linh Ðàm (quận Hoàng Mai), hồ Ðầm Tròn, thôn Ðông Trạch (xã Ngũ Hiệp, Thanh Trì),… đang diễn ra tình trạng người dân tổ chức bơi lội vào mỗi buổi chiều. Anh Trần Ðình Trung (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, tôi thường đưa con ra bơi tại khu vực bãi tắm hồ Linh Ðàm do giá vé của bể bơi giờ tăng cao, nếu không đưa cháu nhỏ ra đây bơi thì một tháng tôi sẽ tốn khá nhiều chi phí cho nhu cầu bơi lội của cháu. Hằng ngày, thấy mọi người cũng đưa con, cháu mình ra đây bơi cho nên tôi cũng cho con đi. Tôi cũng đã trang bị áo phao cho cháu, đồng thời thường xuyên ở cạnh cháu trong lúc bơi cho nên không thấy nguy hiểm lắm. Khu vực này cấm tắm, cấm bơi lội, cơ quan chức năng cũng hay ra nhắc nhở, nhưng mình cứ lựa thôi. Mọi người bơi được mình cũng bơi được.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn, công tác phòng, tránh đuối nước cho trẻ em, nhất là trong dịp hè luôn là vấn đề quan tâm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Thành phố đã tổ chức các cuộc họp để bàn, phân tích nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đuối nước, đưa ra các giải pháp phòng tránh đuối nước, trong đó nguyên nhân chủ yếu là người dân, nhất là trẻ em không có kỹ năng bơi, thiếu kiến thức về phòng chống đuối nước, tự phát tắm ở các địa điểm có mực nước sâu, không an toàn. Việc quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của người lớn đối với trẻ em. Công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các đối tượng, nhất là trẻ em còn hạn chế, chưa được đẩy mạnh.

Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành chức năng từ thành phố đến cơ sở đã phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiều biện pháp như: Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng phòng chống đuối nước cho người dân: Mở các lớp dạy bơi miễn phí cho người dân và trẻ em ở khu dân cư: Tăng cường rà soát, lập danh sách các khu vực, địa điểm có khe suối, lòng sông, hồ, bờ biển… có mực nước sâu, không bảo đảm an toàn để cắm biển cấm tắm, biển cảnh báo nguy hiểm. Ðẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, hệ thống loa truyền thanh về công tác phòng chống đuối nước: Chỉ đạo các nhà trường tăng cường mở các lớp dạy bơi trong dịp nghỉ hè cho học sinh; đối với các bãi tắm đủ điều kiện, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, yêu cầu ban quản lý các bãi tắm bổ sung, hoàn thiện các điều kiện về cơ sở hạ tầng, lực lượng, phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Tình trạng trẻ em đuối nước xảy ra nhiều tại sông, ao, hồ còn do các em thiếu kiến thức, kỹ năng bơi lội và phòng chống đuối nước cơ bản. Nhiều em đã biết bơi, nhưng còn chưa biết cách lấy hơi hay khởi động trước khi xuống nước mà thường nhảy xuống bơi luôn. Khi gặp con nước xoáy hoặc lấy hơi không đều, hẫng chân dẫn đến sặc nước, thần kinh hoảng loạn, chới với, bị chuột rút… dẫn đến tử vong.

NGUYỄN LONG THÀNH

(Giáo viên dạy bơi tại bể bơi Khăn Quàng Ðỏ, quận Ba Ðình, Hà Nội)

Tại Yên Bái, năm 2022 xảy ra 3 vụ đuối nước, 4 người chết. Năm 2023, qua sáu tháng xảy ra sáu vụ đuối nước, bảy người chết. Ðể giảm đến mức thấp nhất những rủi ro do đuối nước, các cơ quan liên quan cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, ngoài những giải pháp đã, đang triển khai như: Tổ chức lớp dạy bơi cần phải đẩy mạnh việc dạy thêm kỹ năng bơi lội an toàn cho trẻ; Tăng cường sự giám sát của nhà trường và gia đình với trẻ. Ðặc biệt, chúng ta cần huy động sự vào cuộc, giám sát của cộng đồng, để người dân thường xuyên để ý, cảnh báo nếu thấy trẻ em bơi lội ở nơi không an toàn, nhất là ở các bãi tắm tự phát. Ðịa phương cần tính tới việc cử người thường xuyên trông coi ở những địa điểm có cảnh báo nguy hiểm vào mùa cao điểm.

Thượng tá HOÀNG ÐÌNH HÒA

(Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Yên Bái)