Trục lợi đất công
Thị trấn Sông Đốc hiện là miền biển sầm uất và đông dân nhất của tỉnh Cà Mau, với hơn 40 nghìn dân. Đi cùng với sự phát triển đô thị là nhu cầu về đất ở và phục vụ sản xuất, kinh doanh. Để giải quyết bài toán nan giải này, trong giai đoạn chờ thực hiện quy hoạch, UBND huyện Trần Văn Thời chủ trương cho thuê nhiều vị trí đất công thuộc quyền quản lý. Tuy nhiên, chủ trương của huyện lại thành “miếng bánh” béo bở để một nhóm người ở thị trấn Sông Đốc xà xẻo, trục lợi.
Điển hình là trường hợp thuê đất công của “đại gia” thủy sản Lê Thanh Tiền. Năm 2012, ông Tiền lập phương án sản xuất, kinh doanh, xin thuê hơn 7.500 m2 đất cạnh tuyến đường Tắc Thủ - Sông Đốc (thuộc khóm 7), với mục đích làm mặt bằng cho trại sản xuất tôm giống. Theo Quyết định số 136/QĐ-UBND, ngày 3-4-2012 của UBND huyện Trần Văn Thời, thửa đất ông Tiền thuê có thời hạn bốn năm. Sau khi thuê đất, ông Tiền không thực hiện đúng phương án xin thuê mà phân lô và cho hàng chục hộ khác thuê lại với tổng số tiền hàng tỷ đồng để xây nhà kinh doanh, buôn bán, thậm chí chuyển nhượng lại để hưởng chênh lệch. Cá biệt, nhiều hộ thuê lại là người nhà, người thân của cán bộ ở thị trấn Sông Đốc và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trần Văn Thời.
Về những vi phạm nêu trên, ngày 23-4-2016, Báo Nhân Dân có bài viết Cần làm rõ việc sử dụng đất công ở huyện Trần Văn Thời. Sau khi báo đăng, UBND huyện Trần Văn Thời vào cuộc xác minh và ngày 23-5-2016, UBND huyện ban hành Quyết định số 79/QĐ-UBND thu hồi toàn bộ phần đất công mà ông Tiền đã thuê. Mặc dù các quyết định đã ban hành, nhưng suốt ba năm qua vụ việc vẫn “giậm chân tại chỗ”. Việc chậm xử lý những vi phạm này, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Sử Văn Minh cho biết: Gần đây, UBND huyện có Thông báo số 177/TB-UBND, hạn chót là đến ngày 17-5-2019, nếu ông Tiền không tự tháo dỡ, di dời nhà và các tài sản, vật kiến trúc trên đất thì cơ quan chức năng của huyện sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Quyết định và thông báo thu hồi đã được triển khai từ lâu và đã quá thời hạn, nhưng việc trả lại đất vẫn chưa được thực hiện… Sự chậm trễ này càng làm tăng sự hoài nghi về hiện tượng thông đồng, bao che, lợi ích nhóm.
Trên địa bàn thị trấn Sông Đốc hiện có hơn 40.000 m2 đất công đã cho thuê. Theo phản ánh của người dân, hơn một nửa diện tích trong số đó đã “rơi” vào tay những người có tiềm lực kinh tế, cả người nhà cán bộ. Điển hình là trường hợp bà Lương Kim Quyên, vợ của ông Lâm Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc. Bà Quyên được UBND huyện Trần Văn Thời cho thuê thửa đất gần 13.500 m2, nằm sát với Trường THCS thị trấn Sông Đốc, thời hạn thuê từ năm 2010 đến 2020.
Tuy nhiên sau đó, gia đình bà Quyên tiến hành đào đất trong khu đất được thuê để làm hai sân bóng đá mi-ni, tạo thành hố sâu rất khó hoàn thổ. Gần đây, người dân còn phát hiện gia đình bà Quyên xây dựng công trình nhà ở kiên cố trên đất. Ông Ninh Cao Phu, ở thị trấn Sông Đốc, bức xúc: “Mặc dù hợp đồng thuê sắp hết hạn, nhưng gia đình bà Quyên xây dựng nhà kiên cố như vậy thì liệu sau này có thu hồi đất được không?”. Thửa đất mà vợ ông Lâm Văn Phú thuê chiếm gần một phần ba diện tích đất công đã cho thuê ở Sông Đốc, với giá chưa tới 1.300 đồng/m2/năm, tính ra nộp ngân sách mỗi năm chưa tới 18 triệu đồng. Với diện tích đất nêu trên, nếu đấu giá cho thuê công khai sẽ thu về hơn 500 triệu đồng/năm.
Bồi thường sai tiền tỷ
Vụ việc xảy ra tại Nông trường Sông Đốc, đã được cơ quan chức năng Cà Mau vào cuộc xác minh. Theo hồ sơ vụ việc, vào năm 2003, lãnh đạo Nông trường Sông Đốc ký hợp đồng kinh tế với bảy hộ dân (trong đó có ông Đinh Văn Toản) thuê hơn 9 ha trong tổng số 40 ha trong khu đất thực nghiệm của nông trường với thời hạn một năm. Đến năm 2004, thời điểm hết hạn hợp đồng thì Nông trường Sông Đốc giải thể. Ngày 11-5-2005, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 29, giao cho UBND thị trấn Sông Đốc quản lý để lập thủ tục, trình cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê theo quy định.
Tuy nhiên, UBND thị trấn Sông Đốc không thực hiện quản lý khu đất nêu trên, cho nên bảy hộ dân tiếp tục canh tác. Đến năm 2014, sáu trong số bảy hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó, hộ ông Toản được cấp 3 ha và “ưu ái” cấp thêm 6,4 ha, ngoài hạn mức quy định. Ngày 30-1-2018, UBND huyện Trần Văn Thời phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư (thuộc dự án Đầu tư xây dựng khu tái định cư khóm 9), tổng diện tích đất thu hồi là 11,7 ha, có 19 hộ dân bị ảnh hưởng, kinh phí bồi thường, hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng. Trong dự án nêu trên, ông Toản bị thu hồi 32.982 m2 trong 6,4 ha ngoài hạn mức, nhưng được hỗ trợ, bồi thường hơn 2,1 tỷ đồng. Vụ việc sau đó bị người dân phát hiện, tố cáo.
Cựu chiến binh Ninh Cao Phu, người trực tiếp gửi đơn tố giác cho rằng: “Việc hỗ trợ, bồi thường đất cho ông Toản là sai. Bởi mảnh đất này nằm ngoài hạn mức được giao thì không có căn cứ để bồi thường”.
Theo thông báo kết quả giải quyết nội dung tố cáo của UBND tỉnh Cà Mau thì khi thực hiện giao đất cho ông Đinh Văn Toản, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc chưa lập phương án giao đất hoặc cho thuê đất theo tinh thần Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 04/2005/TT-BTNMT. Việc không kịp thời cho ông Toản thuê đất (trường hợp ông Toản có nhu cầu) đã gây thất thoát tiền thuê đất của Nhà nước. Cùng với đó, từ việc xác định sai nguồn gốc đất của ông Toản, cho nên đã lập phương án bồi thường, hỗ trợ sai cho hộ ông Toản với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng...
Với những vi phạm nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo kiểm điểm vai trò, trách nhiệm đối với UBND thị trấn Sông Đốc (giai đoạn 2005 - 2018) trong việc: Không lập phương án giao đất hoặc cho thuê theo quy định; không kịp thời tham mưu UBND huyện cho ông Đinh Văn Toản thuê đất gây thất thoát tiền thuê đất của Nhà nước; chưa kịp thời xử lý vi phạm hành chính ông Toản đối với các hành vi sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm, hủy hoại đất theo quy định; xác nhận sai nguồn gốc đất.
Kiểm điểm vai trò, trách nhiệm đối với lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trần Văn Thời (giai đoạn 2014 - 2018) trong việc tham mưu cho UBND huyện Trần Văn Thời chỉ đạo UBND thị trấn Sông Đốc lập phương án giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định; không kịp thời tham mưu UBND huyện cho ông Đinh Văn Toản thuê đất gây thất thoát tiền thuê đất của Nhà nước.
Kiểm điểm vai trò, trách nhiệm đối với các thành viên Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư (BTHTTĐC) huyện Trần Văn Thời trong việc tổ chức kiểm kê xác minh nguồn gốc đất không đúng quy định; áp dụng sai chính sách trong tính toán bồi thường, hỗ trợ; kiểm tra không chặt chẽ dẫn đến sai sót trong áp dụng chính sách hết hiệu lực để lập phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hộ ông Toản. Kiểm điểm trách nhiệm các thành viên Tổ thẩm định phương án BTHTTĐC vì có sai sót trong việc thẩm định dẫn đến bồi thường, hỗ trợ sai cho ông Toản với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời Nguyễn Quốc Thanh cho biết: Thời gian qua, mặc dù Huyện ủy có chỉ đạo kiên quyết, nhưng công tác quản lý đất đai ở Sông Đốc vẫn còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ và bộc lộ một số hạn chế. Vì thế, nhiều tổ chức, cá nhân bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật trong năm 2016 và 2017.
Với những thửa đất công cho thuê, gần đây, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện quyết liệt hơn trong việc thu hồi theo quy định. Còn với tổ chức, cá nhân có thiếu sót trong việc bồi thường sai cho hộ dân ở Nông trường Sông Đốc, Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện các bước kiểm điểm theo trình tự và trong thời gian tới UBND huyện sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả về Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy.
Liên quan công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo ở thị trấn Sông Đốc, tổ chức, cá nhân nào làm sai, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý, thậm chí có thể bị khởi tố hình sự. Đây cũng là bài học xương máu để thời gian tới, Huyện ủy có chỉ đạo sát sao hơn nhằm siết chặt việc quản lý đất đai, tránh những trường hợp tương tự tái diễn. NGUYỄN QUỐC THANH Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời |