Việc chậm phát hiện, chậm xử lý, xử lý không đến nơi đến chốn của cơ quan chức năng khiến cho kẻ vi phạm được thể lấn tới làm liều, thách thức pháp luật, vi phạm hết lần này tới lần khác.
Điển hình là hồ Thanh Niên thuộc thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh liên tục bị kẻ xấu đổ đất, đóng cọc bê-tông lấn chiếm.
Ngang nhiên huy động phương tiện lấp hồ
Ngày 12/12/2021, quan sát tại hiện trường, chúng tôi thấy rất nhiều cọc bê-tông được đóng xuống lòng hồ, cọc đóng đến đâu đổ đất đến đó. Khoảng 4.000m2 lòng hồ đã bị đổ đất, san bằng với dụng ý biến mặt hồ thành mặt bằng, sau đó chiếm đất. Ven hồ Thanh Niên có một quả đồi bị vạt nham nhở để lấy đất san lấp. Cán bộ xã Ngọc Thanh cho biết, việc khai thác đất chưa được chính quyền xã cho phép.
Theo người dân địa phương, có những người huy động cả máy xúc, xe ủi đến san gạt khu vực lòng hồ cạn. Sự việc lấp hồ diễn ra đã lâu, ngay cạnh đường liên thôn nhiều người qua lại, nhưng cán bộ xã không nắm rõ, không nhắc nhở và cũng không xử phạt đối tượng vi phạm. Liền kề với hồ là khu đất rộng gần 11.000m2 của ông Lâm Văn Ba, trên đất dựng một nhà sàn hướng ra hồ. Ông Ba cũng nói không biết ai là người lấp hồ.
Sáng 28/12/2021, khi chúng tôi cùng đoàn công tác của xã có mặt tại thực địa, hiện trường vụ việc không thay đổi. Ông Lưu Văn Cường, công chức địa chính-xây dựng xã Ngọc Thanh cho rằng, địa điểm bị đổ đất “có thể không phải lòng hồ”. Chỉ là san gạt chứ không phải lấp hồ. Trách nhiệm quản lý hồ thuộc về Công ty Thủy lợi Phúc Yên, một đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc. Xã chưa lập biên bản hay xử phạt đối tượng lấp hồ.
Để làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Phúc Yên. Ông Dũng đưa ra văn bản số 335/CTPY-QLN ngày 16/8/2021 gửi UBND xã Ngọc Thanh thông báo về hành vi tự ý đổ đất, san lấp khối lượng lớn xuống lòng hồ Thanh Niên. Văn bản xác định, diện tích vi phạm chiều dài là 10m, chiều rộng 20m, đổ cao 3,5m, tổng diện tích khoảng 200m2. Phía thượng lưu tự ý đóng cọc bê-tông, giăng dây thép gai làm đường cắt ngang khoảng 300m2 và tự ý đặt 2 cống phi φ700 dưới lòng hồ. Như vậy, đối tượng vi phạm không chỉ san gạt, mà tiến hành lấp hồ một cách bài bản, công khai, đổ cao đến 3,5m.
Như vậy, từ khi Công ty Thủy lợi Phúc Yên phát hiện ra việc tự ý đổ đất tháng 8/2021 cho đến nay, diện tích bị đổ đất, san ủi tăng khoảng 20 lần nhưng chính quyền xã Ngọc Thanh không hề có hành động ngăn chặn, xử lý. Công ty Thủy lợi Phúc Yên ra văn bản xong cũng không theo dõi, đôn đốc xử lý, để tình trạng vi phạm tiếp diễn ngày càng nghiêm trọng.
Lấn chiếm hồ Trại Trâu, hồ Lập Đinh
Cũng trên địa bàn xã Ngọc Thanh, ngày 12/12/2021, cán bộ Cụm thủy nông Đại Lải thuộc Công ty Thủy lợi Phúc Yên đã lập biên bản về việc đổ đất, san lấp, lấn chiếm lòng hồ Trại Trâu tại thôn Đồng Chằm. Đoàn kiểm tra phát hiện ông Trần Mạnh Hiệp (sinh năm 1978, phường Xuân Hòa, Phúc Yên, nhận là người làm thuê) tự ý đổ đất, san gạt xuống lòng hồ diện tích khoảng 160m2. Hai ngày sau, Công ty Thủy lợi Phúc Yên báo cáo UBND thành phố Phúc Yên và UBND xã Ngọc Thanh về vụ việc này. Vấn đề là ông Hiệp làm thuê cho ai và ai là người chịu trách nhiệm chính trong vi phạm này, đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Trước đó không lâu, vào ngày 31/8/2021, UBND xã Ngọc Thanh đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Tư (sinh năm 1983, thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh) về hành vi lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trên diện tích 695m2 thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Lập Đinh. Ngày 21/9/2021, UBND thành phố Phúc Yên quyết định xử phạt hành chính số tiền 40.000.000 đồng đối ông Lê Văn Tư. Sau đó, thành phố Phúc Yên và xã Ngọc Thanh đã tiến hành cưỡng chế vi phạm tại hồ Lập Đinh.
Cần làm rõ các đối tượng vi phạm
Như vậy, trong thời gian ngắn, các đối tượng bất chấp pháp luật đổ đất, lấn, chiếm nhiều hồ nước. Có người ngang nhiên đưa phương tiện cơ giới vào san ủi trái phép. Điều đáng nói là mỗi cuộc cưỡng chế cần rất nhiều thủ tục, tốn kém kinh phí của nhà nước, nhưng do không xác định được kẻ chủ mưu vi phạm, không khởi tố vụ án, kẻ xấu vẫn nhởn nhơ thách thức dư luận.
Theo ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Công ty Thủy lợi Phúc Yên, các hồ trên địa bàn xã Ngọc Thanh, kể cả hồ Đại Lải, chưa được cắm mốc giới. Công ty được giao danh mục các hồ để quản lý, nhưng không giao diện tích lòng hồ, dẫn đến khó xác định ranh giới hồ. Khi phát sinh vi phạm, phải nhờ chính quyền địa phương kiểm tra trên bản đồ. Ông Chính khẳng định, việc xử lý vi phạm thuộc trách nhiệm của chính quyền xã Ngọc Thanh và thành phố Phúc Yên.
Vấn đề là, trong khi các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, thì tình trạng vi phạm lấn, chiếm lòng hồ ngày càng nghiêm trọng. Các đối tượng hành động liều lĩnh là do chính quyền địa phương né tránh, ngại vào cuộc xử lý, hoặc chỉ lập biên bản hiện trạng.
Trước những việc làm có dấu hiệu vi phạm rõ ràng ngày, dư luận đang chờ đợi UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhanh chóng có chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương thanh tra, kiểm tra việc tự ý đổ đất, lấn chiếm hồ Thanh Niên, hồ Trại Trâu tại xã Ngọc Thanh.
Đề nghị UBND thành phố Phúc Yên chỉ đạo lực lượng công an điều tra làm rõ những đối tượng vi phạm, đối tượng chủ mưu. Tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Phúc Yên cần làm rõ những cán bộ bao che cho đối tượng vi phạm, kiên quyết xử lý những cán bộ có hành vi tiếp tay, bao che cho đối tượng vi phạm.