Nhiều vụ “rút ruột”, thanh toán khống
Thời gian qua, các cơ quan có trách nhiệm ở Bạc Liêu đã đùn đẩy, không xử lý dứt điểm vụ việc Công ty cổ phần Xây dựng giao thông và Thương mại 124 (Công ty 124) có hành vi lập hồ sơ giả để thanh toán khống hai tỷ đồng, gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân. Cụ thể, Công ty 124 trúng thầu và thi công hạ tầng trong Khu công nghiệp (KCN) Trà Kha (tỉnh Bạc Liêu), tại gói thầu số 11a với tổng giá trị thi công là 17,4 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, Công ty 124 đã có hành vi lập hồ sơ giả để thanh toán khống hai tỷ đồng. Được biết, mặc dù từ tháng 10-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã có văn bản yêu cầu xử lý sớm, dứt điểm vụ thanh toán khống hai tỷ đồng nêu trên, nhưng đến nay, vụ việc này chưa được xem xét, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật và có dấu hiệu “chìm xuồng”. Tại nhiều biên bản làm việc giữa các bên, có mặt đại diện Công ty 124, đều thể hiện rõ công ty này đã lập hồ sơ khống để thanh toán lấy tiền từ Kho bạc Nhà nước tỉnh Bạc Liêu bốn lần, trót lọt ba lần, với số tiền hai tỷ đồng. Các lần thanh toán khống được xác định vào các ngày 11-5, 28-7, 7-11 năm 2011 và phải đến lần thanh toán thứ tư vào ngày 23-12-2011 mới bị phát hiện. Đáng lưu ý, đến tháng 12-2018, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu đã có kết luận cụ thể, kiến nghị Công an tỉnh Bạc Liêu xem xét, xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, người liên quan vụ việc này là ông Bùi Hồng Kỳ, dù đã bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng, nhưng chưa bị xem xét, xử lý thỏa đáng về chính quyền. Tại thời điểm xảy ra vụ thanh toán khống, ông Kỳ là Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCN Trà Kha và hiện nay lại giữ chức Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu,…
Tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, thời gian qua, một số công trình giao thông nông thôn có dấu hiệu bị “rút ruột”. Cụ thể, trước đó, UBND xã Vĩnh Hậu lập kế hoạch phê duyệt tám công trình duy tu, sửa chữa các cây cầu giao thông nông thôn bán cơ bản, các tuyến lộ bị hư hỏng trên địa bàn xã giai đoạn 1 năm 2019, với tổng kinh phí hơn 125 triệu đồng. Việc sửa chữa này do ông Huỳnh Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu làm đại diện chủ đầu tư. Trong quá trình thực hiện, ông Tân được cho là có dấu hiệu rút ruột, quyết toán khống, thiết kế không đúng một số công trình cầu giao thông nông thôn như cầu Ông Hôn, cầu Có Méo, cầu Kênh 13, cầu đê Trường Sơn,… bị một số cán bộ, người dân phát hiện, tố cáo đến các cấp có thẩm quyền của tỉnh và huyện. Tuy nhiên, đến nay, vụ việc cũng chưa được xem xét, xử lý nghiêm minh, có dấu hiệu “giơ cao, đánh khẽ”.
Cần xử lý nghiêm minh
Một vụ việc khác, UBND xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi đã chỉ đạo cấp dưới quyết toán khống hai công trình cải tạo đường giao thông nông thôn, với số tiền 200 triệu đồng “bỏ túi riêng”. Theo Thanh tra huyện Vĩnh Lợi, từ nguồn vốn duy tu, sửa chữa giao thông nông thôn năm 2018, Chủ tịch UBND xã Hưng Hội Lâm Anh Tuấn đã chỉ đạo kế toán xã lập chứng từ thanh, quyết toán hai công trình giao thông duy tu, sửa chữa tại xã Hưng Hội với số tiền 200 triệu đồng, mặc dù không thi công. Ngoài ra, Thanh tra còn phát hiện UBND xã Hưng Hội lập quỹ không đưa vào hệ thống kế toán để quản lý mà để ngoài số tiền hơn 151 triệu đồng… Đáng lưu ý, những sai phạm của một số cán bộ chủ chốt ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) chỉ bị xử lý qua loa, chiếu lệ, không nghiêm minh, kịp thời, gây hoài nghi trong cán bộ, nhân dân.
Cũng tại huyện Vĩnh Lợi, Ban Thường vụ Huyện ủy vừa triển khai quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo về Đảng đối với ông Tô Thanh Tân, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vĩnh Lợi, nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng. Theo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Vĩnh Lợi, năm 2016, UBND xã Vĩnh Hưng là chủ đầu tư sửa chữa hai điểm trường tiểu học để làm trụ sở và nhà văn hóa ấp với tổng vốn đầu tư hơn 294 triệu đồng. Với vai trò Chủ tịch UBND xã, ông Tô Thanh Tân đã buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, khiến hai công trình này không đạt chất lượng, xuống cấp, hư hỏng, không sử dụng được. Đồng thời, công trình sửa chữa thực hiện không đúng dự toán, thanh toán khống số tiền hơn 104 triệu đồng “bỏ túi riêng”. Đến nay, vụ việc cũng chỉ dừng ở mức “xử lý nội bộ”.
Thời gian qua, ngành thanh tra tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức triển khai hơn 40 cuộc thanh tra theo kế hoạch và một số cuộc thanh tra đột xuất, tại 40 địa phương, đơn vị. Qua thanh tra, phát hiện 27 địa phương, đơn vị vi phạm với số tiền hơn 42,1 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 8,8 tỷ đồng, kiến nghị giảm trừ thanh toán, chấn chỉnh, khắc phục hơn 33,3 tỷ đồng; đã thu hồi (tạm giữ chờ xử lý) hơn 3,7 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính tám cá nhân, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 17 tập thể và 38 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ một vụ tại xã Vĩnh Bình. Tuy nhiên, quyết định xử lý của các cấp chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh Bạc Liêu mới chỉ thu hồi hơn 2,6 tỷ đồng; trong đó, ngành thanh tra tỉnh thu hồi được hơn hai tỷ đồng. Rõ ràng những con số này chưa phản ánh đúng thực tế cũng như mức độ vi phạm của các vụ việc.
Theo nhiều cán bộ, người dân ở Bạc Liêu, các vụ việc vi phạm nêu trên đã khá rõ ràng, nhưng không hiểu vì sao các cơ quan có trách nhiệm ở tỉnh Bạc Liêu lại “ngâm” lâu như vậy, không xử lý dứt điểm, gây bức xúc, bất bình và hoài nghi trong nhân dân. Nhiều người dân địa phương rất mong muốn Tỉnh ủy và UBND tỉnh sớm chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm xem xét, xử lý dứt điểm, nghiêm minh, nhằm củng cố lòng tin của nhân dân.