Dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, công nhân ở các tỉnh lân cận không thể trở lại nhiều nhà máy trong các khu, cụm công nghiệp ở Thái Nguyên để làm việc. Điển hình là các nhà máy may của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG tại huyện Phú Bình thiếu nhân lực, phải tăng ca, làm thêm giờ để đáp ứng đơn hàng, vì nhiều công nhân ở tỉnh Bắc Giang gần đó không thể đến nhà máy làm việc.
Để có đủ nguồn nhân lực làm việc tại các dây chuyền sản xuất, Samsung Thái Nguyên chấp nhận tăng chi phí để đón 2 nghìn công nhân từ tỉnh Bắc Ninh lên Khu công nghiệp Yên Bình cách ly 14 ngày trước khi làm việc tại ở Thái Nguyên. Với quy mô sản xuất rất lớn, mỗi ngày Tổ hợp Samsung Thái Nguyên sản xuất giá trị hàng hóa lên đến 60 - 70 triệu USD, nếu sản xuất bị đình trệ thì thiệt hại là rất lớn.
Do đó, bảo vệ công nhân, nguồn nhân lực sản xuất được Samsung Thái Nguyên đặc biệt coi trọng. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên mới đây, lãnh đạo Samsung Thái Nguyên đề nghị Đại học Thái Nguyên và 2 trường cao đẳng trên địa bàn hỗ trợ ký túc xá cho khoảng 12 nghìn cán bộ, nhân viên của 5 công ty phụ trợ trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoặc phải thực hiện giãn cách xã hội để duy trì sản xuất.
Nhu cầu nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên rất lớn, nhưng các doanh nghiệp và địa phương chưa đáp ứng được. Trên địa bàn thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình, hiện nay có gần 30 nghìn công nhân thuê nhà trọ, trong đó thị xã Phổ Yên có gần 20 nghìn. Đến nay, Samsung Thái Nguyên gần như là doanh nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh xây dựng được nhà ở công nhân, đó là khu ký túc xá tại Khu công nghiệp Yên Bình, nhưng cũng chỉ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 25 nghìn công nhân, hàng chục nghìn công nhân cư trú, tạm trú ở các địa phương, đi, về trong ngày.
Đáp ứng nhu cầu chỗ ở trọ cho công nhân, người dân các địa phương gần những khu công nghiệp Thái Nguyên xây dựng các căn nhà cấp 4 cho công nhân thuê. Chị Nông Thị Quế ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn làm công nhân Công ty TNHH Mani Thái Nguyên, thuê phòng trọ khoảng 10 m2 tại xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, ngày đi làm, tối về phòng trọ ăn, nghỉ.
Chị Quế chia sẻ, cuộc sống tại khu nhà trọ nhiều khó khăn, nhà lợp mái tôn, nấu nướng, ăn nghỉ trong phòng nên mùa hè bức bối; không có phòng riêng tắm giặt, vệ sinh nên bất tiện. Muốn thuê khu tiện nghi hơn nhưng không có điều kiện, thu nhập không cho phép và phải dành dụm gửi tiền về nhà hỗ trợ bố mẹ trang trải cuộc sống gia đình.
Thời gian vừa qua, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp lo ngại công nhân tại các khu trọ bị nhiễm Covid-19 trong cộng đồng rồi lây lan trong môi trường công nghiệp, nhà máy. Hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan vào khu, cụm công nghiệp, cần có nhà ở công nhân để quản lý tập trung, về lâu dài là cải thiện điều kiện chỗ ở, ổn định đời sống công nhân.
Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG có khoảng 15 nghìn công nhân, đã từng đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhưng do chính sách về tín dụng, đất đai, điều kiện chi trả của công nhân không đáp ứng nên cuối cùng phải chuyển thành nhà ở thương mại. Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này, ông Nguyễn Văn Thời cho biết: Nhà ở công nhân là nhu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài, nhưng hiện nay chưa đáp ứng được.
“Để phát triển nhà ở công nhân, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho công nhân bằng hình thức cho vay lãi suất thấp, hoặc hỗ trợ lãi suất. Quy hoạch khu, cụm công nghiệp cần dành quỹ đất thỏa đáng để xây dựng nhà ở công nhân, nhà trẻ, khu dịch vụ và có chính sách ưu đãi vượt trội về đất đai, tín dụng, thuế để khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng nhà ở công nhân”, ông Thời kiến nghị.