Cần Thơ bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ công chức, viên chức

UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành Ðề án "Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2025". Ðối tượng thực hiện là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp theo dõi công tác dân tộc, chuyên trách làm công tác dân tộc.

Trồng na tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu (Tây Ninh). Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG
Trồng na tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu (Tây Ninh). Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG

Nhằm mục tiêu nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương, đường lối của Ðảng và pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Theo kế hoạch, thành phố sẽ tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc tập trung ít nhất 13 ngày/năm, hoàn thành 12 chuyên đề giảng dạy và 17 chuyên đề tham khảo. Nội dung chương trình bồi dưỡng tập trung vào các chuyên đề về kiến thức, văn hóa, tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc của Ðảng và Nhà nước. Mục tiêu đến năm 2025, thành phố Cần Thơ có ít nhất 90% số cán bộ, công chức thuộc nhóm đối tượng 1, 2 được cung cấp tài liệu, thông tin về kiến thức dân tộc, chính sách dân tộc; ít nhất 80% số cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 2, 3, 4 của địa phương được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc và được bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

★ Ðánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu đến năm 2020, có 46 trong tổng số 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 14 xã biên giới), năm xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh cũng giao huyện Hòa Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới, thành phố Tây Ninh là đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, do nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, cho nên tỉnh đã triển khai các giải pháp kêu gọi sự chung tay của cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tập trung làm tốt hơn nữa công tác vận động hỗ trợ từ các nguồn vốn của xã hội, cũng như trong nhân dân. Công tác vận động thiết thực, cụ thể, phù hợp với thu nhập của từng đối tượng, tránh trường hợp áp đặt vận động theo hướng cào bằng trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời bảo đảm tính công khai, minh bạch, tự nguyện để đạt hiệu quả tốt nhất.

Tính đến nay, Tây Ninh đạt số tiêu chí bình quân là 14,9 tiêu chí/xã, không có xã dưới 10 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh năm 2018 đạt 43,1 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,54% (7.609 hộ nghèo). Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 81%. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 98,8%. Toàn tỉnh có 36 trong 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới.