Cần thiết sửa đổi, bổ sung nội quy kỳ họp Quốc hội theo hướng khoa học, hợp lý

NDO - Chiều 20/10, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Tổng Thư ký-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung nội quy kỳ họp Quốc hội sau 7 năm thi hành là cần thiết và phù hợp thực tiễn, song phải được thực hiện theo hướng quy định đầy đủ quy trình, thủ tục chặt chẽ, cụ thể, khoa học, hợp lý.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thư ký-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Ảnh: DUY LINH
Tổng Thư ký-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Ảnh: DUY LINH

Hoàn thiện các quy định liên quan kỳ họp Quốc hội

Trình bày Tờ trình tại hội trường chiều nay, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 của Quốc hội ngày 24/11/2015 (Nội quy năm 2015) đã cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn với nhiều quy trình, thủ tục mới được cập nhật, quy định cụ thể. Việc thực hiện Nội quy đã góp phần thúc đẩy hoạt động của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, bài bản và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các kỳ họp Quốc hội.

Tuy nhiên, sau gần 7 năm thi hành, Nội quy năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 và nhiều đạo luật khác đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, nên Nội quy cần được xem xét sửa đổi, bổ sung; đồng thời cần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII vào Nội quy kỳ họp để bảo đảm tính chính trị, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, một số điều, khoản tại Nội quy năm 2015 không còn phù hợp thực tiễn, nhất là từ năm 2016, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm tính hợp lý, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đánh giá cao. Do đó, việc sửa đổi Nội quy kỳ họp là cần thiết và cần được xem xét, bổ sung quy định để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.

Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015 nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định đầy đủ quy trình, thủ tục chặt chẽ, cụ thể, khoa học, hợp lý tại kỳ họp, trong khi những quy trình, thủ tục cụ thể liên quan đến kỳ họp đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì không quy định lại mà chỉ dẫn chiếu nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội năm 2015 nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp theo hướng quy định đầy đủ quy trình, thủ tục chặt chẽ, cụ thể, khoa học, hợp lý tại kỳ họp.

Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015 cũng kế thừa, phát huy có hiệu quả những quy định còn phù hợp, nội quy hóa những vấn đề cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, cũng như các quy trình, thủ tục đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn và phù hợp, nhằm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội, tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại kỳ họp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp.

Bảo đảm tổ chức kỳ họp Quốc hội linh hoạt, phù hợp thực tiễn

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành việc nghiên cứu sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội; thống nhất với mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội với 31 nhóm vấn đề mới đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra. Nội dung của dự thảo Nội quy kỳ họp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung nội quy kỳ họp Quốc hội theo hướng khoa học, hợp lý ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo. Ảnh: DUY LINH

Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định về kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường trong dự thảo Nội quy kỳ họp. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đề nghị cân nhắc bổ sung quy định kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo 2 hay nhiều đợt tùy theo nội dung, chương trình được Quốc hội thông qua tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Nội quy kỳ họp, bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc ghi nhận nội dung trên trong Nội quy kỳ họp Quốc hội là phù hợp với thực tiễn hoạt động của Quốc hội 2 năm vừa qua trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, và cũng tạo cơ sở cho việc chuyển dần hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp sang thường xuyên hơn, trong khi số lượng ngày họp thực tế không tăng lên nhiều, kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề thực tiễn đặt ra thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc để quy định phù hợp hơn đối với trường hợp một số đại biểu bắt buộc phải vắng mặt tại một số phiên họp toàn thể, họp Tổ... để tham gia các cuộc làm việc với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan về tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ thuật các dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thì không coi là vắng họp.

Về chương trình kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng chương trình kỳ họp đã được thực hiện hiệu quả như: bố trí thời gian thảo luận các dự án luật, dự thảo nghị quyết được thông qua tại kỳ họp trước các dự án luật, dự thảo nghị quyết được xem xét lần đầu; phiên thảo luận về kinh tế-xã hội được tổ chức trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn; các nội dung trong các lĩnh vực có liên quan đến nhau được bố trí thảo luận gần nhau…

Về chất vấn tại phiên họp toàn thể, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định về chất vấn, tranh luận của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn theo quy định tại dự thảo Nội quy kỳ họp, đồng thời đề nghị ngoài việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn, cần bổ sung quy định về kéo dài thời gian phiên chất vấn; xác định rõ thời gian kéo dài tối đa trong từng trường hợp; bổ sung điều kiện kéo dài thời gian phiên chất vấn cần xin ý kiến và được sự đồng ý của Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất với quy định về phiên họp toàn thể của Quốc hội.