Cần thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn để đánh giá tác động dài hạn của thuốc lá mới

Việc có nhiều quốc gia kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới hứa hẹn sẽ có nhiều nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn trong tương lai, điều này giúp cho toàn cầu sẽ hiểu rõ toàn diện hơn đối với các sản phẩm thuốc lá mới cũng như cơ hội để thay đổi tình trạng sức khỏe cho hàng tỷ người hiện đang hút thuốc lá điếu như trước đây.
0:00 / 0:00
0:00

Theo thống kê, đến nay đã có 184 trong tổng số 195 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kiểm soát hoặc ngầm kiểm soát thuốc lá làm nóng.

Ý nghĩa của các nghiên cứu lâm sàng đối với người hút thuốc chuyển sang giải pháp giảm tác hại

Cần thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn để đánh giá tác động dài hạn của thuốc lá mới ảnh 1

Trong y khoa, nghiên cứu lâm sàng là các nghiên cứu được tiến hành trên người để xác định tính an toàn và hiệu quả của phương pháp điều trị. Đối với thuốc lá mới, nghiên cứu lâm sàng chính là đo lường các chỉ số sức khỏe thay đổi như thế nào của người chuyển đổi từ hút thuốc lá điếu sang các sản phẩm thuốc lá không khói, như thuốc lá làm nóng.

Bà Gizelle Baker, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kết nối khoa học quốc tế của Phillip Morris International (PMI) cho biết, hiện đã có hơn 5.500 người tham gia vào các chương trình nghiên cứu lâm sàng do đơn vị này thực hiện. Ngoài ra PMI còn có nghiên cứu cắt ngang quy mô lớn và nghiên cứu COPD (phổi tắc nghẽn mạn tính), với hơn 1.500 người tham gia cho mỗi nghiên cứu.

Việc tiến hành các nghiên cứu lâm sàng này đã đem lại những phát hiện mới nhất hoặc phát hiện cơ bản là khi người hút thuốc chuyển sang sử dụng sản phẩm thay thế không khói thuốc (như thuốc lá làm nóng và các sản phẩm không khói khác), mức độ phơi nhiễm của họ với các hợp chất có hại và có tiềm năng gây hại (HPHC) bắt đầu tiến về tiệm cận với mức của người đã cai thuốc hoàn toàn.

Theo một nghiên cứu lâm sàng độc lập khác kéo dài trong 3 năm do Trung tâm Xuất sắc về Chiến lược giảm thiểu tác hại (Centre of Excellence for the acceleration of Harm Reduction - CoEHAR) thuộc Đại học Catania (Italia) thực hiện, kết quả khẳng định rằng việc chuyển sang sử dụng thuốc lá làm nóng đã làm giảm hơn 40% số đợt cấp của COPD (đợt bệnh nhân có biến cố cấp tính với các triệu chứng hô hấp xấu đi nghiêm trọng). Bên cạnh đó, kết quả cũng cho thấy có những cải thiện đáng kể trên lâm sàng trong các chỉ số về chất lượng cuộc sống và khả năng luyện tập thể lực, trong khi không có thay đổi nào được ghi nhận ở những bệnh nhân COPD tiếp tục hút thuốc lá điếu thông thường.

Việt Nam có thể đóng góp dữ liệu thực tiễn cho toàn cầu

Mặc dù vẫn chưa có quyết định phương án quản lý thuốc lá mới, cũng như còn một số hạn chế về kỹ thuật để thẩm định khoa học, tuy nhiên, Việt Nam có thể cùng các quốc gia đóng góp vào sứ mệnh cải thiện sức khỏe người hút thuốc lá điếu bằng những dữ liệu thực tiễn. Thông qua việc cung cấp hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới đến với người hút thuốc và cho phép giới khoa học cùng tham gia, Việt Nam sẽ có những dữ liệu tin cậy để đóng góp vào sự phát triển chung của khoa học toàn cầu.

Điều này cũng đã từng được đề cập từ các chuyên gia trong nước. Cụ thể, tại tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng” được tổ chức ngày 19/10, ông Vũ Công Thảo, Vụ Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng Chính phủ đề nghị cần phải có thêm những bằng chứng khoa học toàn diện đối với sản phẩm này: “Vấn đề ở đây là thuốc lá mới tác hại như thế nào đến người sử dụng, nhất là thế hệ trẻ, thì chúng ta cần có sự đánh giá có chiều sâu của các nhà khoa học, đồng thời tiếp thu có lựa chọn kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế”.

Cũng theo bà Gizelle, chính phủ có thể yêu cầu trách nhiệm từ các công ty sản xuất sản xuất cùng tham gia vào việc nghiên cứu khoa học đối với các sản phẩm này.

Mặt khác, bà Gizelle cũng đề xuất thêm đơn vị thực hiện các nghiên cứu có tài trợ nên từ những cơ quan, đơn vị mà chính phủ tin tưởng giao trách nhiệm. Nếu phương thức hợp tác này được thực thi, tiến độ nghiên cứu sẽ sớm được triển khai và kết quả nghiên cứu cũng được khách quan vì đến từ những đơn vị từ phía chính phủ chỉ định.

Cần thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn để đánh giá tác động dài hạn của thuốc lá mới ảnh 2

Theo các chuyên gia, khoa học kỹ thuật của thuốc lá mới ngày càng phát triển tỷ lệ thuận với nhu cầu sử dụng trong xã hội. Do vậy, không thể né tránh sự hiện diện của các sản phẩm này, mà thay vào đó cần có chiến lược kiểm soát phù hợp cũng như tăng cường hệ thống kỹ thuật, cập nhật khoa học để kịp thời đưa ra những hướng dẫn, cảnh báo sức khỏe cho người hút thuốc.

Trên cơ sở đó, việc áp đặt trách nhiệm xây dựng hệ thống đánh giá sản phẩm theo yêu cầu chính phủ lên các công ty sản xuất, cung cấp sản phẩm điều cần thiết.

Ông Tommaso Di Giovanni, Phó Tổng Giám đốc Truyền thông quốc tế PMI cũng cho biết, ngày càng có nhiều quốc gia cởi mở đối thoại với các doanh nghiệp ngành thuốc lá.

Theo ông, rào cản lớn nhất của thiểu số các bên chưa cởi mở là vì một số cơ quan quản lý hoặc chính phủ đang hiểu chưa đúng về Điều 5.3 của Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC).

Ông Tommaso diễn giải, điều khoản này chỉ yêu cầu mọi cuộc đối thoại đều phải công khai, minh bạch và không nhằm bảo vệ các lợi ích của ngành hàng thuốc lá. "Điều 5.3 không cho rằng giữa các bên hữu quan và ngành hàng thuốc lá không thể đối thoại với nhau, nhưng lại thường bị hiểu sai theo nghĩa đó. Vì vậy, một số nhà quản lý ở vài quốc gia còn áp dụng điều khoản này một cách máy móc hoặc cực đoan," ông Tommaso nhấn mạnh.

Đến nay, các sản phẩm thuốc lá mới vẫn đang được các bộ ngành thảo luận và tìm ra hướng giải quyết phù hợp với cả luật hiện hành và điều kiện thực tế. Như bất kỳ quốc gia nào khác, việc quản lý các sản phẩm này sẽ gặp một số thách thức nhất định. Tuy nhiên, với sự hợp lực từ các bên, từ các cơ quan bộ ngành đến các chuyên gia, nhà khoa học, những ách tắc này có thể được tháo gỡ.