Cần thêm cơ chế, chính sách đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng

NDO - Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 từ 5,34% đến 6,46% trong điều kiện Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023.
Quang cảnh Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023.

Tại Diễn đàn cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề "Bơi trong vòng xoáy" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 8/8, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Điều này đặt áp lực nặng nề đối với việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.

Đáng quan ngại là hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực đang gặp khó khăn. Sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng,…

Các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán chứng khoán còn khó khăn… Dư nợ tín dụng đến hết tháng 6 chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với con số 9,44% của cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đã tăng 3,9% so tháng trước và tăng 3,7% so cùng kỳ.

Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài lần đầu tiên tăng 4,5% so cùng kỳ sau khi giảm liên tiếp trong sáu tháng đầu năm, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so cùng kỳ nhưng xuất siêu trên 16,5 tỷ USD…

“Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kể từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, các biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng,… đã và đang được Chính phủ triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, bởi nếu năm nay, tăng trưởng không đạt mục tiêu, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2025, thậm chí xa hơn là các mục tiêu 2030- 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay cả khi năm 2023 đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, bình quân hai năm 2024-2025, tăng trưởng GDP phải đạt 7,76%/năm mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5%, cận dưới mục tiêu 5 năm 6,5-7%, theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Còn nếu tăng trưởng năm 2023 chỉ là 6%, thì bình quân hai năm 2024-2025, phải tăng trưởng 8%/năm. Đây là những mức tăng trưởng rất cao và rất khó để đạt được nếu không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa trên những số liệu thống kê mới nhất.

Kịch bản 1: Tăng trưởng GDP 5,34%, lạm phát bình quân 3,43%; tăng trưởng xuất khẩu giảm 5,64%, cán cân thương mại thặng dư 9,1 tỷ USD.

Kịch bản này dựa trên giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế. Ở trong nước, Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022.

Kịch bản 2: Tăng trưởng GDP 5,72%, lạm phát bình quân 3,87%; tăng trưởng xuất khẩu giảm 3,66%, cán cân thương mại thặng dư 10,3 tỷ USD.

Mức tăng trưởng này có thể đạt được trong điều kiện giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong Kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới. Nhưng có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam.

Kịch bản 3: Tăng trưởng GDP 6,46%, lạm phát bình quân 4,39%; tăng trưởng xuất khẩu giảm 2,17%, cán cân thương mại thặng dư 6,8 tỷ USD.

Các biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng,… đã và đang được Chính phủ triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương

Giả thiết là bối cảnh kinh tế thế giới có chuyển biến tích cực hơn, như tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn,…

Cùng với là sự quyết liệt trong cải cách và điều hành chính sách ở trong nước. Qua đó thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hấp thụ tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất lao động giúp hoạt động đầu tư hiệu quả hơn.

Để đạt được mức tăng trưởng cao, CIEM kiến nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là rất quan trọng nhưng cũng cần lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số Hiệp định thương mại tự do của ASEAN. Thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới.