Việc tiếp tục bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát và linh hoạt trong điều hành giá trong các tháng cuối năm sẽ góp phần giúp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện hữu nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp
Ngày 4/7, phát biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023”, do Viện Kinh tế-Tài chính (Học viện Tài chính), Bộ Tài chính tổ chức, PGS, TS. Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao.
Nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.
Tốc độ mở rộng thương mại năm 2023 được dự báo vẫn ở mức dưới trung bình do ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột địa chính trị, lạm phát cao dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và bất ổn tài chính có nguy cơ xuất hiện.
PGS, TS. Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt, góp phần quan trọng giúp kinh tế-xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.
Cụ thể, GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng CPI bình quân 6 tháng so với cùng kỳ năm trước thấp hơn của các năm 2014, 2017 và 2020, nhưng cao hơn hoặc bằng so với của các năm còn lại trong giai đoạn 10 năm 2014-2023.
Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 4,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2022 (cao nhất trong giai đoạn 2014-2023)...
Cùng với đó, sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức…
[Infographic] GDP 6 tháng của Việt Nam tăng 3,72%
Dự báo CPI được kiểm soát ở mức thấp trong năm 2023
Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, diễn biến 6 tháng đầu năm cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 1/2023, nhưng đồng thời cũng giảm mạnh hơn dự báo. Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 6/2023 đã giảm về mức chỉ còn 2%.
TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, sự suy giảm mạnh của lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023 xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc sụt giảm (xuất khẩu).
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Bên cạnh đó, tăng trưởng cung tiền cũng thấp. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6/2023 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến lạm phát giảm mạnh là do lãi suất thực ở mức quá cao. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6/2023 là 8,9%.
Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%, thậm chí cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021 là 5,9% và 4,6%.
Xét về góc độ tác động lên lạm phát, TS Nguyễn Đức Độ cho rằng các yếu tố về cung tiền, lãi suất và tổng cầu nêu trên không chỉ khiến lạm phát giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023, mà còn tiếp tục có tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI ở mức thấp trong 6 tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, các nguy cơ xảy ra các cú sốc về cung như giá dầu, tỷ giá giống năm 2022 cũng không cao, tạo thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát. Riêng về giá dầu, với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng (có thể xảy ra vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024), giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm như đã diễn ra trong vòng 1 năm qua, hoặc ít nhất sẽ không tăng mạnh.
Về yếu tố tỷ giá, tỷ giá USD/VND trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng khá ổn định nhờ Việt Nam xuất siêu 12,25 tỷ USD. Với việc đồng USD cũng đang trong xu hướng giảm giá, khả năng tỷ giá USD/VND sẽ được Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định trong biên độ +/- 1-2%.
Theo TS Nguyễn Đức Độ, trong vòng 1 năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức khoảng 2,5%, qua đó đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát được Quốc hội phê duyệt là dưới 4,5% trong năm nay.
Diễn biến giá cả thị trường thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành giá
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Bà Vũ Phương Trà, Phó Trưởng phòng, Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho biết, diễn biến giá cả thị trường trong nước nửa đầu năm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Chính phủ.
So với các quốc gia, Việt Nam không thuộc nhóm quốc gia có mức lạm phát cao khi CPI tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, tổng chung CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% (lạm phát cơ bản tăng 4,74%).
Trong bối cảnh giá cả, lạm phát thế giới ở mức cao thì tại thị trường trong nước, giá cả cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát theo đúng kịch bản của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ.
Diễn biến chỉ số CPI so với tháng trước theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy xu hướng tăng giá diễn ra tập trung vào các tháng Tết, nhưng sang đến tháng 3/2023, CPI đã quay đầu giảm kéo dài sang hết tháng 4/2023 và đến tháng 5/2023, tháng 6/2023 có xu hướng tăng nhẹ trở lại.
Diễn biến CPI 6 tháng đầu năm 2023, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. |
Giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định, chỉ có mặt hàng điện tăng giá trên cơ sở đánh giá kỹ tác động vào CPI trước khi điều chỉnh. Theo đó, mức điều chỉnh tăng 3% là mức điều chỉnh thấp nhất theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg có tác động không lớn đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Tổng chung do tác động của việc điều chỉnh giá của EVN và nhu cầu sử dụng điện tăng trong dịp Tết, mùa hè nắng nóng nên giá điện sinh hoạt tăng 3,12% và tác động làm CPI tăng 0,1% (theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố).
Đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm giá cả tương đối ổn định do sản xuất tăng trưởng khá cao, nguồn cung dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Các yếu tố chính làm giảm CPI bao gồm giá nhiên liệu là xăng, dầu và gas. Đây là các mặt hàng có biến động phức tạp theo giá thế giới và từ đầu năm đến nay, đối với mặt hàng xăng, dầu đã cho thấy xu hướng giảm sự tác động của Nhà nước trong việc bình ổn giá mặt hàng này.
Tính đến ngày 29/6/2023, liên Bộ Công Thương-Tài chính đã có 17 lần điều hành giá xăng dầu, trong đó các mặt hàng xăng mới có 3/17 lần và mặt hàng dầu mazut chỉ có 1/17 lần chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ là một nhân tố quan trọng giúp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng-Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Từ đó, bà Vũ Phương Trà nêu rõ, công tác quản lý điều hành giá một số mặt hàng quan trọng có ảnh hưởng lớn tới mặt bằng giá chung được thực hiện thận trọng ngay từ đầu năm, cùng với đó là nguồn cung nhiều hàng hóa thiết yếu được bảo đảm đã giúp kiểm soát lạm phát trong nửa đầu năm 2023.
Theo đại diện Cục Quản lý giá, thị trường trong nước những tháng cuối năm cũng đã xuất hiện những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá, như lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1/7/2023 tác động đến các hàng hóa, dịch vụ khác, dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giá các mặt hàng thiết yếu tăng theo quy luật vào thời điểm cuối năm do nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết sang năm…
Triển khai những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, sự thuận lợi cho kiểm soát lạm phát trong nước đến từ giá xăng dầu thế giới dự báo vẫn tiếp tục giảm hoặc ổn định, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào trong khi sức mua giảm cùng với chi phí vận chuyển giảm do giá xăng dầu giảm.
Lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt trong năm 2023 giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh “nhập khẩu lạm phát”, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023.
Đại diện Cục Quản lý giá cho rằng, với tốc độ tăng CPI như 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy dư địa kiểm soát lạm phát đang tăng dần là điều kiện thuận lợi để thực hiện linh hoạt việc điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường sau khi việc thực hiện đã bị trễ trong những năm vừa qua.
Trước bối cảnh kinh tế thế giới ảm đảm cũng như các yếu tố biến động phức tạp của giá hàng hóa trọng yếu thế giới như nguyên, nhiên vật liệu và các dự báo giá một số hàng hóa dịch vụ trong nước, Bộ Tài chính cần tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá theo nguyên tắc thận trọng, linh hoạt và thực hiện tốt công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Đồng thời, sự chủ động cũng phải tiếp tục đến từ các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quản lý giá theo thẩm quyền.