Hầu hết các ca nhiễm trong khu phong tỏa, cách ly
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, từ ngày 27/4 đến 18 giờ ngày 1/7, thành phố có 4.345 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố. Số ca tử vong là 16 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,38%.
Trong khi đó, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 1 đến 6 giờ ngày 2/7), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) ghi nhận 533 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 460 trường hợp tại khu cách ly, phong tỏa, cách ly tại nhà đều xác định được nguồn nằm trong các chuỗi lây nhiễm trước đó; hai trường hợp phơi nhiễm là dân quân trực khu phong tỏa ở quận 5 và thành phố Thủ Đức; 42 trường hợp phát hiện khi khám sàng lọc tại 15 bệnh viện.
Hiện thành phố có tám chuỗi lây nhiễm đáng chú ý trong cộng đồng. Trong đó, có chuỗi lây nhiễm tại nhà máy Công ty Nidec Sankyo ở Khu công nghệ cao, thành phố Thủ Đức. Ở chuỗi lây nhiễm này, một trường hợp dương tính qua khám bệnh tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông vào ngày 28/6. Ngành y tế đã khoanh vùng, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm cho 2.800 công nhân làm việc ca ngày. Những lao động làm ca đêm được yêu cầu cách ly tại nhà để y tế tới lấy mẫu.
Đối với chuỗi dịch tại công ty có trụ sở ở tòa nhà trong hẻm 42 đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, sau khi ghi nhận một nhân viên làm tại công ty có dấu hiệu ho, sốt và làm xét nghiệm, kết quả test nhanh dương tính với Covid-19, sáng 28/6, 81 nhân viên công ty liên hệ Bệnh viện FV để xét nghiệm và phát hiện thêm 20 ca dương tính.
Riêng chuỗi dịch phát hiện tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, đến ngày 30/6, ngành y tế thành phố ghi nhận có 25 ca Covid-19 tại bệnh viện gồm 17 bệnh nhân và tám thân nhân, đều thuộc khu B - nơi đang điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc và HIV. Nguồn lây có thể xuất phát từ bên ngoài thông qua một người chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 trú tại Bình Tân, địa phương đang có nhiều ổ dịch.
Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng, do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh nên đợt dịch này đã bùng phát và lây lan trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh. Thành phố đang trải qua hai đợt dịch từ ngày 26/5 đến 14/6 với sự bùng phát của chuỗi dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng và từ 15/6 đến nay với nhiều chuỗi dịch trong cộng đồng.
Trong đó, từ ngày 15/6, các ca bệnh chủ yếu ở khu nhà trọ, cụm dân cư, cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp, tòa nhà văn phòng là nơi có môi trường chật hẹp hoặc thông khí kém, đồng thời nhiều tiếp xúc gần nên dễ dàng lây lan. Đây là những khu vực nguy cơ cao có thể phát tán dịch bệnh ra cộng đồng và khu công nghiệp, bệnh viện.
Cần thực hiện tốt, đồng bộ các biện pháp
Nhận định tình hình dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, diễn biến dịch bệnh vẫn rất khó lường và khả năng tiếp tục tăng. Phạm vi của dịch bệnh không chỉ trong TP Hồ Chí Minh mà lan rộng ra các tỉnh thành lân cận.
Theo Thứ trưởng Y tế, vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục trong tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, phân phối và sử dụng test nhanh… Lực lượng thực hiện công tác truy vết và lấy xét nghiệm bị phân tán nên chưa phát huy hiệu quả cao nhất. Tại một số khu cách ly, phong tỏa cũng còn một số hạn chế trong phòng, chống dịch bệnh. Từ thực tế trên, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương sử dụng test nhanh hợp lý để bảo đảm truy vết nhanh, khoanh vùng phong tỏa sớm.
Về công tác xét nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, lực lượng chức năng cần tuân thủ giãn cách theo Chỉ thị số 10 của Ủy ban nhân dân thành phố, chia ca hợp lý, tránh tụ tập đông người, ảnh hưởng đến phòng, chống dịch; cần thiết có thể triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngay tại các ngõ dân cư. Tại các khu cách ly, khu vực phong tỏa nên có đội ngũ dự bị để sẵn sàng lấy mẫu xét nghiệm khi cần, bảo đảm trả kết quả đúng hẹn.
Trên cơ sở dự báo diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định, cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn rất khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao độ và nỗ lực lớn nhất của toàn hệ thống chính trị, của chính quyền và người dân thành phố cùng với việc thực hiện tốt, đồng đều các biện pháp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thành phố phấn đấu, quyết tâm đến cuối tháng 7, dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và đến tháng 8 có thể khống chế dịch bệnh.
Để thực hiện điều đó, thành phố cần rà soát lại các Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch của tất cả các lĩnh vực, khu vực, địa điểm để cập nhập và triển khai hiệu quả trong tình hình mới. Các quận, huyện chủ động căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn quản lý để điều chỉnh phương án giãn cách xã hội phù hợp; có thể tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 của Ủy ban nhân dân thành phố hoặc đề xuất áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nếu thấy thật sự cần thiết.
Thành phố cần phát huy trách nhiệm của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các quận, huyện, tổ Covid-19 cộng đồng qua việc triển khai kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch. Công tác xét nghiệm tầm soát và tiêm vaccine diện rộng cần tổ chức chặt chẽ, cụ thể, tránh để tràn lan, tự phát, tập trung đông người.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các cơ quan báo chí đưa thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ; không đưa thông tin giật gân, tạo sự chú ý, thông tin sai lệch, không chính xác, gây ảnh hưởng đến nỗ lực phòng chống dịch của thành phố. Đồng thời, nên tập trung đưa tin về các tấm gương tuyến đầu chống dịch, các nghĩa cử hành động cao đẹp chung tay cùng thành phố chống dịch, tạo sự lan tỏa, đồng hành và chia sẻ, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay.