Đây là những chia sẻ của Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương tại tọa đàm trực tuyến “Đề xuất thí điểm Thuốc lá thế hệ mới: Liệu đã chín muồi?” do báo Lao Động tổ chức cuối tháng 10 vừa qua.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới tăng 18 lần trong hơn 5 năm qua
Theo điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành phố tại Việt Nam năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới tăng 18 lần so với năm 2015. Trong bối cảnh đó, việc xem xét, đánh giá đề xuất của Bộ Công thương về thí điểm kinh doanh đối với sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, cụ thể là thí điểm trước có thời hạn với thuốc lá làm nóng đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Mặc dù hướng đến mục tiêu xây dựng chính sách quản lý sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhằm hạn chế tình trạng hàng lậu, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, từ đó giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tuy nhiên, đề xuất này vẫn ghi nhận những ý kiến trái chiều về tính toàn diện và phù hợp đối với bối cảnh kinh tế-xã hội tại Việt Nam hiện nay.
Theo PGS, TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, hai dạng điển hình của thuốc lá thế hệ mới là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Các sản phẩm này đều có chứa các thành phần hóa chất rất độc hại cho sức khoẻ, nhiều hóa chất tương tự như thuốc lá truyền thống, nhiều hóa chất khác với thuốc lá truyền thống.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các sản phẩm thuốc lá truyền thống hay thế hệ mới đều độc hại đối với sức khỏe và cho đến nay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác hại của các loại thuốc lá thế hệ mới.
Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, thuốc lá thế hệ mới ra đời với mục đích hướng đến việc tìm ra giải pháp giảm thiểu tác hại thay thế cho thuốc lá truyền thống, nhưng mức độ ảnh hưởng của sản phẩm này đến sức khỏe con người còn nhiều điểm cần xác thực.
“Có những tác hại phải sau nhiều năm mới thấy hậu quả. Trước khi đưa vào thí điểm, chúng ta cần phải xem xét giữa nguy cơ và lợi ích để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng”, ông Thành nói.
Các khách mời tham gia tọa đàm. |
Cần phải có quá trình đánh giá tác động
Theo ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, để một sản phẩm được lưu hành tại thị trường Việt Nam cần thông qua quá trình đánh giá tác động, đồng thời phải có khung pháp lý rõ ràng, chưa kể thuốc lá thế hệ mới còn là một sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Dựa vào các tiêu chí trên, việc thí điểm thuốc lá thế hệ mới ở thời điểm hiện tại là chưa thực sự phù hợp vì các đánh giá tác động nhiều mặt cũng như các cơ sở cần thiết khi xây dựng chính sách để quản lý mặt hàng này chưa hoàn thiện.
“Luật pháp của chúng ta quy định tiêu chuẩn, tiêu chí của thí điểm là phải có khảo sát, thống kê, đánh giá tác động về mặt lợi và hại của một sản phẩm. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, Việt Nam chưa có thống kê và đánh giá tác động của thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe con người”, ông Hòa nói.
Trong một khảo sát trực tuyến đối với hơn 2.000 người (trên 18 tuổi) đã và đang hút thuốc, kết quả cho thấy 97% người tham gia chia sẻ rằng họ biết đến và đã từng tiếp cận với sản phẩm thuốc lá điện tử, trong khi với thuốc lá làm nóng, con số này chỉ dừng ở mức 50%.
Đánh giá thực tế dựa trên số liệu và nghiên cứu từ chính sách quản lý của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, các chuyên gia đã bày tỏ nhiều quan ngại về việc thực hiện đề xuất thí điểm kinh doanh thuốc lá thế hệ mới của Bộ Công thương.
Bởi vì, hiện nay các điều kiện tiên quyết như các nghiên cứu đánh giá tác động về sức khỏe kinh tế xã hội, các quy chuẩn kỹ thuật, khung pháp lý dành riêng cho dòng sản phẩm này... đều chưa sẵn sàng. Với những vướng mắc hiện tại, có thể nhận định, đây chưa phải thời điểm phù hợp cho việc triển khai thí điểm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nói chung.