Nâng cao giá trị nông sản

Cần sự liên kết thực chất

Việc “bắt tay” giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, giữa hợp tác xã và nông dân có chặt chẽ, hiệu quả hay không có tác động rất lớn từ các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương. Bởi đây chính là cầu nối và cũng là “người” đứng ra giải quyết những bất cập, vướng mắc trong vấn đề liên kết.
0:00 / 0:00
0:00
Sơ chế bưởi da xanh tại Hợp tác xã bưởi da xanh Bến Tre.
Sơ chế bưởi da xanh tại Hợp tác xã bưởi da xanh Bến Tre.

Có thể khẳng định, liên kết là yếu tố sống còn trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa hiện nay. Tuy nhiên, làm thế nào để mối liên kết này bền chặt, phát huy tốt hiệu quả như mong muốn vẫn là vấn đề không đơn giản...

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể

Cánh đồng trồng lúa ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp còn hơn 20 ngày nữa mới bắt đầu thu hoạch. Ngay từ đầu vụ, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với hợp tác xã bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá 9.200 đồng/kg lúa OM18 và 8.100 đồng/kg lúa thường. Nông dân trồng lúa rất vui vì tính toán được lợi nhuận từ trước và tránh được tình trạng tư thương ép giá.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) được thành lập cách đây 21 năm, đến nay có 95 thành viên. Vụ thu đông này, hợp tác xã liên kết sản xuất 372 ha lúa giống và lúa hàng hóa với bốn công ty. Nhiệm vụ chủ yếu của hợp tác xã là dịch vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất cho 289 hộ dân.

Giám đốc Hợp tác xã Thắng Lợi Nguyễn Văn Hùng cho biết, hợp tác xã đang thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn bền vững SRP. Mô hình được triển khai từ năm 2019 với diện tích thực hiện ban đầu 2 ha. Đến nay, đã nhân rộng diện tích lên 548,5 ha. Mô hình bước đầu giúp nông dân làm quen với kỹ thuật canh tác mới theo tiêu chuẩn SRP. Qua thực hiện mô hình đã giúp nông dân hiểu rõ hơn về 41 tiêu chí của bộ tiêu chuẩn bền vững SRP.

Sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP sẽ là cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam vươn xa trên thị trường thế giới. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để lúa gạo Việt Nam tiếp cận với nền sản xuất hiện đại, tiên tiến; tiếp cận với những đối tác lúa gạo hàng đầu, đồng thời, tăng sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng là mô hình phát triển xanh với các yếu tố kinh tế tuần hoàn của hợp tác xã góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hưng Hòa, xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) được thành lập năm 1997 với 21 thành viên, vốn điều lệ chỉ 41 triệu đồng, chuyên sản xuất gắn với tiêu thụ lúa hàng hóa và lúa giống. Đến nay, hợp tác xã đã có 111 thành viên, vốn điều lệ hơn 100 triệu đồng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Mai Văn Mai cho biết, nông dân sản xuất lúa theo yêu cầu thị trường, biết trước giá bán, tính toán được lãi của vụ sản xuất, không lo về “đầu ra”, không sợ chèn ép giá. Đây được xem là một chuỗi sản xuất theo kế hoạch tối ưu, là bước đầu cho việc thay đổi tư duy nhận thức của người dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho rằng, để việc liên kết chặt chẽ thì phải có hợp đồng và thể hiện rõ lợi ích, trách nhiệm của các bên tham gia làm căn cứ thực hiện và xử lý khi không thực hiện đúng hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng liên kết phải có ý thức, trách nhiệm, cam kết thực hiện đúng các nội dung của hợp đồng, bảo đảm lợi ích hài hòa của các bên.

Thúc đẩy sự liên kết hiệu quả, bền vững

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp Võ Phương Thủy cho biết, Sở hỗ trợ các đơn vị phát triển thị trường tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước; trong đó chú trọng đa dạng hóa các kênh tiêu thụ và khai thác tốt lợi thế về thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị; phát triển bao bì, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông sản Đồng Tháp; thông tin thị trường nông sản...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh chiếm số lượng lớn trong tổng số hợp tác xã nhưng đa phần có quy mô hoạt động nhỏ, vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chưa ổn định, liên kết trong sản xuất chưa bền vững, cho nên dễ bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh.

Hiện, hợp tác xã gặp nhiều khó khăn về vốn, khoa học công nghệ, đất đai... Thực tế tại tỉnh cho thấy, chưa xây dựng được nhiều mô hình liên doanh, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, dẫn đến chất lượng sản phẩm còn thiếu sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế mang lại cho thành viên còn hạn chế cần được tháo gỡ.

Thời gian tới, tỉnh Bến Tre tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trong đó, sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân, nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong quá trình thực hiện, tỉnh Bến Tre chú trọng việc hỗ trợ cần tập trung, tránh dàn trải, phân tán; trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học-công nghệ, thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, thời gian qua, thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/8/2018 của Chính phủ, tỉnh Tiền Giang đã tập trung tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi, đã hình thành và phát triển một số chuỗi liên kết tiêu thụ một số sản phẩm lúa, trái cây, rau, chăn nuôi...

Nhìn chung, việc xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đang được các cấp, các ngành cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang rất quan tâm và triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả nhất định. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là xu thế tất yếu, là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành nông nghiệp tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Kỳ vọng, trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều hơn những cái “bắt tay” bền chặt, hiệu quả giữa nhà nông, hợp tác xã và doanh nghiệp tại nhiều địa phương.